Khá nhiều nghệ sĩ sản xuất phim
Từ năm 2015, thị trường phim đánh dấu sự xuất hiện của các nghệ sĩ Việt trong vai trò nhà sản xuất phim. Đó là Lương Mạnh Hải với phim kinh dị Con ma nhà họ Vương, Trần Bảo Sơn với Hy sinh đời trai, Ngô Thanh Vân với Ngày nảy ngày nay, Tấm Cám - Chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn, Về quê ăn Tết, Trạng Tý, Trương Ngọc Ánh với Hương Ga, Truy sát, Sắc đẹp ngàn cân, Sơn Tinh - Thủy Tinh. Vân Trang với Thạch Thảo, Trấn Thành với Bố già, Lý Hải với series phim Lật mặt gồm 5 phần, Lý Nhã Kỳ với Người thứ ba, Trường Giang với 30 chưa phải là Tết, Mai Thu Huyền với Lạc giới, Giấc mơ Mỹ và Kiều.
Ngoài diễn viên, các ca sĩ cũng lấn sân sang sản xuất phim, như Đàm Vĩnh Hưng với Hiệp sĩ mù, Ưng Hoàng Phúc với Hùng Ali và Sáu Lóc Cóc, Hari Won với phim ngắn trực tuyến Thiên Ý, Thủy Tiên với Vợ ơi, em ở đâu, Hương Giang với Sắc đẹp dối tra. Thậm chí, là người mẫu, Ngọc Trinh cũng trở thành nhà sản xuất phim Vòng eo 56.
Nét chung của các nghệ sĩ khi làm nhà sản xuất phim là đầu tư kịch bản, mời các diễn viên đang nổi tham gia, thậm chí mời cả diễn viên, đạo diễn nước ngoài. Một điều không thể thiếu của các nghệ sĩ khi sản xuất phim là lấy hiệu ứng tên tuổi của chính mình để PR sản phẩm.
Cuộc đua tiền tỷ
Một trong những điều khiến công chúng và báo giới quan tâm khi các nghệ sĩ sản xuất phim, đó là chi phí cho “đứa con tinh thần”. Trong đó, yếu tố “câu khách” của phim khi ra rạp là số tiền sản xuất. Thế nên, các nghệ sĩ Việt không ngại ngần công khai những con số tiền tỷ. Ca sĩ Thủy Tiên tuyên bố bỏ 10 tỷ đồng sản xuất phim điện ảnh Vợ ơi, em ở đâu, Đàm Vĩnh Hưng chi 18 tỷ đồng làm phim Hiệp sĩ mù. Trấn Thành chi 23 tỷ đồng cho phim Bố già, Lý Nhã Kỳ bỏ 33 tỷ đồng làm phim Người thứ ba...
Cùng với các con số “khủng” về chi phí, các nghệ sĩ cho biết họ đã phải đầu tư công sức, chất xám như thế nào để có được tác phẩm điện ảnh gửi tới công chúng. Ngô Thanh Vân hé lộ, để thực hiện phim Trạng Tý, cô đã phải tốn 43 tỷ đồng, trong đó phải phục dựng một khu làng để tạo sự chân thực cho phim và đầu tư kỹ xảo tốn kém. Lý Nhã Kỳ đem siêu xe, du thuyền, biệt thự dát vàng vào phim Người thứ ba, đóng vai chính cùng tài tử Hàn Quốc Han Jae Suk. Lý Hải cho biết, phần 5 series phim Lật mặt phần lớn cảnh quay ở miền sông nước và quay dưới nước. Anh cho biết: “Một cảnh rượt đuổi đơn giản trong Lật mặt 5 có thể phải quay từ một tuần đến 10 ngày. Một cảnh sập nhà sàn lên phim mấy phút, nhưng phải quay 3 ngày vì phải căn mức nước phù hợp. Với Lật mặt 5, phải thuê từ 4-7 máy quay”.
Trấn Thành cũng cho biết, anh tốn 1 triệu USD để tạo nên sự chân thật cho phim Bố già. Anh và ê kíp phải dựng một khu xóm nghèo, bơm nước ngập đường cho những cảnh quay thành phố bị ngập khi mưa. Có những cảnh mở đầu được quay one shot (một cú máy) chỉ trong vòng 2 phút nhưng chi phí hơn 1 tỷ đồng.
Mai Thu Huyền tiết lộ, bối cảnh phim Kiều được quay ở Cao Bằng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Phú Thọ và TP.HCM. Với cảnh quay lầu xanh, ê kíp phải đến Huế tìm hàng nghìn mét lụa, đóng thuyền lớn ở Hà Nội rồi chuyển vào Đại Nội ở Huế. Toàn bộ phục trang phải mới hoàn toàn để tạo hình cho các nhân vật.
Đừng vội khi chưa đủ kinh nghiệm
Khi ra rạp, không phải bộ phim nào cũng mang lại thành công cho nghệ sĩ. Không hiếm nghệ sĩ khi làm nhà sản xuất đã phải ôm “trái đắng”. Phim Vợ ơi, em ở đâu của Thủy Tiên bị chê có kịch bản đơn giản, diễn viên chính chỉ làm nền cho diễn viên phụ. Phim Lạc giới của Mai Thu Huyền khai thác đề tài lưỡng tính nhưng khá nhạt nhòa, làm chưa tới. Phim Giấc mơ Mỹ kịch bản khá nhiều “sạn”, phần thoại của các bác sĩ dài dòng, triết lý không phù hợp với hoàn cảnh của nhân vật. Phim Kiều của Mai Thu Huyền bị chê cả nội dung lẫn diễn xuất, sau 18 ngày ra rạp, doanh thu chỉ 2,7 tỷ đồng, khiến bộ phim phải chuyển sang phát online.
Phim Người thứ ba của Lý Nhã Kỳ kịch bản bị nghi vay mượn từ nội dung tiểu thuyết Ngày mai (Demain) của Guillaume Musso, cộng với diễn xuất chưa tốt của dàn diễn viên, chỉ thu về được 1 tỷ đồng sau 10 ngày ra rạp.
Chỉ số ít nghệ sĩ “thắng lớn” khi sản xuất phim, như Ngô Thanh Vân với Ngày nảy ngày nay doanh thu 40 tỷ đồng, Tấm Cám - Chuyện chưa kể doanh thu 70 tỷ đồng, loạt phim Lật mặt của Lý Hải tổng doanh thu hơn 500 tỷ đồng, phim Bố già của Trấn Thành doanh thu 400 tỷ đồng tại Việt Nam, 1 triệu USD tại thị trường Mỹ.
Nói về lý do phim Bố già “thắng lớn”, các nhà phê bình phim nhận định, bên cạnh sự chỉn chu trong từng phân cảnh, lời thoại đúng chất đời thường, diễn xuất đồng đều của các diễn viên, điều quan trọng nhất là bộ phim đã chạm đến cảm xúc của người xem. Bố già mang đến câu chuyện có bối cảnh thân thuộc với lối kể tự nhiên, gần gũi. Kịch bản phim hướng tới cuộc sống người lao động ở TP.HCM, nơi một xóm nghèo chưa mưa đã ngập, dễ tạo được sự đồng cảm với khán giả, khiến nhiều người xem thấy được hình ảnh mình, gia đình mình qua các nhân vật.
Series phim Lật mặt của Lý Hải đạt doanh thu cao dù trải qua 5 phần từ năm 2015 đến nay bởi sự “đổi món” liên tục cho người hâm mộ. Mỗi phần phim, Lý Hải “chơi” với một thể loại, một dàn diễn viên, một câu chuyện mới mẻ nhưng cái tên Lật mặt luôn được anh lưu giữ như một thương hiệu, không thể thay thế. Các phần phim tiếp theo của thương hiệu Lật mặt có những “cú xoay chuyển” hấp dẫn, khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng lẫn thích thú.
Chia sẻ về việc các nghệ sĩ sản xuất phim, đạo diễn Luk Vân cho rằng không phải ai có kinh nghiệm diễn xuất, hiểu biết về phim ảnh là có thể thành công khi làm phim. Một số diễn viên, đạo diễn có sẵn kinh nghiệm, hiểu biết về điện ảnh nhưng vẫn không muốn vội vã trở thành nhà sản xuất.
Diễn viên Minh Luân cho biết: “Để trở thành nhà sản xuất phim cần phải học hỏi nhiều. Đó là chặng đường dài, không thể nóng vội khi chưa đủ kinh nghiệm”.