Ngành xuất bản Đông Nam Á đối mặt nhiều thách thức

HT| 18/12/2021 04:06

Bên cạnh tác động của đại dịch, ngành xuất bản ở các quốc gia Đông Nam Á đang gặp nhiều thách thức trong vấn đề bản quyền và chuyển đổi số.

Ngành xuất bản Đông Nam Á đối mặt nhiều thách thức

Hội Xuất bản Việt Nam đã đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của Hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) nhiệm kỳ 2022-2023. Trong khoảng thời gian này, ngành xuất bản đối mặt nhiều thách thức khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, những vấn đề bản quyền, sự sáng tạo và chuyển đổi số trong xuất bản cũng còn không ít vướng mắc.

Bà Trasvin Jittidecharak - Cố vấn danh dự của Hội Xuất bản Đông Nam Á, Tổng thư ký ABPA (nhiệm kỳ 2020-2021) đã chia sẻ về những thách thức của ngành xuất bản ASEAN hiện tại. 

Theo bà Trasvin Jittidecharak, ngành xuất bản đóng vai trò quan trọng trong giáo dục và tạo tiền đề cho công nghiệp sáng tạo, nhưng nhiều nơi chưa thật sự lưu tâm vấn đề này. Hầu hết nhà xuất bản cũng như lực lượng lao động trong chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á gần như có rất ít sự hứng thú để tiếp cận và xem xuất bản là tương lai để phát triển mạnh mẽ. Vấn đề nằm ở chỗ ngành xuất bản, lực lượng lao động trong ngành cần được nhìn nhận đúng mức.

Có nhiều vấn đề Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á phải giải quyết cùng nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là câu chuyện bản quyền. Phải cập nhật luật bản quyền và thực thi luật này sao cho chính xác, đảm bảo quyền lợi của tác giả, nhà xuất bản lẫn đơn vị phát hành.

Trước hết, báo cáo vi phạm và ngăn chặn vi phạm bản quyền mất quá nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục giấy tờ. Đây không khác một gánh nặng cho các nhà xuất bản và chủ sở hữu bản quyền. Làm thế nào nền kinh tế sáng tạo có thể phát triển nếu không được bảo vệ bản quyền? 

Mặt khác, vào thời điểm dịch bệnh, các nhà xuất bản trong khu vực phải đối mặt chi phí ngày càng tăng cả về nguyên liệu lẫn hậu cần. Thế nên, việc chuyển đổi số trong ngành xuất bản cần được đẩy mạnh. Nhưng vấn đề này không phải không có khó khăn.

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng sách in tốt nhất cho sự phát triển của trẻ mầm non và tiểu học. Đối với học sinh ở cấp lớn hơn, tín hiệu Internet cũng phần nào ảnh hưởng các em. Bên cạnh đó, "dán" mắt vào màn hình quá lâu cũng có rất nhiều mặt trái, ảnh hưởng sức khỏe. Lợi ích của việc đọc sách in sẽ tốt hơn về lâu dài.

Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nhân khẩu và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việc xuất bản phát triển phù hợp tốc độ tăng trưởng mạnh đòi hỏi đội ngũ lao động có kỹ năng và kiến ​​thức sâu rộng để đảm trách được công việc.

Luật bản quyền tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia thành viên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á nói chung vẫn cần phải hoàn thiện. Cần sớm có cơ chế để bảo vệ các đơn vị xuất bản và chủ sở hữu bản quyền, như vậy mới phù hợp làn sóng phát triển kinh tế dựa trên năng lực sáng tạo.

Cuối cùng, việc tạo môi trường đủ rộng lớn để khuyến khích các nhà cung cấp nội dung từ nhà văn, họa sĩ minh họa cho đến các nhà xuất bản, đơn vị phát hành thể hiện một cách sáng tạo và tự do.

(Theo Zingnews.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành xuất bản Đông Nam Á đối mặt nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO