Miền Đông cần khai thác du lịch tiêu chuẩn xanh
Các tỉnh ở Đông Nam bộ cũng cần triển khai tiêu chuẩn xanh tại các cơ sở lưu trú du lịch, khu nghỉ dưỡng và điểm tham quan.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị như thế tại Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện Thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2024, tổ chức tại tỉnh Đồng Nai ngày 26/12.
Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch thế giới và Việt Nam đã có sự thay đổi sâu sắc. Các xu hướng mới không chỉ xoay quanh sự phục hồi mà còn tập trung vào các giá trị bền vững, trách nhiệm và cộng đồng. Trong đó, du lịch xanh và du lịch bền vững đã trở thành xu thế chủ đạo và tất yếu.
Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của Booking.com cho thấy, 97% du khách Việt Nam mong muốn tham gia vào các chuyến đi bền vững trong năm tới và 75% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được chứng nhận.
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, khu vực Đông Nam Bộ không chỉ có tiềm năng mà còn có trách nhiệm khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, gắn kết bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế.
Các tài nguyên nổi bật như rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, hay Vườn quốc gia Nam Cát Tiên không chỉ là những điểm đến hấp dẫn mà còn mang giá trị sinh thái quan trọng, cần được khai thác một cách có trách nhiệm.
Theo ông Dũng, miền Đông dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng vẫn đang đối mặt nhiều thách thức. Cụ thể là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhận thức cộng đồng chưa cao về du lịch bền vững, và biến đổi khí hậu đang là những rào cản lớn.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch xanh, TP.HCM cam kết triển khai các dự án liên kết vùng, từ việc xây dựng các tuyến du lịch xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đến việc thúc đẩy các chính sách ưu đãi đầu tư cho các dự án bền vững.
Với vai trò dẫn dắt, phát triển du lịch bền vững cho toàn vùng, ông Dũng đề xuất, Đông Nam bộ cần tập trung phát triển hạ tầng xanh, điểm đến sạch.
TP.HCM đang nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các điểm đến trong vùng. Vì thế, các địa phương trong vùng cũng cần chú trọng triển khai các tiêu chuẩn xanh tại các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng và điểm tham quan.
“Một điểm đến sạch sẽ không chỉ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho du khách mà còn nâng cao hình ảnh và uy tín của vùng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Mô hình du lịch cộng đồng cũng cần được thúc đẩy bởi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa.
Quan trọng nữa là các tỉnh thành trong vùng cần hợp tác xây dựng một bộ tiêu chuẩn chung về du lịch xanh. Bộ tiêu chuẩn này bao gồm các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, quản lý rác thải, sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ tài nguyên nước.
“Những tiêu chuẩn này sẽ giúp các doanh nghiệp và điểm đến trong vùng dễ dàng áp dụng các giải pháp bền vững, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của khu vực trên thị trường quốc tế”, ông Dũng chia sẻ.
Trong năm 2024, các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ đã đón được hơn 73,7 triệu lượt khách, trong đó hơn 67 triệu lượt khách nội địa, và hơn 6,7 triệu lượt khách quốc tế. Tổng lượt khách tăng 12,6 % so với năm 2023. Tổng doanh thu du lịch năm 2024 đạt 215.178 tỷ đồng; tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.