Tác động gì từ xu hướng lãi suất giảm?

Anh Khoa| 27/03/2023 07:00

Sau giai đoạn tăng nhanh, lãi suất ngân hàng đã giảm từ đầu tháng 3 đến nay. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm lãi suất điều hành càng hỗ trợ và củng cố xu hướng lãi suất đi xuống.

Nhà điều hành "ra tay"

Ngày 15/3/2023, NHNN chính thức giảm lãi suất điều hành, gồm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế, giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với nhu cầu nguồn vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm. 

Xu hướng tăng lãi suất đã bị cắt đứt

Xu hướng tăng lãi suất đã bị cắt đứt

Chủ trương ấy của NHNN diễn ra chỉ cách một tuần sau đợt giảm lãi suất huy động đồng loạt của nhiều ngân hàng, cho thấy áp lực lên lãi suất đang dần được gỡ bỏ, ở cả phía thị trường lẫn từ góc độ của cơ quan quản lý. Đáng chú ý là quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN, dù riêng trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn được giữ nguyên ở mức 6%, nhưng cũng mở đường cho một đợt giảm lãi suất tiền gửi thứ hai ngay sau đó tại hàng loạt nhà băng, với mức giảm còn lớn hơn đợt một.

Lãi suất chính sách đi xuống cũng góp phần kéo lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu ngay sau đó, với lãi suất qua đêm lần lượt về dưới mốc 6% rồi 5%, hiện chỉ còn quanh vùng 3%. Ngoài tác động từ chính sách, trong tuần có quyết định giảm lãi suất điều hành, NHNN đã bơm ròng gần 52.500 tỷ đồng, góp phần giúp thanh khoản hệ thống thêm dồi dào và kéo lãi suất đi xuống.

Link bài viết

Đáng chú ý là lãi suất cho vay đã bắt đầu giảm, dù tốc độ vẫn còn khá khiêm tốn so với lãi suất tiền gửi từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, tín hiệu này là khá tích cực, đưa đến kỳ vọng xu hướng lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới, khi mà chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng đi xuống rõ rệt so với giai đoạn trước.

Hiện có không ít ngân hàng bắt đầu rà soát, chuẩn bị điều chỉnh khung lãi suất cho vay theo hướng cạnh tranh hơn, nhằm kích thích nhu cầu vay vốn từ khách hàng, nhất là khi hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay đã được phân bổ xuống nhiều nhà băng. Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 2 chỉ đạt 0,77% và cập nhật đến ngày 9/3/2023 cũng chỉ đạt 1,12%, trong khi tại thời điểm ngày 21/3 năm ngoái, con số này lên đến 4,03%.

Đánh giá về quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong tuần qua, giới phân tích tài chính cùng chung nhận định khi cho rằng đây là giải pháp tiếp theo từ phía NHNN (và Chính phủ) trong hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế.

Tác động tích cực

Rõ ràng với tăng trưởng tín dụng đang trì trệ như vậy, trong khi hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ngân hàng cần phải có động lực giảm lãi suất cho vay, nhất là khi thời gian qua lãi suất huy động đầu vào giảm đáng kể và gần đây hơn là lãi suất điều hành lẫn lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã giảm. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất cho vay cũng là mục tiêu của Chính phủ và NHNN trong năm nay.

Về tác động đối với nền kinh tế, đầu tiên với lãi suất tiền gửi đi xuống, đặc biệt là mức giảm đồng loạt và khá mạnh chỉ trong vòng nửa đầu tháng 3, có thể làm dịch chuyển dòng vốn dân cư trở lại. Theo đó, dòng tiền có thể không còn tìm thấy sự hấp dẫn ở kênh tiết kiệm ngân hàng, mà chấp nhận rủi ro hơn để quay lại tìm cơ hội ở những kênh đầu tư khác vốn đang bị định giá thấp như chứng khoán, hay trầm lắng như bất động sản, thậm chí là trái phiếu doanh nghiệp.

Xu hướng này nếu diễn ra có thể giúp các thị trường trên khởi sắc trở lại, cũng như giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận dòng vốn từ khu vực dân cư, như phát hành cổ phiếu để tăng vốn, trái phiếu để bổ sung vốn kinh doanh, tăng khả năng tiêu thụ bất động sản.

Trong khi đó, lãi suất vay vốn ngân hàng nếu đi xuống cũng có thể giúp doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy vốn vay lớn, giảm bớt áp lực chi phí tài chính đã tăng quá nhanh trong những tháng gần đây. Lãi suất thấp hơn cũng có thể kích thích tiêu dùng tăng nhanh hơn, thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Môi trường lãi suất cao cũng có thể mang đến rủi ro nợ xấu tại các ngân hàng tăng trở lại. Vì khi lãi suất tăng quá nhanh và duy trì ở mức cao, khách hàng sẽ không thể chịu đựng được áp lực chi phí tài chính tăng vọt và kéo dài, cộng thêm sức cầu trong nền kinh tế suy yếu, dẫn đến nguy cơ phá sản và mất khả năng thanh toán nợ vay.

Với lượng tài sản thế chấp tại các ngân hàng hiện nay chủ yếu là bất động sản, việc thị trường bất động sản đóng băng có thể ảnh hưởng đến định giá các tài sản đảm bảo này, từ đó kéo theo rủi ro nợ xấu của các ngân hàng và áp lực trích lập dự phòng. Vì vậy, lãi suất giảm không chỉ giúp thị trường bất động sản nói chung, doanh nghiệp vay vốn nói riêng mà còn giúp hoạt động của nhà băng tránh được những hệ quả tiêu cực.

Nhìn vào sự sụp đổ của một số ngân hàng tại Mỹ và châu Âu mới đây, đơn cử như trường hợp của Silicon Valley Bank, giới phân tích tài chính chỉ ra một trong những nguyên nhân chính là do xu hướng tăng lãi suất quá nhanh và quá mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong hơn một năm qua, khiến nhiều tài sản của ngân hàng này, phần lớn là trái phiếu, bị mất giá mạnh, phải chấp nhận bán thua lỗ và dẫn đến hệ quả như hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tác động gì từ xu hướng lãi suất giảm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO