“Nhân chứng” lịch sử thế giới
Trước thế kỷ XIV, Malacca là mảnh đất tự do và bình yên của dân chài. Đến cuối thế kỷ XIV, một hoàng tử người Indonesia đã đặt tên và thiết lập đơn vị hành chính tại đây. Sau đó, Malacca đón tiếp sự “ghé thăm” của Cheng Ho - nhà thám hiểm lừng danh người Trung Quốc.
Cheng Ho đem đến Malacca nhiều kiến thức và kinh nghiệm buôn bán. Cũng trong giai đoạn này, Malacca trở thành nơi giao thương tấp nập của thuyền buôn nhiều nước. Cùng với sự phồn thịnh, Malacca trở thành “điểm ngắm” của các nước thực dân châu Âu thời đó.
Trong suốt thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XX, Malacca chịu sự cai quản của Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Nhật Bản. Chỉ sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Malacca mới trở về với Malaysia.
Vì thế, sự phong phú về văn hóa và tín ngưỡng ở mảnh đất này là dễ hiểu. Hiện, bên bờ sông Malacca vẫn có tấm bảng cho biết đã có những lúc ở đây tồn tại tới 80 ngôn ngữ!
Ngày nay, Malacca là sự hòa trộn của người gốc Malaysia bản địa, người Ấn Độ, người Trung Hoa và không ít người châu Âu. Ở đây có thể dễ dàng tìm thấy trên cùng một con đường, chỉ cách nhau vài chục mét là một nhà thờ Thiên Chúa, một ngôi chùa Phật, một đền thờ của đạo Hồi hay đạo Hindu.
Thành phố của nghệ thuật
Jonker Walk là khu phố chừng bốn, năm dãy phố, có lối kiến trúc khá giống với Hội An của Việt Nam. Đây cũng có thể xem là trung tâm du lịch của Malacca, nơi tập trung rất nhiều nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng lưu niệm.
Những ngôi nhà trong dãy phố này đều xây hai tầng, xen kẽ với những ngôi nhà kiểu người Hoa là một vài mái nhà theo kiểu Hồi giáo. Điều gây ấn tượng mạnh với du khách là mỗi ngôi nhà ở dãy phố này là mỗi kiểu kiến trúc, mặt tiền được trang trí tỉ mỉ, đẹp mắt.
Malacca cũng là nơi “bước chân ra phố là thấy bảo tàng”. Trong mấy ngày ngắn ngủi ở đây, chúng tôi ghé qua được ba bảo tàng với ba chủ đề: Bảo tàng Cheng Ho được đặt trong một ngôi nhà cổ của người Hoa, Bảo tàng Malacca được đặt trong ngôi biệt thự cũ của người Hà Lan, khá độc đáo với nghệ thuật sắp đặt, phối cảnh giữa hình vẽ và hiện vật thật, Bảo tàng Hàng hải được đặt trong xác một con tàu cũ.
Dấu ấn châu Âu
Chảy ngang thành phố là con sông Malacca. Hai bên sông san sát những ngôi nhà sơn trắng và mái ngói đỏ và những công trình kiến trúc còn lại từ thời thuộc địa sơn màu đỏ tía rực rỡ, đã trở thành biểu tượng của Malacca, như quảng trường Stadthuy do người Hà Lan xây dựng, nhà thờ Christ Church của người Bồ Đào Nha. Đi thêm vài bước nữa lên đồi là nhà thờ thánh Paul và cổng thành Famosa, do người Bồ Đào Nha và Hà Lan xây dựng...
Một công trình khác cũng mang đậm chất châu Âu là pháo đài Bồ Đào Nha, cách khu phố chính chừng 4km, từ đây nhìn được toàn cảnh vịnh Malacca, nơi mà xưa kia vốn là thương cảng vô cùng sầm uất.
Khu phố Portuguese Settlement nằm sát biển, cũng là nơi đáng để ghé thăm. Chúng tôi may mắn đến đây đúng dịp diễn ra lễ hội Festa San Pedro - một trong hai lễ hội quan trọng trong năm của người dân Malacca. Lễ hội kéo dài 5 ngày, người ta trang trí tàu thuyền và xếp đặt các nhân vật như hoạt cảnh và làm lễ cầu an cho ngư dân ra khơi được thuận buồm xuôi gió.
Baboon House và dấu ấn Việt Nam
Vào buổi sáng thứ ba (ngày mà các cửa hàng ở đây đều đóng cửa), chúng tôi tình cờ gặp một ngôi nhà được đặt tên là Baboon House. Cửa đóng, chỉ có bảng hướng dẫn bên ngoài mà nhìn qua đã gây tò mò.
Vào buổi chiều cuối cùng ở Malacca, chúng tôi quyết định quay trở lại ngôi nhà này, nhưng cũng phải đến lần thứ ba mới đúng lúc chủ nhà mở cửa. Quả là không uổng công.
Ngôi nhà sâu hun hút với gian ngoài cùng là cửa hàng bày bán đồ lưu niệm, kế đến là một quán cà phê và hai khu vườn xinh xắn. Những bức tranh trừu tượng được bày xen kẽ với các món đồ trong nhà, và đặc biệt rất nhiều cây xanh, hồ nước nhỏ.
Chủ quán là một thanh niên Malaysia khoảng ngoài 30 tuổi, tóc dài buộc gọn sau gáy, chiếc quần jeans rách, trông anh giống một ca sĩ nhạc Rock. Anh kể chuyện từng du lịch ở Việt Nam một tháng rưỡi, đã đi qua Đà Lạt, Huế, Hội An và Sapa. Điều bất ngờ nhất là Baboon House được lấy cảm hứng từ những quán cà phê ở Hội An để thiết kế và bài trí.