Với 12 dự án đang xúc tiến, vốn đăng ký có thể đạt 17 tỷ USD, mà chỉ cần một phần ba số dự án đó triển khai, đủ biến ngã ba Đông Dương thành vùng kinh tế cửa khẩu hiện đại và sôi động nhất nước.
Con đường từ thị trấn Plei Kần - Ngọc Hồi đến ngã ba Đông Dương đi qua vùng đất từng xảy ra những trận đánh khốc liệt trong năm 1972 trước khi ký kết Hiệp định Paris về VN. Sau chiến tranh, trong suốt 20 năm, vùng biên giới này hoang vu đến mức từng bị gọi là “thành phố âm ty”.
Mười năm tiếp theo, Bờ Y trở thành khu kinh tế động lực của tam giác kinh tế biên giới VN - Lào - Campuchia, bao gồm 10 tỉnh. Với những lợi thế quan trọng về đầu mối giao thông với các tỉnh Bắc Tây Nguyên, tam giác kinh tế ba nước và cả vùng Đông Bắc Thái Lan, khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y đang được Chính phủ đầu tư mạnh với kỳ vọng lôi cuốn các nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn kinh tế trong nước đến làm ăn. Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y được quy hoạch 70.438ha, trong đó bao gồm một đô thị loại 2 với trên 200 nghìn dân, khu thương mại và công nghiệp, hàng loạt khu du lịch sinh thái.
Hiện nay, các trục đường giao thông chính nối Bờ Y với đường 18B của Lào đã thông xe, và ngày ngày cửa khẩu Bờ Y tấp nập xe chở gỗ, khách du lịch Thái Lan, Trung Quốc nhập cảnh VN. Lượng hàng hóa tập trung tại thị trấn Ngọc Hồi để vào Lào, qua cửa khẩu Bờ Y rất lớn. Quốc lộ 24 nối trực tiếp Kontum - Dung Quất 200km đã được cấp 2.400 tỷ đồng để nâng cấp. Dự án xây dựng sân bay thương mại Bờ Y đang được các nhà tư vấn quốc tế khảo sát lập báo cáo đầu tư. Một đối tác đã chính thức đăng ký đầu tư sân bay này theo hình thức BOT.
Một chuyển động mới ngay tại khu vực cửa khẩu là siêu thị biên mậu đã mở cửa. Trong 5 năm qua, những nhà đầu tư mạnh dạn nhất đã đặt niềm tin vào 17 dự án đang triển khai với 247 tỷ đồng, biến Bờ Y thành vùng đất đầy sinh khí của ngành du lịch, trung tâm tài chính và khu dân cư. Sáu dự án khác vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 435 tỷ đồng hoạt động trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và dịch vụ. Kể từ năm 2007, một số công ty lớn của nước ngoài đã tìm kiếm cơ hội đầu tư ở đây với 12 dự án đang xúc tiến, vốn đăng ký có thể đạt đến 17 tỷ USD, mà chỉ cần một phần ba số dự án đó triển khai trong thực tế, đủ biến nơi này thành vùng kinh tế cửa khẩu hiện đại và sôi động nhất nước.
Công ty cổ phần đầu tư tài chính - thương mại và dịch vụ quốc tế GIEC đã đăng ký đầu tư 11 dự án với tổng vốn 3 tỷ USD để xây dựng hệ thống khách sạn 5 sao có dịch vụ thương mại và trò chơi có thưởng, sân golf 54 lỗ, trường đua ngựa và đua chó chuyên nghiệp, khu thương mại phi thuế quan, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, hệ thống xa lộ... Một số nhà đầu tư trong và ngoài nước khác đăng ký đầu tư theo hình thức BT, BOT đối với các công trình hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch sinh thái, kho ngoại quan.
Sở dĩ Bờ Y có sức hút lớn như vậy, bởi ngoài tiềm năng của tỉnh Kontum đang có, còn do nơi cao nguyên Bolaven của Lào nổi tiếng trong giới du lịch khám phá. Cao nguyên này có mỏ bauxite thuộc loại lớn nhất thế giới, rừng nguyên sinh bạt ngàn và vô số thác nước đẹp. Đây là cao nguyên thuộc phần giao nhau của bốn tỉnh Nam Lào (Champasak, Attopư, Salavan, Sekong), có đất bazan màu mỡ hơn Dắk Lắk và khí hậu tựa Đà Lạt, là nơi sinh trưởng lý tưởng của các loại cây công nghiệp có giá trị như cà phê, tiêu, cao su, ca cao... đang thu hút các tập đoàn chế biến nông sản và các công ty lữ hành VN. Sự thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách mở ra triển vọng dòng du khách ASEAN, Trung Quốc và châu Âu đến khu vực ngã ba Đông Dương này tăng đột biến trong những năm tới.