Từ câu chuyện về môi trường đầu tư tại TP.HCM, các khách mời của Doanh Nhân Sài Gòn (ông Tôn Thạnh Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn, ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Lữ hành Fiditour (Vietluxtour), ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Du lịch Tân Hồng - Du ngoạn Việt (VietExcursions), ông Hoàng Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Vũ Trụ XanhNha) bày tỏ mong muốn báo chí là cầu nối chuyển nguyện vọng, ý kiến của doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng, qua đó chính quyền kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách, giúp DN hoạt động hiệu quả hơn.
* Theo các ông, môi trường đầu tư hiện nay tại TP.HCM như thế nào, còn điều gì bất cập?
- Ông Hoàng Tuấn Anh: Tôi có làm thủ tục hành chính, thuế ở nhiều tỉnh, thành thì thấy các thủ tục này ở TP.HCM thực hiện nhanh gọn, chỉ có một số thủ tục về đất đai còn chậm. Bên ngành tôi làm có liên quan đến đối tác bất động sản và hiện việc cấp phép xây dựng, sổ hồng cho các chung cư vẫn còn nhiều vướng mắc. Điều này làm nguồn cung căn hộ ở TP.HCM giảm, trong khi nhu cầu tăng cao, gây ra hệ lụy là giá nhà tăng quá nhanh. Kéo theo đó là sản phẩm cung cấp cho các dự án bất động sản cũng đình trệ. Hiện giờ, công ty tôi cũng chưa triển khai được dự án xây dựng nhà xưởng, nhà công nhân, nhà cho người thu nhập thấp ở Bình Chánh do vướng mắc về việc xin giấy phép xây dựng.
Ông Hoàng Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Vũ Trụ Xanh |
Tôi từng đầu tư ở một số tỉnh phía Bắc và thấy cơ sở hạ tầng ngoài ấy khá tốt. Từ Hà Nội đi các tỉnh đều có cao tốc như cao tốc đi Lào Cai, Hải Phòng, đặc biệt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 6 làn xe. Trong khi ở TP.HCM, đi 13 tỉnh miền Tây chỉ có cao tốc Trung Lương và mới đây thêm Mỹ Thuận. Tôi muốn phát triển ngành hàng kinh doanh về các tỉnh miền Tây thì việc đi lại vẫn rất khó khăn. Các tuyến cao tốc hiện hành như Trung Lương hay Long Thành - Dầu Giây chỉ mới đáp ứng được phần nào và thường xuyên quá tải, kẹt xe có khi vài tiếng đồng hồ. Còn cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn chưa hoàn thành, hay cao tốc TP.HCM - Mộc Bài thì chưa triển khai xây dựng. Nếu chờ việc đi lại nhanh chóng, thuận tiện quá lâu thì các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư ra các tỉnh phía Bắc hoặc sang nước khác.
- Ông Tôn Thạnh Nghĩa: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, nhiều nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển toàn bộ hoặc một phần vốn ra khỏi Trung Quốc để đa dạng chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng được xem là "điểm sáng" trong việc thu hút vốn FDI. Chúng ta có lợi thế ổn định về chính trị, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào và có quy mô dân số lớn, lực lượng lao động trẻ. Nhưng để thu hút vốn FDI, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Điều tôi quan tâm nhất là cơ sở hạ tầng. Mặc dù đường sá, cầu cảng, điện, Internet có nhiều cải thiện nhưng so với nhiều nước vẫn chưa đồng bộ, vẫn còn tắc nghẽn giao thông làm chi phí vận chuyển đội giá lên cao. Đơn cử như DN tôi phải chi một khoản phí logistics cao gấp ba lần cho một công hàng vận chuyển từ cảng Cát Lái về Bình Dương so với công hàng từ Nhật Bản về Việt Nam. Hiện chi phí logistics của Việt Nam cao nhất châu Á, điều này làm DN giảm sức cạnh tranh.
- Ông Phan Xuân Anh: Đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại TP.HCM hiện nay tương đối im ắng vì tương lai khách inbound vẫn còn mờ nhạt. Vì thế, trước mắt, DN chỉ tập trung gia cố trang thiết bị, đào tạo đội ngũ, đầu tư nhỏ để cải tiến sản phẩm chứ chưa dám đầu tư lớn.
Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Du lịch Tân Hồng - Du ngoạn Việt (Vietexcursions) |
Khi đầu tư lớn, chúng tôi chắc chắn sẽ phải xin cơ chế, chính sách và hướng dẫn của chính quyền để thực hiện, vì hiện nay DN rất khó triển khai bến bãi để hoạt động. Hiện tại, công tác quản lý của nhiều cơ quan chồng chéo, như Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch, Ban Quản lý quỹ đất công. Vì thế mà muốn làm đẹp hai bên dòng kênh bằng cách trang trí đèn hoặc treo tranh cũng không phải dễ dàng xin phép thực hiện.
* Để tháo gỡ những bất cập ấy, để thu hút đầu tư nhiều hơn, theo các ông, chính quyền TP.HCM nên làm gì?
- Ông Hoàng Tuấn Anh: Tôi mong muốn TP.HCM sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng. Xây dựng thêm đường cao tốc không chỉ giúp giao thương giữa TP.HCM và các tỉnh nhanh chóng, mà còn góp phần giãn dân, giảm chênh lệch giá đất bởi không nhất thiết những người làm việc ở TP.HCM thì phải ở Sài Gòn bởi giao thông đã thuận tiện.
Trong các đợt dịch Covid-19 vừa qua, tôi có kêu gọi một số DN FDI ở lại TP.HCM và tôi cũng kết nối, hỗ trợ những DN đó làm các thủ tục hành chính. Tôi thấy, đối với DN Việt Nam thì các thủ tục khá đơn giản, chỉ mất khoảng một tuần, trong khi thủ tục với DN có vốn FDI thì tốn nhiều thời gian, chi phí, có khi mất đến vài tháng.
Đơn cử, mỗi lần DN FDI muốn đầu tư vào Việt Nam thì phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, mà để được cấp phép, họ phải lên kế hoạch kinh doanh trong 5-10 năm. Mỗi lần điều chỉnh, thay đổi kế hoạch thì gần như phải xin giấy phép lại từ đầu.
Tôi mong muốn lãnh đạo TP.HCM tạo điều kiện linh hoạt đối với DN FDI. Ví dụ, thay vì phải đầu tư vốn chính xác 100.000 USD, chính quyền thành phố có thể cho dao động từ 100.000-300.000 USD vì kinh doanh khó nói trước được thời điểm nào cần chính xác bao nhiêu vốn. Bên cạnh đó, cần đơn giản thủ tục hành chính và giải quyết thật nhanh các thủ tục hành chính để giữ chân DN FDI, nhất là những DN đã kinh doanh tại TP.HCM một thời gian.
Thông thường thì doanh nhân nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, trước tiên họ sẽ đi du lịch. Phải thấy được tiềm năng về kinh tế, văn hóa ở những nơi đến thì họ mới nảy ý tưởng kinh doanh để đầu tư. Tuy nhiên, hiện khách các nước đến TP.HCM vẫn chưa cao, nên thành phố cần đẩy mạnh phát triển du lịch hơn nữa, nhất là vào dịp Hè vì đây là đợt nghỉ của nhiều nước. Càng nhiều người du lịch Việt Nam và TP.HCM thì sẽ càng thu hút được đầu tư.
TP.HCM phù hợp phát triển du lịch kết hợp kinh doanh; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện và là nơi trung chuyển vì nếu muốn đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ hay Tây Nam Bộ đều phải qua TP.HCM. Thành phố có một lợi thế nữa là nơi hội tụ những khu vui chơi, mua sắm và ẩm thực nên dễ hấp dẫn du khách.
- Ông Tôn Thạnh Nghĩa: Việc triển khai sớm đường vành đai 3 kết nối TP.HCM đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, các tỉnh Tây Nam Bộ sẽ tạo ra một trục giao thông chiến lược. Từ đó sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề quan trọng như hình thành mạng lưới giao thông huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh, thúc đẩy kinh tế phát triển và là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, giúp TP.HCM giảm ách tắc giao thông, nâng cao đời sống văn hóa, vật chất của nhân dân TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Hiện nay, giá xăng dầu tăng cao kéo theo hàng loạt chi phí tăng như nguyên liệu đầu vào, nhân công, vận chuyển... Do đó, không chỉ DN trong nước mà DN có vốn đầu tư nước ngoài đều mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành chức năng có giải pháp bình ổn giá thị trường; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể để DN giữ được nhịp tăng trưởng bền vững. Đó cũng là tiền đề tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Cơ chế chính sách về thuế, đất đai, lao động phải luôn đảm bảo tính nhất quán, ổn định để nhà đầu tư yên tâm đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, cần đào tạo nguồn lao động có kỹ năng nghề cao và chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của DN trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
- Ông Trần Thế Dũng: DN du lịch rất cần chính quyền làm cầu nối, kết nối lữ hành với các đơn vị sản xuất hàng truyền thống để mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách. Sản phẩm du lịch không thể sống đơn độc mà phải có sự kết nối bởi nhiều dịch vụ, nhưng DN du lịch rất khó để "đề nghị” hay "yêu cầu" đơn vị cung ứng cùng tham gia nhằm tạo nên sản phẩm có chiều sâu, nhiều trải nghiệm cho du khách.
Ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Lữ hành Fiditour (Vietluxtour) |
Du khách nhiều nước rất thích trải nghiệm đời sống và văn hóa ở các làng nghề truyền thống, nhưng rất ít làng nghề được chính quyền quy hoạch một cách bài bản để phục vụ du lịch. Vì thế, nếu chính quyền có chính sách, cơ chế, kế hoạch dài hạn và kêu gọi các hộ kinh doanh cùng tham gia thì chúng ta sẽ có được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để phục vụ khách trong và ngoài nước.
Sản phẩm du lịch khá trừu tượng và khó có thể xác định "thành bại" ngay tức thì. Tuy nhiên, nếu chính quyền, DN và người dân cùng đồng lòng, có chính sách hỗ trợ phù hợp và quy hoạch bài bản thì sản phẩm sẽ "tự nuôi" và phát triển tốt.
* Các ông nghĩ như thế nào về vai trò của báo chí với hoạt động của DN?
- Ông Tôn Thạnh Nghĩa: DN tôi thành công hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của báo chí. Hiện nay, báo điện tử rất nhiều thông tin, nhưng tôi vẫn giữ thói quen đặt báo giấy định kỳ để đọc. Mỗi ngày trên bàn làm việc tôi có 3-4 đầu báo. Báo giấy cung cấp thông tin chính xác nên tôi không cần phải sàng lọc thông tin trên mạng.
Ông Tôn Thạnh Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn |
Với tôi, báo chí giúp ích rất nhiều trong kinh doanh. Báo chí cung cấp kịp thời các thông tư, nghị định cũng như chính sách của Nhà nước. Từ những bài báo, tôi học được kinh nghiệm quản trị, mô hình kinh doanh thành công của những DN lớn trong và ngoài nước, cách kết nối nhà đầu tư.
Trong thời đại số hóa báo chí, việc đọc báo giấy sẽ không còn được sự quan tâm nhiều của giới trẻ nên tôi hy vọng thông tin đưa lên mạng giúp bạn đọc nhận diện đâu là thông tin chính thống, chính xác...
- Ông Trần Thế Dũng: Trước đại dịch Covid-19, báo chí đóng góp công sức không nhỏ trong truyền tải hình ảnh, quảng bá và giới thiệu Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn ra thế giới đã góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Trong giai đoạn dịch, báo chí cũng nhanh chóng truyền tải những thông điệp kịp thời về phòng, chống dịch cũng như các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho khách đi tour.
Khi Chính phủ cho phép mở cửa đón khách nước ngoài trở lại, báo chí một lần nữa thể hiện vai trò trong việc quảng bá điểm đến và truyền tải thông điệp ấy đến DN, đối tác và du khách các nước. Những việc làm đó của ngành truyền thông nói chung, báo chí nói riêng đã chung tay giúp ngành du lịch Việt Nam dần phục hồi, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như kỳ vọng.
- Ông Phan Xuân Anh: Từ bao lâu nay, DN và báo chí là bạn đồng hành, luôn gắn bó chặt chẽ theo từng bước thăng trầm của ngành du lịch. Báo chí là chỗ dựa tin cậy để DN gửi gắm tâm tư, nguyện vọng cũng như đề xuất, mong muốn phát triển ngành du lịch đến chính quyền về những chính sách nhất quán, bền vững để DN an tâm đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch khi đại dịch Covid-19 đã được đẩy lùi.
* Các ông mong muốn báo chí truyền tải thông điệp gì đến chính quyền, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, giúp DN hoạt động hiệu quả hơn?
- Ông Hoàng Tuấn Anh: Tôi thấy có những hội nghị trực tiếp giữa DN, người dân với chính quyền TP.HCM rất thiết thực. Báo chí đang thực hiện tốt vai trò là cầu nối trong việc truyền tải những chính sách của chính quyền đến với DN, người dân một cách nhanh chóng. Tôi chỉ mong muốn báo chí truyền tải nhiều hơn những điều còn vướng mắc của DN để chính quyền có thông tin cụ thể hơn, từ đó có chính sách tháo gỡ kịp thời.
- Ông Tôn Thạnh Nghĩa: Báo chí nên tăng cường làm cầu nối giữa DN và chính quyền. Thông qua đó, chính quyền kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách, giúp DN hoạt động hiệu quả hơn.
- Ông Trần Thế Dũng: Ở góc độ DN du lịch, chúng tôi mong rằng báo chí tiếp tục là người bạn đồng hành trên hành trình quảng bá và giới thiệu điểm đến trong nước cũng như quốc tế đến với độc giả, du khách. Đồng thời cũng mong báo chí có những buổi tọa đàm, hội thảo để bàn luận những vấn đề nổi cộm của du lịch, như đào tạo nhân sự, tháo gỡ vướng mắc về kinh tế đêm nhằm thúc đẩy du lịch phát triển mạnh.
* Cảm ơn những chia sẻ của các vị!