Quyền lợi người tiêu dùng bị buông lỏng

ANH ĐỨC (*)| 14/04/2011 04:23

Việc TMV nhận lỗi và nhận sửa chữa miễn phí là điều rất nên làm và đáng lẽ phải làm từ khi dư luận chưa lên tiếng, như vậy mới đúng là có trách nhiệm với người tiêu dùng. Đáng tiếc là chỉ khi bị chính kỹ sư của hãng tố cáo và báo chí phanh phui, TMV mới có động thái trên để trấn an dư luận.

Quyền lợi người tiêu dùng bị buông lỏng

Số lượng người sử dụng ô tô tại VN ngày càng tăng - Ảnh: Quý Hòa

Cuối cùng, Toyota Việt Nam (TMV) đã có văn bản gửi Cục Đăng kiểm VN đề xuất về phương án xử lý liên quan tới việc hàng nghìn xe ôtô Innova J mắc lỗi kỹ thuật của hãng này đã bán ra thị trường.

Việc TMV nhận lỗi và nhận sửa chữa miễn phí là điều rất nên làm và đáng lẽ phải làm từ khi dư luận chưa lên tiếng, như vậy mới đúng là có trách nhiệm với người tiêu dùng. Đáng tiếc là chỉ khi bị chính kỹ sư của hãng tố cáo và báo chí phanh phui, TMV mới có động thái trên để trấn an dư luận.

Thậm chí, dư luận còn cho rằng TMV đã vi phạm “những hành vi bị cấm” tại điều 8 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 (hiệu lực 1/7/2008), như: Có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; che giấu thông tin về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Theo đó, người tiêu dùng hoàn toàn có thể khởi kiện Toyota, yêu cầu phải thu hồi xe bị lỗi. Điều này đã có quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở điều 16 quy định “nghĩa vụ của người bán hàng” là phải “hoàn lại tiền hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật bị người mua trả lại.

TMV lập luận các xe Innova J chỉ bị lỗi kỹ thuật nhưng vẫn đảm bảo an toàn khiến các cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là Tổng cục Tiêu chuẩn và đo lường chất lượng (Bộ Khoa học - Công nghệ), Cục Đăng kiểm Bộ GTVT... phải vào cuộc kiểm tra.

Sau khi đưa ra quyết định triệu hồi một số lượng xe Innova bị lỗi, TMV lại tiếp tục đưa ra thông báo chương trình sửa cho xe gần 278 xe Camry lắp ráp trong nước do lỗi bắt bu-lông đòn treo dưới phía trước. Hai dòng xe của Toyota liên tiếp bị lỗi cũng là cảnh báo về mức độ an toàn sản phẩm của hãng xe này.

Việt Nam đang có hơn 1,2 triệu xe ô tô đang vận hành và hàng chục nhà lắp ráp xe ô tô. Qua sự cố của một hãng xe nổi tiếng như Toyota mới thấy rằng, quyền lợi của người tiêu dùng dùng cũng như chế tài để buộc các hãng xe tuân thủ nghiêm ngặt hơn các quy định an toàn còn đang bị bỏ ngỏ.

Còn nhớ, cũng vì lỗi kỹ thuật xe tại thị trường Mỹ, Chủ tịch của Toyota phải có phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. Mặc dù đây không phải là một phiên tòa xét xử nhưng thể hiện trách nhiệm của Toyota với người tiêu dùng Mỹ, cũng là cơ hội để Toyota giải thích và phần nào lấy lại hình ảnh của mình.

Ngoài ra, án phạt cũng là vấn đề lớn để các hãng xe buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn trong các quy chuẩn an toàn. Ngoài hàng chục triệu USD cho việc thu hồi xe để sửa chữa, tháng 12/2010, Toyota chấp nhận chi hơn 32,4 triệu USD để khép lại vụ điều tra liên quan đến hai vụ thu hồi riêng lẻ vào năm 2010 và 2004.

Tháng 5/2010, các nghị sĩ Mỹ đã đề xuất nâng mức hình phạt tối đa dành cho các hãng sản xuất, đồng thời trao thêm quyền cho NHTSA trong việc chỉ đạo thu hồi liên quan đến các vấn đề an toàn.

Tại Việt Nam, “cố ý đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn” là đã có dấu hiệu vi phạm điều 204 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, những chế tài xử phạt vẫn chưa cụ thể và chi tiết. Vì vậy, cần thiết phải có hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của các chủ sở hữu xe và tránh để các nhà sản xuất lợi dụng lỗ hổng của luật pháp.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quyền lợi người tiêu dùng bị buông lỏng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO