Ngành hàng không thế giới nỗ lực kéo khách

TĂNG KHÁNH| 16/03/2017 09:06

Các hãng hàng không đang đua nhau nâng cấp hạng ghế ngồi cùng những dịch vụ xa hoa nhất nhằm chiều lòng khách hàng. Đó là những nỗ lực nhằm chống lại tương lai ảm đạm của ngành hàng không thế giới.

Ngành hàng không thế giới nỗ lực kéo khách

Các hãng hàng không đang đua nhau nâng cấp hạng ghế ngồi cùng những dịch vụ xa hoa nhất nhằm chiều lòng những thượng khách của bầu trời. Đó là những nỗ lực nhằm chống lại tương lai ảm đạm của ngành hàng không thế giới.

Đọc E-paper

Trong hạng thương gia những năm 1970, hành khách được phục vụ những món ăn đắt tiền nhất thế giới như tôm hùm, cá hồi phi lê, thịt cừu, trứng cá muối; uống rượu và vui đùa tại quầy bar ngay cả khi máy bay rung lắc. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng dầu lửa Trung Đông những năm 1973-1975 khiến giá dầu tăng cao đột biến, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chứng khoán London bốc hơi 73%, Mỹ mất 97 tỷ USD trong một tháng rưỡi, GDP giảm 3,2%, tỷ lệ thất nghiệp chạm mức 9%.

Toàn cầu sau đó rơi vào suy thoái và lạm phát, đồng thời cũng khép lại thời kỳ xa hoa nhất của những chuyến bay.

Tái hiện thời hoàng kim

Nhiều thập kỷ sau, ông chủ Virgin Atlantic Airways - tỷ phú Richard Branson đã đưa quầy bar quay trở lại hạng Upper Class. Thời điểm đó, chỉ một vài hãng hàng không như Qatar Airways, Korean Air Lines và Etihad Airways PJSC đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, đến nay các hãng máy bay không ngừng cải tiến, nâng cao dịch vụ, và đưa những thiết bị hiện đại nhất, cung cấp những đặc quyền lớn nhất quay trở lại khoang thương gia.

Mới đây nhất, trên chiếc siêu máy bay A380 của hãng Emirates, một quán bar trên không "On-board Lounge" được thiết lập với một quầy bar trung tâm, hai chiếc bàn đặt cạnh cửa sổ cùng với dãy ghế đặt đối diện. Dưới mỗi chiếc ghế, dây an toàn được đặt sẵn để thượng khách vẫn có thể tiếp tục ở lại quán bar khi máy bay đi vào vùng nhiễu động.

Ngoài 8 chỗ ngồi, quán bar của Emirates, còn cung cấp 18 vị trí đứng, và những chiếc bàn hình móng ngựa để khách có thể tựa vào nhấm nháp ly cocktail được pha chế bởi bartender chuyên nghiệp thoải mái hơn. Căn phòng đặc biệt này có màn cách âm để không ảnh hưởng đến khoang hạng nhất ngay cạnh đó.

Trong khi đó, Gulf Air có đội ngũ 100 đầu bếp chuyên nghiệp cung cấp những thực đơn sơn hào hải vị, Qatar Airways mời hai đầu bếp Nobu Matsuhisa và Vineet Bhatia - những người được gắn sao vàng Michelin được ví như "Oscar của ngành đầu bếp" để phục vụ cho khách hàng thương gia, China Airlines có đầu bếp Albert Tse và Singapore Airlines có hẳn một nhóm đầu bếp sao vàng.

Hãng Scandinavian Airlines phục vụ chăn, gối và đệm của thương hiệu nổi tiếng Thụy Điển Hstens trên các chặng bay quốc tế. Thậm chí, hành khách hạng Residence của hãng Etihad còn có phòng ngủ, phòng khách và phòng tắm riêng biệt, trang bị ti vi 32inch, quản gia và đầu bếp riêng. Etihad và Emirates còn cung cấp phòng tắm có vòi hoa sen lớn, và mỗi hành khách có 5 phút sử dụng nước nóng.

Chiếc siêu máy bay A380 với những trang bị sang trọng bậc nhất của Emirates lần đầu "trình làng" tại Hội chợ du lịch ITB Berlin, sẽ được đưa vào sử dụng vào tháng 7 năm nay, và thêm 6 chiếc nữa đi vào hoạt động cho đến cuối năm. Ít nhất 50 chiếc máy bay mới của Emirates đã nằm trong kế hoạch có những trang bị tương tự.

Zoe Ferguson - một nhân viên hãng Emirates - nói rằng các hành khách có thể chủ động kiểm soát lượng bia rượu mà họ dùng trên máy bay, tuy nhiên, phi hành đoàn sẽ rất cảnh giác để đảm bảo an toàn cho chuyến bay.

>>Sibongile Sambo - Người phụ nữ làm thay đổi ngành hàng không châu Phi

Sự xa hoa đã trở lại trên những khoang máy bay mà theo Tim Clark - Chủ tịch Emirates, hãng hàng không đường dài lớn nhất thế giới là "lấy cảm hứng từ những chiếc du thuyền cá nhân" nhằm mang lại sự thuận tiện nhất cho hành khách, tạo cơ hội để họ bàn bạc, làm ăn, kết nối ngay trên bầu trời.

Dù vậy, việc những thứ xa xỉ được mang lên phục vụ trên những khoang thượng hạng của những chiếc máy bay không chỉ phản ánh sự giàu có, dư thừa của cải, mà đó còn là những nỗ lực của ngành công nghiệp này nhằm thúc đẩy doanh thu sau khi trải qua một thời kỳ dài chậm tăng trưởng cùng với những dự báo không mấy sáng sủa trong tương lai.

Ngành hàng không "bất định"

Giá dầu tăng và tình trạng dư thừa máy bay sẽ là hai đòn hiểm khiến ngành hàng không toàn cầu chao đảo trong những năm tiếp theo. Theo Trung tâm Nghiên cứu hàng không châu Á (CAPA), năm 2016, lợi nhuận ngành hàng không thế giới đạt 8,3% và dù không phải là con số mơ ước, vẫn được cho là đỉnh của chu kỳ tốt nhất lịch sử 100 năm hàng không thế giới. Điều đó cũng có nghĩa tỷ suất lợi nhuận ngành giảm dần trong năm 2017 (7,4%) và 2018 (6,6%).

Cũng theo trung tâm này, sự "bất định" là kẻ thù của ngành, và đó là hệ quả của tình trạng tăng trưởng kinh tế kém, kinh doanh khó khăn, giảm chi tiêu cá nhân. Tệ hơn, kinh tế toàn cầu trong năm 2017 vẫn được dự đoán là đầy bất ổn, từ ảnh hưởng của Brexit đến những chính sách khó đoán định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Giá dầu năm 2016 ở mức 43,6 USD/thùng, giảm 8,7 USD/thùng so với năm trước là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp ngành hành không thu được lợi nhuận cao.

Trong năm 2017, giá dầu sẽ tăng cao trở lại, khoảng 43,8 USD/thùng và đến 2018, giá dầu có thể tăng lên 59,8 USD/thùng, phá vỡ hoàn toàn lợi thế về chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không.

Trong khi sắp vuột mất lợi thế duy nhất đó, tương lai ngành hàng không phải đối mặt với hậu quả của việc dư thừa máy bay và sự ra đời ồ ạt của hàng không giá rẻ.

Trong năm qua, châu Á là thị trường hàng không có mức tăng trưởng cao nhất, song lợi nhuận lại ở mức thấp nhất. Bởi giá vé thấp khiến số lượng hành khách tăng trưởng mạnh. Với tỷ lệ khai thác trên 80%, các hãng không thể kích cầu thêm nữa. Một khi khoang thường tăng thêm ghế, giá vé ngày càng rẻ, mức tăng trưởng doanh thu sẽ càng chậm lại, Business Insider bình luận.

Để chống lại sự trượt giá đó, các hãng hàng không lao vào cuộc đua nâng cấp cabin, đầu tư vào dịch vụ. Tại ITB Berlin, Qatar Airways công bố QSuite Business Class. Akbar Al Baker - CEO tập đoàn cho biết: "Chúng tôi giới thiệu tương lai của ngành du lịch cao cấp với QSuite Business Class. Thiết kế độc đáo và được cấp bằng sáng chế của chúng tôi thách thức các chuẩn mực của ngành, bằng cách cung cấp cho hành khách sự riêng tư, nhiều lựa chọn hơn và cá nhân hóa hơn".

Bên cạnh việc tăng cường các dịch vụ cao cấp, hàng không thế giới cũng sẽ cho "nữ hoàng bầu trời" Boeing 747 được "về hưu"ngay trong năm 2017, sớm hơn dự kiến, nhằm giảm gánh nặng chi phí cho mẫu tàu bay cũ kỹ này.

>>Bữa ăn miễn phí trên máy bay: Có thật miễn phí?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành hàng không thế giới nỗ lực kéo khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO