Đến lúc siết chặt các nền tảng cho vay ngang hàng

Gia Lê| 29/12/2020 04:22

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Dự thảo Báo cáo Đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế, đặc biệt nhấn mạnh về mô hình cho vay ngang hàng đang phát triển nóng, nhằm mục tiêu tiến tới việc xây dựng hành lang pháp lý phù hợp cho lĩnh vực này.

Sự hỗn loạn trong các nền tảng cho vay ngang hàng đã được phản ánh trong suốt thời gian qua, khi không ít ứng dụng mang tính lừa đảo và bẫy người vay với lãi suất cắt cổ. Đặc biệt, những nền tảng này thường được vận hành bởi người nước ngoài và hoạt động trên mạng xã hội.

Hiện các công ty hoạt động trong lĩnh này đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính... cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

bai-3-cho-vay-1-9881-1609212564.jpg

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, việc vay ngang hàng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2016, số lượng hiện nay vào khoảng 100 công ty (đã hoạt động và một số thử nghiệm). Một số công ty cho vay ngang hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia, mặc dù mới xuất hiện nhưng có sự tăng trưởng mạnh về số lượng, khách hàng.

Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép cho 39 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) và hầu hết trong số này cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán. Với dịch vụ cho vay ngang hàng, chỉ có một số ít nền tảng đáng tin cậy và có liên kết với các ngân hàng trong nước để giúp quản lý tài khoản của khách hàng. 

Với lãi suất tiền gửi liên tục đi xuống trong những năm qua và hiện ở mức thấp kỷ lục, nên không ít người đã tìm kiếm cơ hội ở những kênh đầu tư khác và kênh cho vay ngang hàng là một lựa chọn hấp dẫn khi có lãi suất khá cao. Hệ quả là ngày càng có nhiều người đã tham gia các website cung cấp dịch vụ này. 

Người đi vay cũng được tiếp cận những khoản vay nhỏ, được giải ngân nhanh chóng mà không phải thông qua thủ tục rườm rà và cũng không cần tài sản bảo đảm, với cách thức vay đơn giản bằng cách tải ứng dụng trên điện thoại, đặc biệt là với những đối tượng không đủ tiêu chuẩn để vay vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, hoạt động này ngày càng phát triển ngoài tầm kiểm soát và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh tranh tối tranh sáng và thiếu các quy định pháp lý rõ ràng như hiện nay. Thực tế không ít các sàn giao dịch hiện nay cung cấp những khoản vay có nguồn vốn tự có từ chính các đối tượng tạo ra ứng dụng này, với lãi suất cắt cổ như tín dụng đen và sử dụng những giải pháp đòi nợ chèn ép khách hàng, thậm chí khủng bố và đe dọa người vay và người thân có liên quan.

34554345-5839-1609212565.jpg

Bên cạnh đó, việc cho vay ngang hàng nếu không được quản lý, kiểm soát phù hợp có thể đưa đến những bất ổn trong nền kinh tế, khi dòng vốn từ thị trường tiền tệ chính thức chảy ồ ạt qua khu vực này và khi có dấu hiệu đổ vỡ thì sẽ lan sang các khu vực khác. Thực tế, không ít mô hình cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đã bị đổ vỡ hàng loạt, gây bất ổn và mất niềm tin của người dân, ảnh hưởng lên khu vực tài chính truyền thống.

Chính vì vậy, việc sớm có điều luật để quản lý mô hình này là cần thiết, cũng như có những giải pháp siết chặt hoạt động của các nền tảng để hạn chế rủi ro và ngăn chặn các trường hợp lừa đảo ngày càng phổ biến. Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã mạnh tay trấn áp các loại hình tín dụng đen, cho vay lãi suất cắt cổ, thì rõ ràng không thể để các nền tảng cho vay ngang hàng nằm ngoài vòng cương tỏa được.

Với chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 đã được thông qua, cùng với dịch vụ thanh toán di động (Mobile Money) sắp được triển khai, các nền tảng cho vay trực tuyến từ các tổ chức chính thức được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong những năm qua, ngày càng nhiều ngân hàng quan tâm đến cho vay bán lẻ và đáp ứng nhu cầu vốn của những đối tượng yếm thế, góp phần xóa sổ tín dụng đen theo định hướng của nhà điều hành.

Ngoài cho vay ngang hàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cảnh báo xu hướng các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đang đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình kinh tế chia sẻ của Việt Nam. Có trường hợp họ chấp nhận lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đến lúc siết chặt các nền tảng cho vay ngang hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO