Đũi Nam Cao được tiếp sức
Nam Cao là xã duy nhất ở miền Bắc còn xe tơ truyền thống trong thế kỷ XXI. Những bàn tay chậm rãi nâng niu tuốt từng sợi tơ một. Các cụ không biết đến những từ hiện đại như "thăng hoa, mà chỉ tiếc nhớ cái ngày xưa về đến đầu làng đã nghe tiếng khung dệt cạch cạch.
Xã Nam Cao (huyện Kiến Xương) ở giữa vùng chiêm trũng Thái Bình - nơi mà nghề ươm tơ dệt lụa đã có năm bảy trăm năm trước. Chính nghề tơ lụa đã làm nên xã giàu có này. Trong xã còn nguyên vẹn những ngôi nhà tuổi đã một vài trăm năm. Và thật tuyệt vời khi trong sân những ngôi nhà đó vẫn có các cụ ngày ngày ươm tơ để làm ra một thứ sợi mà ông bà xưa gọi là đũi.
Người đưa tôi đến xã Nam Cao đã giới thiệu về một cô gái trẻ - người đã làm sống dậy một làng nghề đã mấy chục năm ròng tắt lịm, đó là Lương Thanh Hạnh.
Cô nhớ lại ngày về làm dâu xã Nam Cao, làng nghề im ắng, chỉ còn lác đác vài nhà làm nghề tơ tằm, nhưng tuyệt nhiên không có người trẻ, chỉ mấy cụ bà với lòng yêu nghề vẫn cần mẫn với sợi tơ tằm. Hạnh bị cuốn hút bởi những ngôi nhà cổ, những cụ già ngồi ươm tơ dệt lụa ấy. Rồi cô nghĩ phải cố gắng khôi phục sản phẩm truyền thống làng dệt Nam Cao, nhưng phải bắt đầu thế nào để sản phẩm sống dậy, người tiêu dùng chấp nhận, và việc kinh doanh phải có kết quả.
Hạnh lặng lẽ mua lại khung cửi - những khung cửi bị vứt ngoài ngõ hoặc gác trên gác bếp. Hạnh tâm sự: "Đó cũng là dịp may để tôi giữ lại những khung dệt cổ. Rất tiếc là đã có những khung cửi bị làm củi nấu bánh chưng. Rồi tôi thuyết phục được một số bà con hợp tác cùng tìm nguồn nguyên liệu để sản xuất đũi, dù có người hoài nghi việc làm ấy".
Hạnh là dân thiết kế, nên tấm vải lụa làm ra có sự sáng tạo của một họa sĩ và sự khéo léo của người thợ thủ công. Đũi Nam Cao hoàn toàn làm bằng tay theo quy trình của các cụ hàng trăm năm trước. Một ngày các cụ làm hết công suất cũng chỉ kéo được một lạng sợi đũi, chân đạp tay giật ngày cũng chỉ được năm mét lụa.
Đũi Nam Cao đã đến Hà Lan, Pháp, Đức, Nga, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan... Khách từ Pháp, Hà Lan, Ý, Nhật về tận xã Nam Cao để xem và mua sản phẩm đưa về nước kinh doanh.
Lụa Nha Xá thơm mùi cỏ cây
Thật khó miêu tả cảm giác sung sướng khi tận mắt ngắm nhìn những dải lụa đỏ căng phồng trong gió trên cánh đồng của làng Nha Xá, tỉnh Hà Nam rồi lại được xem các nghệ nhân ở đây dùng các loại lá làm màu để nhuộm lụa. Nha Xá cũng là làng lụa rất nổi tiếng ở miền Bắc, dù tiếng thoi đưa chưa bao giờ tắt, nhưng cũng không còn là một thương hiệu quen thuộc trên thị trường, bởi đầu ra gặp nhiều khó khăn khi người tiêu dùng không còn mặn mà với lụa tơ tằm.
Nhưng những người trẻ ở Nha Xá không nỡ bỏ nghề tơ lụa dù ngách thị trường vô cùng hẹp. Từng bước một họ gầy dựng những phân xưởng nhỏ, mời gọi khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan quy trình ươm tơ dệt lụa để cảm nhận được giá trị của lao động và nghề cổ truyền.
Tôi đã được đọc tài liệu của một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội về giá trị của lụa tơ tằm thiên nhiên Nha Xá, về khả năng hút ẩm, độ thoáng khí và sự an toàn của lụa Nha Xá. Qua đó biết được từ xa xưa các cụ đã có một quy trình công nghệ tuyệt vời cho tơ lụa Việt Nam. Những người trẻ như anh Đình Phú đã cố gắng gầy dựng thương hiệu mang tên "Lụa Nha Xá Eco" đã đi lại con đường truyền thống đó, học lại bài học xưa cũ đó để tìm ra sự thích hợp với người tiêu dùng hiện đại và để sản phẩm có giá trị chiều sâu từ bên trong của lịch sử làng nghề.
Tôi tin rằng nếu một lần bạn nhìn thấy tận mắt những người thợ nấu thuốc nhuộm từ lá cây, rồi cẩn trọng đưa màu ấy vào từng sợi tơ ỏng ả được làm ra hoàn toàn thủ công như vậy, chắc chắn sẽ mang theo tình yêu với lụa rất lâu bền.
Đưa lụa vào festival
Giữa tháng 6 tới, tại làng lụa Hội An sẽ diễn ra Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - Châu Á 2017 với sự có mặt của 7 nước và 12 làng nghề tơ lụa, thổ cẩm của Việt Nam. Trong quá trình chuẩn bị cho festival này, tôi thấy có sự phối hợp giữa các nhà thiết kế trẻ giới thiệu tơ lụa của các làng nghề và công ty sản xuất lụa tơ tằm Việt Nam. Ý tưởng này đã được nhà thiết kế Minh Hạnh dẫn dắt và thực hiện nó ở các festival tại Hà Nội (10/2016), Huế (5/2017) và Hội An (6/2017). Những chương trình biểu diễn thời trang đều theo hướng kết hợp sáng tạo của nhà thiết kế trẻ với lụa của các làng nghề cổ. Một hướng đi quá tuyệt vời để đưa lụa ra thị trường và tạo nền tảng cho sự sáng tạo của thời trang Việt.
Chị Minh Hạnh đã nhiều lần về xã Nam Cao và bị thu phục bởi vẻ đẹp tuyệt vời của đũi. Con mắt tinh tường của nghề thiết kế thời trang cho chị thấy một hướng đi mới của lụa tơ tằm. Chị Minh Hạnh nói khi nhìn các cụ bà xã Nam Cao ngồi dệt: "Trong rất nhiều năm, đũi bỗng nhiên biến mất, có thể vì không ai làm, có thể không ai dùng. Nhưng ngày nay đũi rất có giá trị, những nhà thiết kế phải làm mới lại cho đũi. Vải từ thiên nhiên chính là chất liệu cao cấp trong thời trang. Chất liệu truyền thống nâng tầm giá trị của bộ sưu tập thời trang. Nếu chúng tôi đưa thời trang Việt sang châu Âu, nhất định họ sẽ hỏi chất liệu đó ở đâu. Nếu như chúng tôi không sử dụng vải truyền thống thì giá trị của nhà thiết kế và sáng tạo mỏng manh lắm. Lụa, đũi xuất phát từ giá trị của làng nghề truyền thống rất tuyệt vời. Ở xã Nam Cao, tôi bỗng gặp một con người đang cố làm sống dậy chất liệu đũi, đó là chị Lương Thanh Hạnh. Tôi thấy chính các nhà thiết kế được hưởng lợi từ sự cố gắng ấy".
Nhà thiết kế trẻ Des Khang về Nha Xá tìm cảm hứng ở những sắc màu cỏ cây của lụa để sáng tạo thời trang. Hoa hậu 2010 Đặng Thị Ngọc Hân nay cũng theo ngành thiết kế thời trang, cô cùng 3 nhà thiết kế khác tìm kiếm sự sáng tạo trên nền tảng đũi của xã Nam Cao. Nhà thiết kế Silky Việt Nam sử dụng lụa Bảo Lộc cho bộ sưu tập đem đến Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - Châu Á 2017.
Hai bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh trong dịp này sử dụng lụa thiên nhiên của Công ty Toàn Thịnh. Chị Minh Hạnh nói với các nhà thiết kế trẻ: "Nếu muốn quốc tế hóa thời trang thì phải bộc lộ được tính bản địa của chất liệu, bộc lộ sự sáng tạo của cá nhân từ nền tảng đó”.
Chị Lương Thanh Hạnh - người đã vực dậy đũi Nam Cao trên thị trường, nói: "Đó là lý do một số nhà thiết kế sử dụng đũi của chúng tôi để sáng tạo các bộ sưu tập thời trang. Tôi vui mừng vì liên kết được với các nhà thiết kế và đó cũng chính là con đường tơ lụa trở lại thị trường thời trang bền vững nhất".