Về cơ bản, tiếp thị du kích được xem như những hệ thống tiếp thị và xúc tiến “khác thường” so với lối suy nghĩ thông thường với ngân sách hạn chế.
Buổi Never Cafe Alone cuối cùng do Ban Giao Lưu tổ chức trước khi nghỉ Tết Âm Lịch vừa diễn ra cuối tuần qua tại quán Cafe Angel Garden 40 Võ Văn Tần, Q.3 với gần 30 doanh nhân trong và ngoài CLB DNSG tham dự.
Chương trình này đặc biệt có tới 3 diễn giả, là những người rất tâm huyết với chủ đề lần này : - Nghệ Thuật Marketing Du Kích – anh Trần Anh Tuấn – Đối tác Điều hành của The Path Finder ( thành viên Ban Thương Hiệu –Marketing), anh Võ Đỗ Thắng – GĐ Công ty an ninh mạng Athena ( Trưởng Ban CNTT ) và chị Lê Thúy Hạnh – CEO công ty ty Digimarketing và giám đốc đối ngoại Micronet Group ( khách mời đến từ Hà Nội ).
Theo ông Trần Anh Tuấn, Maketing du kích là nghệ thuật tiếp thị bằng tư duy sáng tạo, một lối suy nghĩ khác thường.
Khi cuộc cạnh tranh về tiếp thị giữa các tổ chức gia tăng, những lợi thế vượt trội trong “quá khứ” ngày càng giảm dần vai trò quyết định, bao gồm lợi thế nhờ sản xuất (chất lượng sản phẩm, số lượng, dây chuyền sản xuất, công nghệ, bản quyền phát minh…) vào những năm 1960 hay lợi thế nhờ quảng cáo vào những năm 1970.
Từ đầu những năm 1980, thế giới lại chứng kiến sự lên ngôi của định vị thương hiệu với các khái niệm chủ đạo bao gồm xác định phân khúc thị trường và điểm khác biệt vượt trội về lợi ích, giá trị trong tâm trí khách hàng mục tiêu.
Theo đó, thương hiệu trở thành điểm khác biệt và lợi thế cạnh tranh quan trọng, phản ánh yếu tố rào cản tâm lý do người tiêu dùng dựng lên để phản kháng sự tràn lan về truyền thông & tiếp thị sản phẩm của các tổ chức.
Những tổ chức có khả năng “sáng tạo” được thương hiệu khác biệt, đáp ứng tốt nhu cầu, duy trì được khách hàng trung thành sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn hơn, bền vững hơn các đối thủ khác.
Trong xu thế đó, sáng tạo trở thành vũ khí cạnh tranh quan trọng thúc đẩy các tổ chức không ngừng đổi mới, tạo những sản phẩm hay dịch vụ mới, những phương thức truyền thông mới lạ để gia tăng thu hút và hấp dẫn khách hàng, từ đó tạo ra hiệu quả kinh doanh cao hơn.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngay cả doanh nghiệp “siêu nhỏ” nhưng có khả năng sáng tạo tốt nhằm tạo ra dấu ấn, hình ảnh đặc trưng, duy nhất và nổi trội trong ngành hàng của mình.
Khả năng linh hoạt, sáng tạo & đổi mới của các doanh nghiệp nhỏ lại càng được kích hoạt và thúc đẩy mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ tích cực của ngành công nghệ tin học & truyền thông (ICT), một ngành nghề có tốc độ phát triển vượt trội trong vài thập kỷ qua.
Tiêu biểu nhất là trường hợp các doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng định hướng toàn cầu ngay từ khi mới thành lập, phát triển nhanh với tốc độ “khủng” và nhanh chóng trở thành những doanh nghiệp khổng lồ trong các ngành công nghệ dựa vào tri thức như công nghệ ICT như Facebook, Google, MySpace...
Hiện nay không chỉ doanh nghiệp nhỏ ứng dụng tiếp thị du kích mà cả các doanh nghiệp lớn cũng thường xuyên sử dụng tư duy và công cụ này như Adidas, Nestle, Unilever…
Tiếp thị truyền thống theo kiểu đại trà không còn tỏ ra phát huy tác dụng và hiệu quả như trước, đòi hỏi các tổ chức chuyển dần sang tiếp thị chọn lọc hơn thậm chí tiếp thị trực tiếp một-một với định vị khác biệt, vượt trội, đồng thời tạo cơ hội thuận lợi cho những phương thức tiếp thị mang tính du kích phát huy vai trò.
Nghệ thuật tiếp thị du kích thực tế đã được sáng tạo từ lâu, được chuyên gia tiếp thị người Mỹ Jay Conrad Levinnson giới thiệu chính thức vào 1983.
Chuyên gia này trình bày các khái niệm và nguyên tắc cơ bản cùng với các “chiêu thức đánh du kích” giúp các tổ chức vừa và nhỏ cải thiện năng lực cạnh tranh, gia tăng hiệu quả dựa trên sự cạnh tranh đầu tư về tư duy, chất xám thay vì đầu tư lớn vào các phương tiện truyền thông tốn kém.
Đến nay, nhiều kiến thức thực tiễn của nghệ thuật tiếp thị du kích thế giới đã được tổng hợp thành học thuật, chiến lược, chiến thuật và các quy trình tiếp thị rõ ràng hơn với sự tham gia tích cực hỗ trợ của các công nghệ, phương tiện truyền thông hiện đại như internet, mạng xã hội, blog...
Về cơ bản, tiếp thị du kích được xem như những hệ thống tiếp thị và xúc tiến “khác thường” so với lối suy nghĩ thông thường với ngân sách hạn chế.
Một chiến dịch tiếp thị mang tính du kích có những đặc trưng như chi phí thấp, chứa những yếu tố bất ngờ, độc đáo gây ngạc nhiên thậm chí gây sốc cho người chứng kiến bởi tính chủ động tương tác cao, thu hút, lôi cuốn khách hàng tham gia, diễn ra tại những nơi bất ngờ, có khả năng “thách thức” suy nghĩ, kích thích khám phá bí mật.
Người làm tiếp thị du kích cần thiết kế kế hoạch kỹ lưỡng và tiến hành mai phục để tạo bất ngờ cho cả khách hàng lẫn đối thủ cạnh tranh nhằm giành phần thắng cao nhất.
Người tiếp nhận có được cảm giác mình “may mắn” khi tận mắt chứng kiến, từ đó tự nguyện lan truyền rộng rãi tin tức về sự việc với những lời đồn đãi hay phỏng đoán không rõ ràng (buzz marketing) với cơ chế tương tự như lan truyền virus máy tính (virus marketing) qua mạng lưới video như Youtube với thành công tiêu biểu cho trường hợp Susan Boys trong chương trình “Got Talent” năm 2009 ở nước Anh.
Tiếp thị kiểu lan truyền virus đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam từ vài năm trở lại đây kết hợp thêm các công cụ như blog, video marketing, mạng xã hội, email…mà tiêu biểu nhất là chương trình Vietnam Idols 2010 thành công vượt trội gần đây với những scandal khá nổi tiếng..
Ngày nay công nghệ gắn chặt với cuộc sống, đặc biệt là giới trẻ sinh sau năm 1984. Thế giới mạng trở nên kênh tương tác, giao tiếp và truyền thông số 1 với sự tích hợp các kỹ thuật, công cụ truyền thông: video, web, mobile... Đặc biệt các phương tiện truyền thông xã hội phát triển mạnh với hơn 67% người dùng internet có liên quan đến mạng xã hội và hơn 300 mạng xã hội trên khắp thế giới.
Công nghệ thật sự làm thay đổi cách thức con người khám phá, đọc, chia sẻ tin tức, thông tin và truyền thông tiếp thị. Nó cung cấp công công cụ tiếp thị, xây dựng nhận thức thương hiệu, cho phép tổ chức và cá nhân kết nối với nhau ở mức độ cá nhân.
Các công cụ e-guerrilla marketing hiện đại bao gồm mạng xã hội, video marketing, diễn đàn trực tuyến, blog, virus marketing, email marketing… cho phép mọi tổ chức có thể giao tiếp và tương tác trực tiếp với khách hàng của họ với chi phí thấp nhưng đạt hiệu quả cao.
Nhiều công cụ tiếp thị du kích hiệu quả đang dần được biết đến và sử dụng rộng rãi tại Việt Nam như Facebook, Twitter, Blogger, WordPress, Wikipedia, Linkedin, Youtuble, Picassa…
Trong kỷ nguyên thông tin, tài nguyên internet là một tài nguyên vô giá, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Coca cola, Pespsi, Intel, Google,….đã sử dụng rất tốt tài nguyên này để marketing, để phát triển thương hiệu, để chăm sóc khách hàng ở qui mô toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, thì không thể bỏ qua nguồn tài nguyên vô giá này.
Đến giờ buổi café kết thúc nhưng mọi người vẫn còn nóng với những câu hỏi và cả chia sẻ riêng của mình cùng các diễn giả. Hầu như ai, kể cả những diễn giả đều thu được cho mình một điều gì đó thú vị và mới mẻ. Mọi người thực sự vừa được học hỏi lẫn nhau và vừa được thư giãn cùng nhau – Một điểm ưu việt của chương trình Never Café Alone.