Mịt mù với nợ cũ lãi suất cao

28/05/2012 09:55

Hơn một tháng kể từ khi NHNN tuyên bố nới lỏng tín dụng với nhiều lĩnh vực, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, nhưng việc tiếp cận vốn mới hoặc cơ cấu lại nợ đối với các DN vẫn còn quá mịt mù.

Mịt mù với nợ cũ lãi suất cao

Hơn một tháng kể từ khi NHNN tuyên bố nới lỏng tín dụng với nhiều lĩnh vực, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, nhưng việc tiếp cận vốn mới hoặc cơ cấu lại nợ đối với các DN vẫn còn quá mịt mù.

Các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp nằm trong các nhóm ngành ưu tiên, đều đang bị “kẹt” với khoản nợ cũ lãi cao, không thể xây dựng phương án kinh doanh tốt để tiếp cận nguồn tín dụng mới, chưa kể những trường hợp bị ngân hàng thương mại làm khó, từ chối cơ cấu lại nợ và tính toán lại lãi vay nợ cũ...

Bở hơi tai với nợ cũ

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố một loạt giải pháp “cứu” doanh nghiệp, trong đó có cả chỉ thị sẽ cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, “mở van” tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn...không ít doanh nghiệp khấp khởi mừng thầm.

Các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó do nợ cũ lãi suất cao

“Tôi rất kỳ vọng vào các thông điệp mà NHNN đưa ra khi công ty của chúng tôi cũng đang có khoản vay khá lớn đầu tư nhà xưởng từ nhiều năm trước.

Nhưng khi được hỏi liệu chúng tôi có được khoanh nợ và giảm lãi vay hay không, các ngân hàng cung ứng vốn cho biết vẫn chưa thể trả lời ở thời điểm này” - ông Cao Tiến Vị, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn cho hay.

Đầu tư đến 2.000 tỉ đồng cho dự án Nhà máy giấy Mỹ Xuân 2 vào thời điểm năm 2007, ông Vị cũng thừa nhận “lợi thế của ngày hôm trước có thể đã trở thành bất lợi của ngày hôm nay”.

Thời điểm ông Vị bắt đầu làm dự án này, lãi suất cho vay chỉ 12%/năm và công ty phải đấu thầu chọn ra ngân hàng để “gởi mặt” cho dự án. “Thế nhưng ba năm nay, mở mắt ra tôi phải tìm đủ mọi cách để trả lãi vay ngân hàng, khi lãi suất từ 12%/năm đã vọt lên ngoài 22%/năm, thậm chí có thời điểm tôi phải trả khoản lãi vay với mức 24%/năm” - ông Vị than thở.

Báo cáo kế toán gửi ông cứ thấy số lãi vay phải trả qua mỗi năm ngày dần tăng vọt. Nếu năm 2009 số lãi phải trả xấp xỉ 45 tỉ đồng thì năm 2010 nhảy vọt lên 60 tỉ, 2011 là 80 tỉ và dự kiến năm 2012 là 200 tỉ đồng.

Để có tiền trả lãi cho dự án thứ hai này, toàn bộ lợi nhuận của nhà máy hiện tại đều “đổ hết” vào đây. Cũng theo ông Vị, công ty đã thử “thăm dò” ngân hàng về việc liệu Giấy Sài Gòn có được khoanh nợ, giảm lãi vay cho khoản vay cũ hay không nhưng vẫn không thấy có tín hiệu hồi đáp.

Trong khi đó, dù đã được ngân hàng đảm bảo cho vay 1.300 tỉ đồng cho dự án sản xuất vỏ radial toàn thép, ông Lê Văn Trí - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) - cho biết vẫn chưa biết khi nào mới bắt đầu giải ngân “vì lãi suất cho vay hiện vẫn rất cao”.

Ngoài khoản vay lưu động 400 tỉ đồng với lãi suất 16%/năm đang phải trả, ông Trí thừa nhận: “áp lực trả lãi vay ngân hàng hết sức nặng nề, lúc nào đầu tôi cũng căng ra như dây đàn để tính toán”.

“Áp lực phải có lợi nhuận với cổ đông đã khiến Casumina lúc nào cũng trong tư thế “vắt chân lên cổ” cắt giảm chi phí, tinh gọn bộ máy sản xuất của mình ở mức tối đa vì nếu quản không chặt, không những lợi nhuận mất đi mà còn có khả năng bị lỗ thì chỉ có nước chết với cổ đông” - ông Trí than.

Riêng khoản vay 1.300 tỉ đồng đang chờ thời điểm thích hợp để giải ngân, ông Trí cũng xác nhận “dù đã nghiên cứu, tính toán rất kỹ đầu ra cho sản phẩm, nhưng chúng tôi cũng không tránh khỏi âu lo khi diễn biến lãi suất luôn biến động nay thấp mai cao. Đây là rủi ro ngoài tầm kiểm soát mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải khiếp sợ”.

Còn ông T., giám đốc doanh nghiệp tư nhân cơ khí V (Q.6), đang mệt bở hơi tai khi mỗi tháng phải “è cổ” trả xấp xỉ 60 triệu đồng tiền lãi cho khoản vay 4 tỉ đồng từ đầu năm 2010 cho đến nay.

Theo ông T., lúc đó xưởng có được hợp đồng cung cấp thanh nẹp với số lượng khá lớn nên bắt buộc phải mở rộng nhà xưởng và đầu tư thêm một ít máy dập. Nhưng giao hàng được đâu chừng ba hợp đồng thì thị trường nội địa bắt đầu suy giảm, khiến lượng đặt hàng ngày một teo tóp dần.

“Bây giờ tôi chỉ còn khoảng 20 công nhân cầm cự làm qua ngày. Ngoài chi phí hằng tháng phải trả gần cả trăm triệu đồng, khoản lãi phải trả cho ngân hàng thật sự là nỗi ám ảnh. Khả năng tạm đóng cửa chắc cũng không còn lâu” - ông T. giọng buồn bã.

Ông T. cho hay dù công ty ông nằm trong diện doanh nghiệp vừa và nhỏ, có khả năng được tiếp cận mức trần lãi suất cho vay 15%/năm như quy định, “nhưng nợ cũ của tôi họ còn không tính đến khả năng giảm thì làm sao dám vay mới. Mà vay mới để làm gì khi tình hình sản xuất quá khó khăn như vậy” - ông T. phân trần.

“Quên” bất động sản

Đối với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, việc tiếp cận vốn vay ở thời điểm hiện nay còn mịt mù hơn. Ông Lê Tấn Hòa - tổng giám đốc Công ty CP Lilama-SHB, doanh nghiệp có một số dự án căn hộ đang triển khai dở dang tại TP.HCM - cho biết đến nay vẫn chưa tiếp cận được vốn ngân hàng dù đã liên hệ nhiều nơi.

“Muốn vay được nợ mới doanh nghiệp phải có phương án trả nợ cũ, nợ mới nếu được duyệt vay thì với tình hình hiện nay, chỉ riêng việc xoay xở trả lãi cho khoản nợ vay cũ doanh nghiệp cũng đã bở hơi tai rồi...” - ông Hòa nói.

Giám đốc kinh doanh một công ty bất động sản có trụ sở tại Thủ Đức (TP.HCM) than khi triển khai dự án cách nay ba năm, doanh nghiệp này được ngân hàng cam kết khoản tín dụng 500 tỉ đồng, nhưng khi doanh nghiệp giải ngân được hơn 150 tỉ đồng, ngân hàng từ chối cho vay tiếp.

Lãi suất cho khoản giải ngân trước đó cứ nâng dần lên, hiện đang ở mức 22%/năm. Không có vốn tiếp tục triển khai dự án, khách hàng thấy dự án không triển khai theo đúng tiến độ nên từ chối đóng tiền tiếp.

“Dự án đang dở dang, không thu được tiền, doanh nghiệp còn phải è cổ ra đóng lãi suất cao, lấy đâu phương án kinh doanh tốt như ngân hàng đòi hỏi để xem xét các khoản vay mới...” - vị giám đốc này nói.

Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng - phó tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức - bức xúc cho biết đã liên hệ với ngân hàng và đề nghị điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ theo mặt bằng lãi suất hiện nay, nhưng bị ngân hàng từ chối với lý do đã huy động vốn với lãi suất cao trước đó.

Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp bất động sản lớn cho biết đang tìm đối tác để chuyển một số dự án nhỏ, lấy tiền trả bớt nợ vay ngân hàng mới có thể tính tới việc vay mới lãi suất thấp hơn để dồn vào đầu tư cho dự án đang triển khai dở dang.

Theo vị này, với khoản vay ngân hàng hơn 500 tỉ đồng, lãi suất thấp nhất là 22%/năm và cao nhất lên tới 24%/năm, chỉ riêng tiền lãi mỗi tháng doanh nghiệp này phải nộp cho ngân hàng lên tới gần 10 tỉ đồng - một con số quá lớn trong tình hình thị trường bất động sản vẫn đang đóng băng hiện nay.

“Ngay cả khi mặt bằng lãi suất cho vay mới chỉ còn 12-15%/năm thì nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay cũng không có “cửa” vay, thậm chí có được vay cũng không dám do nợ cũ lãi cao vẫn còn, phương án trả nợ gốc và lãi vay cho những khoản vay cũ hầu như bế tắc do đầu ra chẳng có gì sáng sủa...”, ông Trương Minh Đạt - phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư địa ốc Khang Nam - nói.

Theo ông Đạt, dù NHNN tuyên bố mở van tín dụng đối với người mua nhà, nhưng với lãi suất quá cao hiện nay chẳng ai dám vay để mua nhà. Không có đầu ra, chủ đầu tư dù có xoay được vốn cũng không dám tiếp tục hoàn thiện dự án, sợ bị chôn thêm vốn.

Doanh nghiệp “sống dở chết dở” do chính sách thiếu nhất quán

Nhiều doanh nhân bức xúc cho rằng hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình trạng “sống dở chết dở” hiện nay, trong đó số lượng chết thật đã lên tới hàng chục ngàn doanh nghiệp, là hậu quả của chính sách thiếu nhất quán, không ổn định.

Theo ông Cao Tiến Vị, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, câu chuyện đầu tư của mình là một ví dụ. Thời điểm doanh nghiệp này quyết định đầu tư nhà máy sản xuất thứ hai, lãi suất chỉ 12%năm. Đùng một cái lãi suất có thời điểm tăng gấp đôi, doanh nghiệp rơi vào thế tiến không được mà lui cũng không xong.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết chính sách tiền tệ thay đổi xoành xoạch đã giết chết các chủ đầu tư.

Doanh nghiệp căn cứ trên cơ sở cam kết tín dụng của ngân hàng để triển khai dự án, khi dự án đang làm dở dang thì bị cắt vốn, lãi suất của các khoản nợ đã vay bị đẩy lên, doanh nghiệp nằm đó chịu chết do không xoay ra tiền để trả lãi chứ chưa nói đến triển khai dự án. Ngay cả thời điểm gói “giải cứu doanh nghiệp” được thực hiện năm 2009, trong đó chính sách hỗ trợ lãi suất 4% đối với các lãi suất cho vay vốn ngắn hạn, trung-dài hạn, hoặc cho vay phục vụ nông nghiệp và làm nhà ở... đến khi công ty được xem xét cũng là lúc thời hạn hỗ trợ kết thúc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mịt mù với nợ cũ lãi suất cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO