Gia tăng cho vay lắp đặt hệ thống điện mặt trời

Lữ Ý Nhi| 11/08/2019 04:00

Huy động và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đang được Chính phủ khuyến khích. Một số ngân hàng nhanh chóng tung ra các gói tín dụng cho doanh nghiệp, cá nhân vay lắp đặt hệ thống điện mặt trời (ĐMT).

Gia tăng cho vay lắp đặt hệ thống điện mặt trời

Từ điện mặt trời áp mái...

Trong thời gian gần đây, nhiều hộ dân gia tăng lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà (hay còn gọi ĐMT áp mái) bởi tính hữu ích của nó. Việc sử dụng ĐMT áp mái không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm tiền điện về lâu dài mà còn gia tăng giá trị sử dụng bởi khách hàng có thể bán mức lượng điện dư cho đơn vị điện lực.

Triển khai gói vay tín chấp hỗ trợ đến 100% vốn để lắp đặt ĐMT áp mái cho khách hàng cá nhân, theo tính toán của Ngân hàng Bản Việt, số tiền hỗ trợ vốn đến 200 triệu đồng, khách hàng có thể trang bị trọn gói hệ thống gồm: tấm pin, công tơ hai chiều, trang bị phụ trợ và lắp đặt. Phương án trả lãi cũng nhẹ nhàng với lãi suất kỳ đầu ưu đãi giảm đến 1%/năm, thời hạn vay lên đến 5 năm.

Sacombank cũng triển khai gói vay cho khách hàng cá nhân có nhu cầu lắp đặt ĐMT áp mái với nhiều ưu đãi như hạn mức vay lên đến 100% nhu cầu vốn (tối đa 500 triệu đồng), lãi suất giảm 1% so với lãi suất hiện hành, không cần tài sản đảm bảo, thời gian vay đến 60 tháng...

HDBank tài trợ đến 70% vốn vay cho khách hàng lắp đặt ĐMT áp mái với thời hạn cho vay đến 5 năm. Tài sản đảm bảo để vay vốn chính là hệ thống ĐMT trên mái nhà, với mức tài trợ lên đến 10 tỷ đồng.

Là ngân hàng ngoài quốc doanh đầu tiên ký kết với Quỹ Hợp tác khí hậu Toàn cầu triển khai chương trình tín dụng xanh, Nam A Bank cũng đưa ra chính sách “Tín dụng xanh” với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm trong thời gian lên đến 24 tháng. Đây là mức lãi suất hấp dẫn hiện nay, được điều chỉnh ưu đãi linh hoạt theo từng thời kỳ.

Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng hợp tác với Công ty CP Đầu tư GIC triển khai cho khách hàng của HSBC tại TP.HCM và Đà Nẵng vay vốn để lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái.

Ngân hàng BIDV thì phối hợp với Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) hỗ trợ vay tối đa 75% tổng vốn đầu tư hệ thống ĐMT áp mái với thời hạn 12-36 tháng, lãi suất 10%/năm.

Đại diện Nam A Bank phân tích: “Ưu điểm của ĐMT áp mái là giảm mạnh tiêu thụ điện lưới, đạt hiệu quả cao về kinh tế, thi công nhanh, giảm ô nhiễm môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và mang lại hiệu quả kinh tế”.

...đến các dự án lớn

Không chỉ dành cho khách hàng cá nhân vay lắp đặt ĐMT áp mái, các ngân hàng còn tài trợ vay cho các dự án ĐMT quy mô lớn như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tài trợ bổ sung vốn lưu động với TTC Energy, đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời cho thuê.

Vietinbank cũng công bố tài trợ 1.000 tỷ đồng, tương đương 62,5% tổng vốn đầu tư cho dự án điện mặt trời TTC 01 tại Tây Ninh, khánh thành tháng 6/2019 vừa qua.

Agribank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng ký thỏa thuận đồng tài trợ vốn cho nhà máy ĐMT Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) với vốn đối ứng của chủ đầu tư chiếm 40%, vốn vay các ngân hàng chiếm 60%.

Ngân hàng vẫn thận trọng

Yên tâm cho vay các dự án ĐMT, song các ngân hàng vẫn tỏ ra cẩn trọng. Ông Lê Thành Trung - Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, khi cho vay, ngân hàng sẽ thẩm định theo quy trình rõ ràng và ưu tiên các dự án đấu nối vào lưới điện quốc gia. Đây là điều kiện tiên quyết cho đầu ra của dự án vì không đấu nối thì doanh nghiệp cũng đâu có đầu tư được dự án ĐMT.

Đại diện OCB cũng khẳng định: “Cơ sở để ngân hàng nghiên cứu, xem xét cấp tín dụng là các dự án phải có hồ sơ pháp lý tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”. Lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng này có thể tiếp cận vốn vay lên đến 70% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, tiêu chí ngân hàng đặt ra cho dự án không đơn giản: phải hoàn thành đúng tiến độ, hòa lưới điện quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gia tăng cho vay lắp đặt hệ thống điện mặt trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO