Ngành ngân hàng: Cho vay chuyển sang hướng bán lẻ

LÊ PHAN| 16/03/2017 08:37

Nhiều ngân hàng có dư nợ cho vay dài hạn tăng cao hơn ngắn hạn và trung hạn. Đây là diễn biến đáng chú ý trong hoạt động tín dụng năm 2016 của ngành ngân hàng.

Ngành ngân hàng: Cho vay chuyển sang hướng bán lẻ

Đến nay, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính năm 2016. Điều đáng lưu ý là có sự tăng trưởng cách biệt ở các kỳ hạn vay cũng như ở phân khúc khách hàng, và những diễn biến này phản ánh thực tế xu hướng cạnh tranh. 

Đọc E-paper

Trong số 10 ngân hàng lớn đã công bố báo cáo tài chính, có đến 7/10 ngân hàng có dư nợ cho vay dài hạn tăng cao hơn ngắn hạn và trung hạn. Đây là diễn biến đáng chú ý trong hoạt động tín dụng năm 2016 của ngành ngân hàng.

Cơ cấu nợ tăng mạnh ở dài hạn

Cụ thể trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, dư nợ dài hạn của BIDV cuối năm 2016 tăng 61.300 tỷ so với năm 2015, chiếm 54% tổng mức tăng dư nợ, Vietcombank dư nợ dài hạn tăng 33.706 tỷ đồng, cao hơn mức tăng 29.173 tỷ dư nợ ngắn hạn và 9.614 tỷ dư nợ trung hạn, Vietinbank có dư nợ dài hạn tăng 37.337 tỷ đồng, cao hơn mức tăng 12.797 tỷ đồng dư nợ trung hạn nhưng thấp hơn mức tăng 72.815 dư nợ ngắn hạn.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), VPBank dẫn đầu danh sách với mức tăng dư nợ dài hạn lên đến 21.424 tỷ đồng, trong khi dư nợ ngắn hạn tăng 745 tỷ đồng và dư nợ trung hạn giảm 6.197 tỷ đồng. ACB cũng tăng thêm dư nợ dài hạn 15.669 tỷ đồng, cao hơn mức tăng dư nợ 12.390 tỷ đồng ngắn hạn và mức giảm 145 tỷ đồng trung hạn.

Diễn biến tương tự cũng diễn ra ở Sacombank khi dư nợ dài hạn tăng 14.761 tỷ đồng, ngắn hạn tăng 9.758 tỷ đồng và trung hạn giảm mạnh 12.015 tỷ đồng. Ở Ngân hàng Quân đội (MB), các con số tăng dư nợ dài hạn, trung hạn và ngắn hạn lần lượt là 13.742 tỷ đồng, 5.286 tỷ đồng và 9.545 tỷ đồng, trong khi tại VIB lần lượt là 5.833 tỷ đồng, 3.677 tỷ đồng và 2.892 tỷ đồng.

Riêng Eximbank và SHB chứng kiến mức tăng dư nợ dài hạn cao hơn trung hạn nhưng thấp hơn ngắn hạn. Cụ thể dư nợ dài hạn ở Eximbank tăng 640 tỷ, cao hơn mức giảm 905 tỷ trung hạn nhưng thấp hơn mức tăng 2.396 tỷ ngắn hạn. Tại SHB, dư nợ dài hạn tăng 8.632 tỷ, chiếm 34% tổng mức tăng dư nợ, cũng cao hơn mức tăng 252 tỷ trung hạn nhưng thấp hơn mức tăng dư nợ ngắn hạn 16.494 tỷ đồng.

>>Top 10 thương hiệu ngân hàng trị giá 171 tỷ USD

Về cơ bản, dư nợ dài hạn tăng mạnh có thể đến từ nhiều lý do, như các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, cho vay đầu tư dự án. Việc cơ cấu lại nợ cho khách hàng với kỳ hạn dài hơn cũng làm tăng dư nợ dài hạn.

Cần lưu ý là trong tháng 8/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn số 6395/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát rủi ro trong việc cấp tín dụng đối với các công trình BOT, BT giao thông, khi nhận thấy mất cân đối kỳ hạn ở một số ngân hàng tăng lên do lĩnh vực này không những ngốn nhiều vốn mà còn phải cho vay với kỳ hạn dài.

Một thống kê trước đó cho thấy có 19 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ với BOT và BT. Tiếp đó trong tháng 10/2016, NHNN cũng đã phát đi thông điệp cảnh báo tình hình cho vay các dự án bất động sản qua công văn số 7586/NHNN-TD.

Trong khi dư nợ dài hạn làm tăng rủi ro cho các NH thì việc đẩy mạnh cho vay KHCN lại là cơ sở để NH có cơ hội bán chéo thêm các sản phẩm khác như huy động vốn, dịch vụ thanh toán tự động, chuyển tiền, phát hành thẻ nhằm tăng nguồn thu ngoài lãi, do đó ngân hàng nào cũng ưa thích.

Rõ ràng trong năm 2016, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay các công trình BOT, BT giao thông và bất động sản với kỳ hạn dài khiến dư nợ dài hạn tăng mạnh, dẫn đến NHNN phải cảnh báo khi nguồn vốn huy động vẫn chủ yếu là ở kỳ hạn ngắn. Trong năm 2016 cũng chứng kiến hàng loạt ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng (khách hàng cá nhân) dẫn đến dư nợ dài hạn tăng mạnh.

Đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân

Năm 2016, hàng loạt ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh mảng bán lẻ, bao gồm cả những ngân hàng có thế mạnh và truyền thông về bán buôn như MB và SHB... Cụ thể như tại Vietcombank, dư nợ khách hàng cá nhân tăng 37.986 tỷ đồng, tương đương 48,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng dư nợ khách hàng doanh nghiêp là 19.976 tỷ đồng, tương đương 9,7%.

Hay tại MBBi, dư nợ khách hàng cá nhân tăng 13.774 tỷ đồng, tương đương 44%, trong khi dư nợ khách hàng doanh nghiệp dù tăng 14.632 tỷ đồng nhưng chỉ tương đương 17,1%. Tỷ trọng dư nợ khách hàng cá nhân tại Vietcombank đã tăng từ 20% lên 25% trong khi tại MB cũng tăng từ 27% lên 31%. Đối với Vietinbank, dư nợ bán lẻ cũng tăng đến 35% so với năm 2015 cao hơn mức tăng 18% của tổng dư nợ tín dụng và cũng chiếm tỷ trọng đến 27% tổng dư nợ.

Với những ngân hàn có thế mạnh và chiến lược tập trung vào cho vay tiêu dùng như VPBank cũng chứng kiến dư nợ cho vay cá nhân tăng mạnh, 15.841 tỷ đồng, tăng 37,7%, ngược lại dư nợ khách hàng doanh nghiệp giảm 567 tỷ đồng. Vì vậy, không khó hiểu khi thấy dư nợ ngắn hạn của VPBank chỉ tăng khiêm tốn trong khi dư nợ trung hạn giảm mạnh như đã nói ở trên.

>>Vay tiêu dùng và rào cản tín dụng đen

Ở SHB và VIB, mặc dù dư nợ cá nhân về số tuyệt đối thấp hơn dư nợ các tổ chức kinh tế, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng ở khách hàng cá nhân vẫn cao hơn, cụ thể tại SHB lần lượt là 25,5% so với 18,5% và tại VIB là 26,5% so với 25,5%. Với tốc độ tăng trưởng cao hơn thì tỷ trọng dư nợ khách hàng cá nhân tại các ngân hàng hầu hết đều tăng so với năm 2015.

Việc cho vay dài hạn ở phân khúc khách hàng cá nhân sẽ giúp các ngân hàng có được biên độ lãi suất cao hơn, nhất là ở mảng cho vay tiêu dùng. Rủi ro tín dụng cũng sẽ được phân tán thay vì tập trung cho vay ở các khách hàng doanh nghiệp lớn. Trong khi dư nợ dài hạn làm tăng rủi ro cho các ngân hàng thì việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân lại là cơ sở để ngân hàng có cơ hội bán chéo thêm các sản phẩm khác như huy động vốn, dịch vụ thanh toán tự động, chuyển tiền, phát hành thẻ nhằm tăng nguồn thu ngoài lãi, do đó ngân hàng nào cũng ưa thích.

Với tiềm năng dân số trẻ và thu nhập đầu người ngày càng cải thiện, cơ cấu tầng lớp trung lưu tăng lên thì việc hướng đến các sản phẩm dịch vụ bán lẻ trở thành cuộc đua quyết liệt trong thời gian gần đây, trong đó những ngân hàng có truyền thống bán buôn cũng đã chuyển định hướng sang mảng bán lẻ và cạnh tranh gay gắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành ngân hàng: Cho vay chuyển sang hướng bán lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO