Ngành gỗ xuất khẩu chủ lực cho nông nghiệp và phát triển nông thôn

Ý Nhi| 29/11/2019 04:57

Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD; từng bước tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngành gỗ xuất khẩu chủ lực cho nông nghiệp và phát triển nông thôn

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam, ông Cao Chí Công - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngành chế biến lâm sản đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, và là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT). Với kim ngạch xuất khẩu cao, ngành chế biến gỗ và lâm sản là một trong rất ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam. 

trien-lam-viff-1-9459-1574925363.jpg

Cắt băng khai mạc triển lãm

Hiện nay, sản phẩm gỗ của Việt Nam đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt ở thị trường 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 4.700 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ, chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu và còn nhiều dư địa để phát triển. Nhiều doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ mới, nên bước đầu đã phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ.

Triển lãm VIFF 2019 diễn ra từ ngày 27-30/11/2019 với quy mô 9.000m2, 500 gian hàng trưng bày các sản phẩm đa dạng, phong phú như nội thất phòng ngủ, phòng ăn, kệ bếp, ván sàn, sofa, bàn ghế văn phòng, bàn ghế ngoài trời... Trong đó, có 180 gian hàng quốc tế, nhiều loại sản phẩm nội, ngoại thất, nguyên liệu và máy móc ngành gỗ được trưng bày của các doanh nghiệp lớn đến từ Đài Loan, Nhật Bản,  Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan: Shingmark wooden, Changfong, KingJade, Kaiser... Một số tổ chức quốc tế lớn như Hiệp hội Chế biến gỗ Quảng Đông - Trung Quốc, Shunde - Trung Quốc, Hiệp hội Chế biến gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC)...

Trong khuôn khổ triển lãm còn có các hội nghị, hội thảo chuyên ngành như: hội nghị “Xúc tiến đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam”, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và giao lưu, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp đến từ EU; hội thảo “Chứng nhận PEFC/VFCS: Nhu cầu, nguồn cung và lợi ích” với các nội dung: Nghiên cứu điển hình về việc sử dụng chứng nhận PEFC đáp ứng nhu cầu thị trường. Tọa đàm: Các vấn đề liên quan tới lợi ích, nhu cầu và nguồn cung của gỗ có chứng nhận PEFC trên toàn cầu. Giải pháp cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm nguồn gỗ có chứng nhận PEFC. Sự phát triển của hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam. Tiềm năng về gỗ trong nước có chứng chỉ VFCS/PEFC. Và hội thảo của Ban Công nghệ  BIFA với tiêu đề: “Chuẩn bị vận hành hiệu quả nhà máy từ Thiết kế - Xây dựng - Lựa chọn thiết bị - Ứng dụng CNTT”.

Việt Nam cũng đã phê chuẩn và đang triển khai lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương CPTPP và Việt Nam - EU (EVFTA) giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Thêm vào đó, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) đã được ký kết với các quốc gia tạo thuận lợi cho Việt Nam do lợi thế cắt giảm thuế quan, cam kết giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan; đây đều là những cơ hội rất tốt để các doanh  nghiệp gỗ Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Giá trị xuất khẩu lâm sản 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7,93 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó sản phẩm gỗ các loại đạt 5,32 tỷ USD; gỗ nguyên liệu đạt 2,10 tỷ USD; lâm sản ngoài gỗ: 417,2 triệu USD. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản có mức tăng trưởng ổn định từ 17-19% qua các tháng. Trong đó, gỗ tăng 10,6% và sản phẩm gỗ tăng 19,5% so với cùng kỳ do các đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản và EU tăng cao và ổn định; một số mặt hàng có giá bán xuất khẩu cao hơn như dăm gỗ đạt trung bình 137 USD/tấn, tăng hơn khoảng 10 USD/tấn so với năm 2018 đã đưa giá trị xuất khẩu dăm gỗ tăng hơn 26,2% so với cùng kỳ 2018.

Trong thời gian qua, Việt Nam gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD vào năm 2005 và đạt trên 9,38 tỷ USD năm 2018, dự kiến năm 2019 đạt khoảng 11 tỷ USD, hoàn thành chỉ tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019. Đóng góp vào kết quả và sự thành công trên có sự tham gia đầu tư, hợp tác từ nước ngoài đối với ngành công nghiệp chế biến gỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành gỗ xuất khẩu chủ lực cho nông nghiệp và phát triển nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO