Mèo đẹp, mèo xấu

Diên Vỹ| 22/01/2023 07:00

Trong lịch sử mỹ thuật từ Đông sang Tây có biết bao tác phẩm về mèo. Mèo là một sinh vật đẹp đẽ và sinh động. Song có lúc chúng được xem là con thú rất xấu xa.

-1318-1674020936.jpg

Bức tranh Mèo và hoa đào của Hishida Shunso (1906) và bức tranh Thần mèo Bastet của người Ai Cập cổ đại

Chẳng thế mà Leonardo da Vinci - một trong số các họa sĩ vĩ đại nhất mọi thời và rất yêu thích loài mèo, từng viết: "Con thú bé nhất trong họ mèo này là một tác phẩm trác tuyệt"; còn họa sĩ đương thời Wesley Bates cho rằng: "Nhà đã có mèo thì không cần tác phẩm điêu khắc nào nữa". 

Trong cuộc khảo sát các hang động ở vùng Taboco thuộc bang Mato Grosso do Sul ở Brazil, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hình vẽ mô tả người và các loài vật như Tatu (Armadillo), nai, chim, bò sát, có cả mèo đang săn mồi. Tác giả các hình vẽ này được cho là đã sống trong khoảng từ 10.000 đến 4.000 năm trước Công nguyên; trong khi người Ai Cập cổ đại xem mèo là linh vật hộ mệnh phụ nữ mang thai, biểu hiện qua thần Bastet thân người đầu mèo. 

-1115-1674020936.jpg

Tượng mèo của Giacometti (bán với giá gần 14,5 triệu USD tại nhà Christies London ngày 6/6/2018)

Đến thời Trung Cổ (thế kỷ thứ V đến đầu thế kỷ XV), mèo trong tranh các họa sĩ là một thế lực hắc ám, khi mà nhà thờ Công giáo lúc bấy giờ xem loài mèo có liên hệ với dị giáo và bọn phù thủy. Chúng không được mô tả như một cuộn bông xinh đẹp mà là con thú xấu xí, dị hợm. Vào thời Phục Hưng (thế kỷ XVI-XVII), cách các họa sĩ thể hiện mèo đã khác hẳn: chúng là con vật gần gũi với con người và được yêu thương dù thường thì chúng được thể hiện khá lặng lẽ, nằm yên ngủ ở một chỗ khuất. Như trong bức Đức Mẹ và Chúa hài đồng của Petrus Christus (1410-1475) vẽ năm 1450, phải tinh ý lắm mới nhìn thấy chú mèo đang cuộn mình bên lò sưởi ở hậu cảnh của tác phẩm. Còn trong bức Bữa tiệc ly của Domenico Ghirlandao (1448-1494) - một trong số rất nhiều họa sĩ thời Phục Hưng về đề tài tôn giáo nổi tiếng này, tác giả vẽ một chú mèo nằm trước bàn tiệc của Chúa Jesus và 12 thánh tông đồ.    

-7828-1674020936.jpg

Hai đứa bé với con mèo của nữ họa sĩ Hà Lan Judith Leyster (1609-1660)

-7433-1674020936.jpg

Ba con mèo của Franz Marc

-1758-1674020936.jpg

Tranh vẽ mèo và con mồi trong hang đá ở Taboco (Mato Grosso do Sul, Brazil)

Thời kỳ Baroque (thế kỷ XVII-XVIII), có nhiều tranh vẽ mèo trong sự tương tác với con người, được chủ nhân yêu thương, chơi đùa, vuốt ve. Trong bức tranh Bọn trẻ nghịch mèo của họa sĩ người Hà Lan Jan Havickszaoon Steen (1626-1679), chú miu mới là nhân vật trung tâm. 

Ferdinand van Kessel (1648-1696) vẽ nhiều tranh mèo hài hước, đặc biệt là seri tranh dàn nhạc mèo nổi tiếng và mèo trong tiệm hớt tóc của lũ khỉ.

-8754-1674020936.jpg

Chân dung Julie Manet của Pierre Renoir

Mèo trong tranh các họa sĩ Pháp trào lưu ấn tượng (cuối thế kỷ XIX) là thú cưng được ôm ấp, vuốt ve, như trong bức Chân dung Julie Manet của Pierre Renoir, được ông vẽ năm 1887, mô tả con gái của họa sĩ cùng thời Édouard Manet ôm chú mèo trong tay; hay bức Thiếu phụ với mèo vẽ năm 1857. Trong tác phẩm hoành tráng Ta từ đâu đến? Ta là ai? Ta sẽ đi về đâu? của Paul Gauguin, giữa địa đàng Tahiti cũng không thiếu loài mèo.

-5370-1674020936.jpg

Con mèo phù thủy trong tranh thời Trung Cổ

-7123-1674020936.jpg

Mèo và bướm - tranh thủy mặc của Từ Bi Hồng

Cách các họa sĩ hiện đại thế kỷ XX, từ Paul Klee đến Miró, từ Franz Marc đến Picasso đã mô tả mèo hoàn toàn khác, đặc biệt trong bối cảnh những biến động của thế giới. Franz Marc đã biến hai trong ba con mèo (trong bức Ba con mèo) thành quái vật cướp bóc, như thể tiên báo về sự tàn phá của Thế chiến I sắp diễn ra, khiến ông bị giết chết bốn năm sau đó. Những con mèo trong tranh Miró dự cảm cơn ác mộng là cuộc nội chiến Tây Ban Nha kéo dài nhiều năm. Con mèo gầy trơ xương trong tác phẩm điêu khắc của Giacometti phải chăng là cách nhìn về những kẻ đói nghèo, vô gia cư trong một thế giới mà họ bị tước đoạt cơ hội sống?

-5898-1674020936.jpg

Dàn đồng ca mèo trong tranh Ferdinand van Kessel 

Ở phương Đông, nữ thần mèo Li Shou trong truyền thuyết dân gian Trung Hoa là người kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ mùa màng trước lũ chuột và cũng là nữ thần sinh sản. Truyền thuyết kể rằng, bà đã chỉ định lũ mèo cai quản thế gian, thế nhưng mèo ham chơi, ham vui đùa nên không nhận và đề cử loài người đảm đương nhiệm vụ khó khăn này. Ngày nay, nông dân Trung Quốc vẫn thờ nữ thần Li Shou. Còn ở Nhật Bản, mèo thần tài hay mèo may mắn Maneki-neko (nghĩa đen: mèo vẫy chào) với bàn tay vẫy chào rất được yêu thích. Tượng mèo Maneki-neko được bày bán khắp nơi, có cả một ngôi đền dành riêng cho nàng.   

-9859-1674020936.jpg

Mèo bắt chim của Picasso (1939)

Trong tranh của các họa gia phương Đông, con mèo được thể hiện gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ nhưng vẫn là thú săn mồi khéo léo như trong loạt tranh vẽ mèo của Từ Bi Hồng (1895-1953). Hishida Shunso (1874-1911) - họa sĩ thời Minh Trị, nổi tiếng với nhiều bức tranh vẽ mèo bên hoa đào tuyệt đẹp, Takahashi Hiroaki (1871-1945) với loạt tranh khắc gỗ mèo chơi đùa sống động.

Tranh dân gian Đông Hồ có bức Đám cưới chuột không chỉ đặc sắc về màu sắc và hình ảnh, mà còn mang ý nghĩa châm biếm, giễu nhại thú vị: vẽ chuột và mèo nhưng khiến liên tưởng đến xã hội loài người. Bọn chuột dù là con mồi ngon miệng của mèo nhưng chúng vẫn nghênh ngang đánh trống thổi kèn rước kiệu cưới, bởi đã có cá, có gà hối lộ cho lão mèo già "quan tham"! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mèo đẹp, mèo xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO