Mang sắc màu Sapa về phương Nam

ĐÔNG HÀ/DNSGCT| 26/09/2014 06:26

Với các tác phẩm mới nhất của mình, họa sĩ Đào Trọng Lưu đã mang một mảng sắc màu ảo diệu của vùng đất Sapa phương Bắc đến phòng tranh “Tác phẩm mới” ở TP. Hồ Chí Minh (tại gallery Eight, số 8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, từ 6/9 đến 6/10/2014).

Mang sắc màu Sapa về phương Nam

Với các tác phẩm mới nhất của mình, họa sĩ Đào Trọng Lưu đã mang một mảng sắc màu ảo diệu của vùng đất Sapa phương Bắc đến phòng tranh “Tác phẩm mới” ở TP. Hồ Chí Minh (tại gallery Eight, số 8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, từ 6/9 đến 6/10/2014).

Đọc E-paper

Cùng với một số nghệ sĩ tạo hình của Hà Nội, trong đó có bậc lão trượng Trần Lưu Hậu, họa sĩ Đào Trọng Lưu có một chốn riêng của ông trên vùng cao Sapa để thường xuyên đến sống và vẽ, nói chính xác hơn thì Đào Trọng Lưu đã trở thành một cư dân “chính hiệu” của thị trấn trong mây ấy, gần như ông chỉ trở về Hà Nội vào mùa lạnh giá của Sapa hay những khi có việc nhà cần kíp lắm (*).

Nơi ông lưu trú dài ngày tại đây là một khu nhà trên đồi cao, phía sau của Khách sạn Victoria Sapa, ở đó ông có thể ngắm nhìn thỏa thích rộng dài của thiên nhiên tươi đẹp. Dù hôm nay, theo lời họa sĩ, Sapa cũng đã chịu nhiều hệ lụy của sự phát triển du lịch quá mức nhưng vùng đất này vẫn là một phần thiên đường của người nghệ sĩ. Gần như chỉở Sapa, thoát khỏi cảnh ngột ngạt, bức bối của Hà Nội, ông mới tìm được cảm xúc sáng tác.

Góc nhìn Sapa

Hai mươi mốt bức tranh sơn dầu và acrylic (hoặc kết hợp hai chất liệu) của họa sĩ Đào Trọng Lưu tại triển lãm “Tác phẩm mới”, phần lớn được ông vẽ bằng ngôn ngữ trừu tượng và nửa trừu tượng. Cảm hứng Sapa được thể hiện rõ nét qua những tác phẩm Thiếu nữ vùng cao, Vũ khúc người Dao đỏ, Lễ hội người Dao đỏ, Đỉnh Fansipan, Góc nhìn Sapa, Rừng nguyên sinh, Phong cảnh… Tuy nhiên, Sapa của Đào Trọng Lưu là một cách nhìn của riêng ông, như cách nói của Picasso: “Tôi không vẽ theo thiên nhiên mà vẽ cùng với thiên nhiên”. Hay nói cách khác, họa sĩ đã đan dệt lại thiên nhiên và cuộc sống Sapa bằng những sợi tơ sắc màu của riêng ông.

Đỉnh Fansipan

Một mảng khác cũng quan trọng không kém tại triển lãm được ông vẽ từ những phút giây phiêu linh cùng âm nhạc, nhất là nhạc cổ điển phương Tây – đam mê của ông từ thuở bé trong một gia đình trí thức Hà thành chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp.

Những Bản Concerto ngày mới, Bản Concerto số 2 của Rachmaninov, Bản Sonate Ven hồ, Jazz xanh, Khoái cảm Jazz, Khúc vô thường… là sự hôn phối giữa thanh âm của núi rừng và cuộc sống Sapa với những giai điệu âm nhạc mà ông không thể thiếu vắng, để làm nên một giao hưởng sắc màu lúc thì rộn ràng, khi thì trầm lắng. “Loạt tranh này hầu hết được vẽ trong năm nay, chỉ vài bức là của năm ngoái. Chỉ ở Sapa tôi mới vẽ miệt mài như thế”, họa sĩ nói. Và có khá nhiều tác phẩm kích thước lớn, chiếm trọn cả bức tường phòng tranh như Lễ hội người Dao đỏ. “Tôi phải đưa tranh từ Sapa về Hà Nội, rồi từ Hà Nội vào Sài Gòn bằng xe lửa”, ông cho biết.

Bản Concerto số 2 của Rachmaninov

Ở tuổi đã ngoài thất thập, Đào Trọng Lưu vẫn vẽ được nhiều và với bảng màu tràn ngập cảm xúc như thế. Rõ ràng Sapa là nơi ông đã tìm lại được “suối nguồn tươi trẻ” cho những sáng tác của mình. “Tác phẩm mới” là triển lãm đầu tiên của Đào Trọng Lưu tại gallery Eight, còn trước đó địa chỉ mỹ thuật quen thuộc của ông là gallery Tự Do, nơi ông đã có các triển lãm cá nhân vào các năm 1990, 1993, 1997 và gần đây là vào năm 2011. Tranh Đào Trọng Lưu từng được giới thiệu tại nhiều triển lãm ở nước ngoài, có trong sưu tập của nhiều nhân vật nổi tiếng, đặc biệt là sưu tập của nguyên Tổng thống Pháp Jacques Chirac (khi còn là Thị trưởng Paris).

(*) Nhà của gia đình họa sĩ Đào Trọng Lưu ở số 27A Trần Bình Trọng, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội còn là một quán cà phê – gallery, nơi gặp gỡ của giới văn nghệ thủ đô

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mang sắc màu Sapa về phương Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO