Thép bị áp thuế là thép được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan, sau đó nhập về Việt Nam để gia công đơn giản rồi xuất sang Mỹ. |
Cụ thể, các mặt hàng thép chịu mức thuế “khủng" lên tới 456% trong thông báo mới đây là thép được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan, sau đó nhập về Việt Nam để gia công đơn giản rồi xuất sang Mỹ dưới dạng thép không gỉ và thép cán nguội.
Hãng tin Reuters dẫn thông báo từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết, cơ quan này đã xác định một số sản phẩm thép không gỉ và thép cán nguội gắn xuất xứ Việt Nam sử dụng thép chất nền có xuất xứ từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan để trốn thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.
Điều này thể hiện qua sự tăng trưởng đột biến trong kim ngạch xuất khẩu của hai sản phẩm thép vừa nêu trong giai đoạn điều tra, ở mức 4.353% đối với thép không gỉ và 922% đối với thép cán nguội.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, cuộc điều tra này được thực hiện theo lời đề nghị từ các công ty thép ở Mỹ, gồm ArcelorMittal, Nucor Corp, United States Steel Corp, Steel Dynamics Inc, Califronia Steel Industries, và AK Steel.
Được biết, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ sẽ tiếp tục thu tiền đặt cọc của các lô hàng thép không gỉ và thép cán nguội nhập từ Việt Nam nhưng sử dụng thép chất nền từ Hàn Quốc và Đài Loan. Mức thuế nêu trên cũng áp dụng với cả những lô hàng nhập về nhưng chưa được thanh lý kể từ 2/8/2018 - thời điểm Mỹ bắt đầu điều tra vụ việc.
Trước đó, vào tháng 7/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố sẽ áp mức thuế 456,23% đối với sản phẩm thép không gỉ và thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam song có sử dụng vật liệu có xuất xứ Hàn Quốc và Đài Loan. Lúc đó, tuyên bố này được xem là "cơn địa chấn" với ngành thép trong nước, vì trong 4 năm gần đây, chưa bao giờ Mỹ lại "mạnh tay" đến vậy với các sản phẩm thép.
Dẫu vậy, với việc các sản phẩm thép bị đánh thuế thực chất không sản xuất tại Việt Nam mà chỉ trải qua quá trình gia công đơn giản, thì tác động trực tiếp của hàng rào thuế quan sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều tới doanh nghiệp Việt. Có chăng, thuế quan sẽ chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp hợp tác cùng doanh nghiệp sản xuất thép Hàn Quốc và Đài Loan.
Song, chắc chắn hàng rào thuế quan này sẽ gây tác động gián tiếp tới những sản phẩm xuất khẩu khác từ Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi hàng hoá từ một số quốc gia "đội lốt" xuất xứ để đưa sang Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ sẽ càng chú ý và sẵn sàng mạnh tay hơn với hàng Việt khi bị doanh nghiệp Mỹ nghi ngờ về khả năng gian lận thương mại.