Lợi nhuận quý III: Đa sắc màu

Khánh Phương| 16/11/2020 05:51

Tính đến những ngày đầu tháng 11, đã có 675 doanh nghiệp (DN) trên sàn HoSE và HNX công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2020, chiếm 97% tổng số DN đang niêm yết trên hai sàn này. Kết quả lợi nhuận quý III của các DN đang cho thấy những tín hiệu trái chiều.

Tốp đầu lợi nhuận

Thống kê cho thấy có đến 585 DN báo lãi trong quý III, chiếm 87% số DN đã công bố BCTC, với tổng mức lãi sau thuế gần 66.600 tỷ đồng. Trong đó, Công ty  CP Vinhomes (HoSE: VHM) đạt lợi nhuận cao nhất với hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 61% so với quý trước và tăng 10,7% so với quý III/2019. Lũy kế 9 tháng, VHM lãi hơn 16.600 tỷ đồng, vẫn đứng đầu danh sách DN có lãi cao nhất.

Trong tốp 10 DN lãi lớn nhất, ngành ngân hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng vượt trội khi có đến 6 nhà băng nằm trong tốp này, gồm Vietcombank lãi gần 4.000 tỷ đồng, giảm 13,4% so quý trước và giảm 20,9% so cùng kỳ nhưng vẫn xếp thứ 2; Techcombank lãi gần 3.100 tỷ đồng, xếp thứ 4; MBBank lãi gần 2.400 tỷ đồng, xếp thứ 6; Vietinbank lãi hơn 2.300 tỷ đồng, xếp thứ 7; VPBank lãi hơn 2.200 tỷ đồng, xếp thứ 8; BIDV lãi hơn 2.100 tỷ đồng, xếp thứ 10. Đáng lưu ý là ngay phía sau BIDV cũng là ngân hàng ACB với lãi gần 2.100 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với quý trước và tăng 34% so với cùng kỳ 2019.

bai-3-bao-cao-1-9506-1605233756.jpg

Ba tên tuổi còn lại trong tốp 10 là Công ty  CP Tập đoàn Hòa Phát lãi gần 3.800 tỷ đồng, tăng 37% so với quý trước và đặc biệt tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ 2019. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất của DN này, giúp HPG vươn lên vị trí thứ 3 và đẩy lợi nhuận 9 tháng đạt 98% kế hoạch cả năm nay. Xếp thứ 5 là Công ty CP Sữa Việt Nam lãi gần 3.100 tỷ đồng, tăng 14,4% so cùng kỳ 2019 và Novaland xếp thứ 9, lãi hơn 2.100 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tài chính tăng mạnh, lên gần 2.400 tỷ đồng khi đánh giá lại khoản đầu tư.

Bức tranh đa sắc

Trong số các DN báo lãi, chỉ có 251 DN, chiếm 43% lãi sau thuế trong quý III có sự tăng trưởng so với quý trước. Như vậy có 57% DN báo lãi sụt giảm so với quý trước, trong khi quý II lẽ ra phải là quý các DN bị thiệt hại nặng nề nhất do tình trạng giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19. Điều này cũng cho thấy dù tổng thể nền kinh tế trong quý III có dấu hiệu khởi sắc so với quý II, nhưng kinh doanh của đa số DN vẫn chưa dừng lại ở đà đi xuống.

Tuy nhiên, nếu so với quý III/2019, lại có đến 337 DN, chiếm gần 58% đánh dấu sự tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế, mang lại một sắc màu trái ngược. Có thể nhận định rằng, dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, nhưng nhờ vào việc dịch được kiểm soát nhanh, hoạt động thương mại vẫn có sự tăng trưởng nhất định so với cùng kỳ, đã giúp quy mô kinh doanh của nhiều DN vẫn mở rộng hơn so với năm trước, nên lợi nhuận tiếp tục tăng.

3455545-5626-1605233756.jpg

Trong số những DN có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ 2019, có thể kể đến Cao su Thống Nhất, Công ty  CP Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông, Tổng công ty CP Y tế DANAMECO, Công ty CP Damsan, Công ty CP Dầu khí Thái Dương  với mức tăng trưởng hàng trăm lần, tuy nhiên lợi nhuận của những DN này là khá khiêm tốn, chỉ ở mức vài tỷ đồng.

Do đó, nếu lọc theo các DN có lợi nhuận quý III tối thiểu từ 100 tỷ đồng trở lên và có mức tăng trưởng cao nhất, sẽ bao gồm Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) lãi 387 tỷ đồng, gấp gần 20 lần so cùng kỳ 2019. Lũy kế 9 tháng, DBC lãi hơn 1.100 tỷ đồng, nằm trong nhóm có EPS cao nhất trên sàn. Công ty CP Thống Nhất lãi 121 tỷ đồng, gấp 15,5 lần so cùng kỳ 2019; Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau lãi 101 tỷ đồng, gấp 15 lần; Công ty CP Hưng Thịnh Incons lãi 193 tỷ đồng, gấp 13,2 lần; Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng  lãi 173 tỷ đồng, gấp 11 lần...

Ờ chiều ngược lại, có đến 55 DN lỗ trong quý III, với tổng mức lỗ hơn 5.770 tỷ đồng, trong đó riêng Tổng công ty CP Hàng không Việt Nam (HoSE: HVN) tiếp tục báo lỗ hơn 3.900 tỷ đồng. Xếp ngay phía sau là một “ông lớn” khác cũng trong ngành hàng không - Công ty CP Hàng không Vietjet lỗ 971 tỷ đồng. Rõ ràng đại dịch Covid-19 đã khiến ngành hàng không bị thiệt hại nặng nề, khi mà nhiều hãng hàng không trên thế giới đã rơi vào tình trạng phá sản.

Những DN khác cũng có mức lỗ trên trăm tỷ đồng trong quý III là Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai lỗ 240 tỷ đồng, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai lỗ 187 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, HVN vẫn lỗ lớn nhất, gần 10.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong kỳ cũng có những DN sau nhiều năm bất ngờ báo lỗ trở lại, như Tổng công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc bất ngờ lỗ 21 tỷ đồng trong quý III, sau 7 năm có lãi liên tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lợi nhuận quý III: Đa sắc màu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO