Hướng tới luật hóa xử lý nợ xấu tín dụng

Lan Ngọc| 10/08/2022 01:39

Cần luật hóa xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để xử lý nợ xấu chuyên nghiệp, bài bản hơn, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho hoạt động tín dụng trong nền kinh tế.

Hướng tới luật hóa xử lý nợ xấu tín dụng

Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) sẽ hết hiệu lực thi hành ngày 15/8/2022. 

Nghị quyết 42 ra đời đã mở rộng quyền năng pháp lý lớn hơn so với các quy định hiện hành, đã góp phần quan trọng xử lý nợ xấu trong nền kinh tế của các tổ chức tín dụng, giúp cho hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, hiệu quả hơn. Kể từ ngày 15/8/2017 - 31/12/2021, toàn hệ thống tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu, bằng 47,9% tổng nợ xấu tại thời điểm Nghị quyết 42 ra đời và số nợ xấu phát sinh trong khi thực hiện Nghị quyết 42.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho biết, nợ xấu tín dụng lĩnh vực bất động sản trong các tổ chức tín dụng đã giảm mạnh từ khoảng 17% nợ xấu gộp trước đây, còn khoảng 6,3% vào cuối năm 2021; đặc biệt nợ xấu đổi bảng từ khoảng 27-34% thời điểm tháng 9/2017 đã giảm còn chỉ khoảng 1,5% vào cuối năm 2021. Nghị quyết 42 đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp liên quan đến nợ xấu, trong đó ý thức và trách nhiệm trả nợ của người đi vay cũng đã được nâng cao hơn; góp phần đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; giải tỏa một lượng vốn tồn đọng lớn trong nền kinh tế nếu không được xử lý sẽ khiến tốn kém nhiều chi phí vô hình trong công tác quản lý cũng như tìm cách xử lý.

Ông Đỗ Giang Nam - Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cho biết, từ năm 2017 đến nay, tổng cộng VAMC đã mua trên 116.000 nghìn tỷ đồng nợ xấu. VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý, kể cả sử dụng biện pháp mạnh như thu giữ tài sản; các đơn vị có triển vọng vượt qua khó khăn, phục hồi kinh doanh đã được miễn, giảm lãi, cơ cấu lại thời gian trả nợ. Tổng cộng số nợ xấu VAMC đã xử lý từ năm 2017 đến nay khoảng 270.000 tỷ đồng, trong đó thu hồi trực tiếp, bán nợ, bán tài sản đảm bảo là 125.200 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho doanh nghiệp là trên 4.031 tỷ đồng (tăng gấp 4,2 lần giai đoạn 2013-2016). 

Cũng theo ông Nam, quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cũng có nhiều vướng mắc, chẳng hạn liên quan đến thuế chuyển nhượng tài sản đảm bảo khi xử lý nợ xấu, khi sang văn phòng đăng ký đất đai để cập nhật tên chủ đấu giá tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, văn phòng đăng ký đất đai yêu cầu VAMC thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, nhưng nếu xử lý tài sản đảm bảo đó mà số tiền thu hồi không đủ thực hiện nghĩa vụ trả nợ, VAMC không nộp thuế thì văn phòng đăng ký đất đai sẽ không cập nhật chủ sở hữu mới.

Hay khi xử lý tài sản đảm bảo là các dự án bất động sản dở dang, dù Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Nghị quyết 42 đều cho phép chuyển nhượng, nhưng khi xử lý nợ xấu hầu hết dự án dạng này đều chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường lại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể dự án bất động sản đang dở dang chuyển nhượng. Sau 5 năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, VAMC mới chỉ xử lý nợ xấu được 1 dự án bất động sản dở dang duy nhất tại TP.HCM, nhưng cũng phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới giải quyết xong các thủ tục liên quan.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian đầu thực hiện Nghị quyết 42, việc bàn giao, xử lý tài sản, thu giữ tài sản diễn ra rất thuận lợi, đến nửa thời gian Nghị quyết 42 có hiệu lực thì phát sinh nhiều tình huống vướng mắc, chẳng hạn phát sinh tình huống tài sản vướng thủ tục tranh tụng không thể xử lý hay thu giữ, bên sở hữu thậm chí còn tìm mọi cách không bàn giao tài sản cho tổ chức tín dụng...).

Theo chương trình kế hoạch xây dựng pháp luật của Quốc hội, đến năm 2023 Ngân hàng Nhà nước phải trình Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Xử lý nợ xấu để thảo luận, thông qua vào kỳ họp thứ X. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan cần khẩn trương nghiên cứu các quy định tại Nghị quyết số 42 để luật hóa, sớm ban hành Luật Xử lý nợ xấu, trên cơ sở đó xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới luật một cách đồng bộ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất giúp hình thành một môi trường kinh tế cho hoạt động tín dụng, xử lý nợ xấu một cách chuyên nghiệp, bài bản, hiệu quả hơn, qua đó nâng cao tính an toàn, lành mạnh trong hoạt động của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. 

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu, theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, có thể nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích cho khách hàng (bên vay) tự tổ chức thực hiện việc thanh lý nợ xấu với các tổ chức tín dụng, điều này sẽ góp phần giảm bớt các thủ tục, chi phí tổ chức thực hiện xử lý nợ xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hướng tới luật hóa xử lý nợ xấu tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO