Đĩa than trỗi dậy

Lam Nguyên - Minh Nguyễn| 17/10/2019 06:00

Trong khi đĩa CD đang giãy chết, đĩa vinyl (đĩa than) ngỡ đã lùi vào quá khứ trước sự phát triển của nhạc trực tuyến thì thực tế chứng minh điều ngược lại. Theo dự báo của RIAA, trong năm 2019 nếu giữ được đà tăng, đĩa than sẽ sớm vượt CD, trở thành định dạng đĩa vật lý có doanh thu cao nhất.

Đĩa than trỗi dậy

Doanh số đĩa than lần đầu vượt CD kể từ năm 1986

Theo Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA), trong nửa đầu năm 2019, doanh số LP (đĩa vinyl) đạt 224,1 triệu USD (với 8,6 triệu LP được bán ra), tăng 6% về lượng và 12,9% về giá trị so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh số đĩa CD là 247,9 triệu USD, gần như không tăng.

Điều này hoàn toàn không gây bất ngờ, bởi sự trở lại của đĩa vinyl đã được nhìn thấy trước đó, khi doanh số LP năm 2011 tăng 55,8% so với năm 2010, năm 2012 lại tăng tới 131,8% so với năm 2011. Giá bán đĩa vinyl cũng tăng theo. Dữ liệu từ eBay, năm 2007 một đĩa vinyl mới có giá trung bình 4,8 USD thì vào năm 2017, nó đã lên tới 28,4 USD, tăng hơn 490%.

Nhờ rẻ và thuận tiện hơn, doanh thu nhạc trực tuyến vẫn tăng nhanh, đạt mức 4,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019, chiếm 80% giá trị của nền công nghiệp công nhạc. Trong bối cảnh ấy, sự hồi sinh của đĩa vinyl là điều hết sức đáng mừng. Theo nghiên cứu của hai chuyên gia Ozgun Atasoy và Carey Morewedge đến từ Đại học Basel và Boston, nguyên nhân là do con người có xu hướng thích mua hàng hóa vật lý hơn mặt hàng kỹ thuật số dù nội dung tương tự nhau. Và họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn hơn để đạt được điều đó. Atasoy và Morewedge cho rằng, tâm lý này bắt nguồn từ cái gọi là “quyền sở hữu tâm lý”. Con người khó cảm thấy họ đang thật sự sở hữu một thứ gì đó, trừ khi chính tai nghe, mắt thấy và được sờ tận tay.

Tuy nhiên, đây vẫn không phải là lời giải thích đầy đủ cho việc người mua sẵn lòng móc ví trả tiền cho loại sản phẩm này thay vì loại kia. Có nhiều yếu tố khác chi phối quá trình này. Trong một bài báo xuất bản đầu năm 2019, học giả Michael Palm của Đại học North Carolina-Chapel Hill cho rằng sự đối chọi giữa sản phẩm vật lý và kỹ thuật số, giữa cái cũ và cái mới, dường như cũng liên quan đến cuộc đối đầu giữa văn hóa tổ chức và văn hóa độc lập, giữa những tập đoàn khổng lồ và những nhà sản xuất nhỏ. Và tất nhiên, là giữa vẻ đẹp của âm thanh thuần túy với những âm thanh pha trộn.

“Sứ mệnh” của những hãng đĩa nhỏ

Kể từ khi CD xuất hiện, ngành công nghiệp thu âm gần như từ bỏ chế tạo đĩa vinyl. Các chuỗi cửa hàng lớn ngừng bán LP. Chính nhờ các nhà sản xuất (NSX) nhỏ, các cửa hàng băng đĩa (hoạt động giống như các cộng đồng đĩa than), văn hóa đĩa than và định dạng vinyl vẫn “sống sót”. Khi các công ty, tập đoàn lớn nhận thấy tiềm năng thương mại, họ bắt đầu đặt hàng các NSX nhỏ (khiến các công ty này luôn trong tình trang quá tải) và phân phối đĩa vinyl đến các cửa hàng nhỏ, thay vì chỉ phân phối đến những chuỗi bán lẻ khổng lồ như Best Buy.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở làm đĩa vinyl ra đời từ các doanh nghiệp lớn như: Newbilt, Viryl Technologies, Pheenix Alpha… Các nhà máy này sở hữu máy móc mới và hiện đại hơn. Chẳng hạn, Viryl Technologies chú trọng việc nghiên cứu và phát triển quy trình máy dập đĩa nhỏ gọn hơn, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường nhờ hạn chế sử dụng hóa chất.

Học giả Michael Palm chia sẻ: “Để chống lại sự xâm nhập của tập đoàn lớn vào thị trường đĩa vinyl, một số nhà sản xuất độc lập thực hiện liên kết theo chiều dọc, đồng thời bắt đầu sản xuất, phân phối và bán các bản ghi đĩa than của riêng họ. Thị phần đĩa vinyl trong tương lai sẽ quyết định sự tồn tại của các nhà cung ứng độc lập. Và thị phần ấy đang tăng dần lên…”.

Có thể xem đây là “phòng tuyến cuối cùng” của các định dạng nội dung truyền thống, nhằm bảo tồn sự sáng tạo, sản xuất và phân phối độc lập trong một thế giới vốn đã thuộc về các tập đoàn khổng lồ, nơi các nội dung được sản xuất hàng loạt và phân phối hàng loạt qua điện toán đám mây. Xét cho cùng, “phòng tuyến” này vẫn rất vững và khó bị đánh bại!

Tại Việt Nam, từ năm 2011, đĩa than đã bắt đầu rục rịch hồi sinh với album Mỹ Linh Acoustic - Một ngày. Trong năm 2013, nhiều album đa dạng thể loại được tung ra, như: Tóc ngắn Acoustic (Mỹ Linh), Tình ca Phạm Duy (Quang Dũng), Lặng lẽ tiếng dương cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Vinh Quang Việt Nam (Hồng Vy, Trần Mạnh Hùng và dàn nhạc giao hưởng), Mùa thu không trở lại (NSND Lê Dung). Sau đó là: Ngồi hát ca bồng bềnh, Ngàn thu áo tím, Đức Tuấn-Phạm Duy Requiem, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Đường em đi (Phạm Thu Hà), Một thời đã xa (Thùy Chi), Tâm 9 (Mỹ Tâm), Chuyện hẹn hò (Hương Lan - Thái Châu), Phú Quang in Symphony (Đức Tuấn), Những bài tình (nhạc sĩ Quốc Bảo)...

Trong 10 tháng đầu năm 2019, vài đĩa than đáng chú ý như: Lênh đênh nhớ phố (Giang Trang), Này em có nhớ (Đồng Lan cùng hai album khác đang ấp ủ là Đừng yêu một mình và Boléro Jazz), Trò chuyện (Hoàng Rob). Từ đây đến cuối năm, thị trường này hứa hẹn sẽ thêm sôi động khi các dự án của Đức Tuấn, Bằng Kiều, Hồ Trung Dũng… đang chuẩn bị. Mặc dù giá bán trung bình của một chiếc đĩa than từ 750.000 VNĐ trở lên, mỗi album phát hành khoảng 500 bản thì con số này vẫn bán tốt, cho thấy sự quan tâm của một bộ phận công chúng. Giới ca sĩ cũng rất hào hứng và chăm chút sản phẩm đĩa vinyl vì với họ, đây mới là giá trị thực sự của âm nhạc, dù nó ngốn của họ khá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Một số cái tên sản xuất đĩa vinyl uy tín xuất hiện như: Hãng Giao hưởng xanh (kết hợp cùng Hãng phim Trẻ), Gia định Audio (kết hợp với nhạc sĩ Đức Trí), Audio Space, Trần Đức Store CD - LP - Master Tape…

Hiện tại, số lượng đĩa than nhạc Việt xấp xỉ con số 50, trong đó, được tiêu thụ tốt là những đĩa nhạc xưa, trữ tình và boléro. Một số đĩa như Lặng lẽ tiếng dương cầm, Một thời đã xa đã tái bản. Có thể thấy, dòng chảy của đĩa vinyl tại Việt Nam không ồn ào nhưng vẫn luôn mãnh liệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đĩa than trỗi dậy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO