Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cao su

Nguyễn Loan| 21/11/2019 08:00

Xuất khẩu cao su 10 tháng năm 2019 ước đạt 1,29 triệu tấn, kim ngạch 1,75 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng, 5,6% về giá trị so với cùng kỳ 2018, nhưng ngành cao su Việt Nam cần nhiều việc phải làm để nâng cao tính cạnh tranh.

Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cao su

Về cơ bản, cao su XK của Việt Nam giai đoạn này có nhiều thuận lợi nhờ các yếu tố bên ngoài.

Giá xuất khẩu (XK) cao su tăng đều trở lại vào cuối tháng 10 ở hầu hết thị trường với mức tăng từ 0,7%, lên 1.306 USD/tấn. Giá cao su tại sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) ngày 9/11/2019 tăng 5 phiên liên tiếp. Kết quả này một phần do Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận hủy bỏ thuế quan theo từng giai đoạn, làm tăng hy vọng kết thúc xung đột thương mại giữa hai nước.

Mặt khác, dự báo sản lượng cao su tự nhiên của ba nước có nguồn cung lớn là Thái Lan, Indonesia và Malaysia giảm khoảng 800.000 tấn trong năm nay bởi ảnh hưởng bệnh nấm. Tập đoàn Toyota, Nhật Bản dự báo doanh số bán ô tô toàn cầu sẽ tăng cao, tức cần lượng cao su thiên nhiên lớn để sản xuất vỏ ruột xe. Ngoài ra, còn có các yếu tố tác động khác như giá dầu thô tăng nhẹ, biến động tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ với đồng yên Nhật và đồng nhân dân tệ.

Nguồn cung cao su thiên nhiên trên thế giới giảm 8,3% (từ nửa đầu năm 2019) trong khi nhu cầu thị trường lại tăng khoảng 0,8%, dù lượng tăng không đáng kể so với quy mô thị trường nhưng có nhiều khả năng tăng mạnh nếu nền kinh tế thế giới giữ được mức tăng trưởng ổn định. Về cơ bản, cao su XK của Việt Nam giai đoạn này có nhiều thuận lợi nhờ các yếu tố bên ngoài.

Những thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan đều có mức tăng lượng cao su nhập từ Việt Nam. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc (chiếm hơn 66% về lượng và kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên) tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Link bài viết

Cụ thể, giá XK cao su sang thị trường này chỉ đạt bình quân 1.342 USD/tấn, giảm 1,3% trong 9 tháng đầu năm 2019. Nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trở lại, Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, giảm tiêu thụ nhiều mặt hàng, trong đó có cao su thiên nhiên, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành cao su Việt Nam. 

Năm 2019, Việt Nam dù vươn lên vị trí thứ hai thế giới về năng suất, thứ ba về sản lượng và thứ tư về XK cao su thiên nhiên, nhưng chiều ngược lại, tổng lượng và giá trị cao su nhập khẩu (NK) 10 tháng đầu năm 2019 lại tăng lần lượt 6,3% và 6,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà còn đến bởi rào cản phi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ cao su chắc chắn lựa chọn nguồn cung cao su từ các nước có chất lượng đảm bảo hơn khi thuế NK cao su thiên nhiên về 0%.

Theo các chuyên gia trong ngành, giải pháp trước mắt, doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm từ nguyên liệu cao su thiên nhiên, như lốp xe, cao su kỹ thuật, đế giày, găng tay và một số sản phẩm may mặc, gối, nệm, băng tải, chỉ thun... và các sản phẩm từ gỗ cao su, như gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF. 

Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, năm nay Việt Nam có khả năng XK trên 2 tỷ USD bao gồm cao su thiên nhiên và các sản phẩm từ cao su (riêng lốp xe vượt 1 tỷ USD). Xét về cơ cấu, ngành cao su tăng trưởng phần lớn nhờ vào doanh nghiệp FDI.

Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang tập trung đầu tư kỹ thuật, phát triển công nghiệp phụ trợ ngành ô tô và các ngành khác có dùng nhiều cao su thiên nhiên. Đây là tín hiệu đáng mừng giúp giải quyết đầu ra cho cao su thiên nhiên của Việt Nam, đồng thời cũng gia tăng áp lực đối với các nhà đầu tư trong nước. 

Nghịch lý còn nằm ở chỗ, tuy diện tích và sản lượng năm nào cũng tăng nhưng lợi nhuận cho người sản xuất cao su hầu như không tăng hoặc tăng không đáng kể. Trong chuỗi phân phối lợi nhuận, công đoạn sản xuất sản phẩm từ cao su thiên nhiên là quan trọng nhất nhưng lại hưởng lợi thấp nhất. 

Nhu cầu về cao su thiên nhiên bắt buộc nhà sản xuất phải cải tiến phương thức quản lý, ứng dụng công nghệ mới, giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh. Về lâu dài, nhà sản xuất sản phẩm từ cao su thiên nhiên phải đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại, thân thiện môi trường, thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu đủ mạnh để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất sản phẩm cao su để hạn chế XK cao su nguyên liệu, như ưu đãi thuế, tiền thuê đất, khuyến khích đầu tư khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp chuyên về sản phẩm cao su. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hệ thống quản lý chất lượng cao su thiên nhiên, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về mủ cao su giúp các nhà máy sơ chế mủ có được nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Hỗ trợ khảo sát, nghiên cứu thị trường, chuyển đổi cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên theo nhu cầu của khách hàng. Ưu tiên cho các mô hình liên kết trong chuỗi giá trị cao su từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm tiêu dùng để giảm lệ thuộc vào sự biến động của giá thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cao su
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO