Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM: Cần tạo hệ sinh thái cho ngân hàng số, Fintech phát triển

HT| 26/02/2022 06:00

Để hình thành trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM cần có lộ trình quản trị rủi ro và tự do hóa tài chính; tập trung vào ba trụ cột chính là tài chính; hệ thống ngân hàng số, Fintech; giao dịch phái sinh và hàng hóa.

Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM: Cần tạo hệ sinh thái cho ngân hàng số, Fintech phát triển

Ngày 25/2/2022, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo "Đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế" nhằm lấy ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp để sớm hoàn thiện đề án trước khi chính thức trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện. Tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, trên cơ sở đề nghị của UBND TP.HCM và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho UBND TP.HCM nghiên cứu, lập đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM.

Điều này không chỉ thể hiện khát vọng của thành phố mà còn thể hiện ý chí quyết tâm của Trung ương nhằm nỗ lực hiện thực hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với nhiệm vụ "thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế" là một trong các chiến lược được đặt ra của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 10 năm tới (2021-2030), góp phần quan trọng trong việc tạo cơ chế bứt phá để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao và xa hơn là mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Phó chủ tịch Phan Thị Thắng cho rằng, để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành trung tâm tài chính quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho thành phố, vì để hình thành và vận hành hiệu quả các trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế cần rất nhiều nỗ lực thực hiện, bao gồm định hướng mô hình phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực, xác định các chính sách chiến lược mang tính đột phá để có thể cạnh tranh, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn tài chính lớn đầu tư vào trung tâm tài chính Việt Nam.

Với định hướng phát triển TP.HCM là trung tâm tài chính khu vực, đề án đặt mục tiêu TP.HCM xếp hạng top 50 trung tâm hành chính quốc tế vào năm 2030. Để cụ thể hóa mục tiêu trên, 4 chương trình hành động được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) đề xuất triển khai từ nay tới năm 2025 gồm: phát triển Fintech, ngân hàng số và thị trường giao dịch  tài chính số; thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực cho trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM; phát triển khu tài chính - thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường hàng hóa tại trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các trung tâm tài chính quốc tế luôn có sự xuất hiện của các tập đoàn tài chính hoạt động đa ngành, đây là điều mà TP.HCM đang thiếu. Để hình thành trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM cần có lộ trình quản trị rủi ro và tự do hóa tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM: Cần tạo hệ sinh thái cho ngân hàng số, Fintech phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO