Với góc nhìn bao quát về một sân chơi mới, thị trường mới với nhiều biến động, các chiến lược gia tiếp tục hoạch định câu chuyện về luật chơi mới, tại sự kiện Vietnam HR Awards Forum 2019 - Chạm bước tương lai do Báo Lao động và Xã hội và Công ty CP Kết nối Nhân tài Talentnet tổ chức, các chuyên gia đã vạch rõ bản đồ chiến lược mà bất kỳ lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng cần hiểu rõ, để nắm được không chỉ cục diện của cuộc chơi mà còn có thể chủ động thích nghi và điều chỉnh "lối chơi" sao cho phù hợp với thời cuộc.
Lý giải về tâm thế mới mà các nhà lãnh đạo cần trang bị để đón đầu tương lai, các chuyên gia cùng chia sẻ những công cụ, giải pháp thực tiễn và phương thức linh hoạt để ứng biến với những thách thức đa dạng của thị trường. Trong đó, những nội dung nổi bật xoay quanh việc quản trị sự đa dạng nguồn nhân lực; nghệ thuật lãnh đạo thời đại số kết hợp yếu tố công nghệ và cảm xúc, chiến thuật tối ưu hóa trải nghiệm nhân viên nhằm kích hoạt hiệu quả kinh doanh.
Chia sẻ câu chuyện “lội ngược dòng” đầy thú vị, bà Rosaline Chow Koo gây dựng nên đế chế CXA trị giá hơn 100 triệu USD đã cho thấy, những kinh nghiệm và bài học thực tiễn về cách các doanh nghiệp đối mặt với những thách thức nguồn nhân lực số, cũng như những chiến lược cải tiến giúp họ chuyển mình và bứt phá nhanh về phía trước. Cơ hội lắng nghe và học hỏi từ chính những người trong cuộc đã tạo ra chất xúc tác truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhỏ đang “chập chững” bước vào cuộc chơi lớn.
Bà Tiêu Yến Trinh và Đàm Bích Thủy chia sẻ tại diễn đàn |
Bà Đàm Bích Thủy - Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Fulbright nhận định, giới trẻ ngày nay có nhiều đòi hỏi về quyền lợi khi làm việc, đối với lứa tuổi lao động từ 30-45 tuổi thì tiền lương là một trong những yếu tố khiến nhân viên bận tâm nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải dám thay đổi rủi ro, dám đi đầu, biết thông cảm và chia sẻ với nhau, với nhân viên
Bà Tiêu Yến Trinh - CEO Talentnet cũng cho rằng, lương bổng, phúc lợi là yếu tố giữ chân nhân viên. Vì vậy, doanh nghiệp phải mang lại lợi ích phát triển cộng đồng, xây dựng nâng cao ứng dụng công nghệ vào chuỗi sản xuất để nhân viên cảm nhận và mong muốn đồng hành với doanh nghiệp.
Theo bà Đặng Thị Thúy Hằng - CEO Công ty CFLD: “Quản trị doanh nghiệp tức là quản trị con người. Nhân lực và phát triển nguồn nhân lực luôn là các vấn đề được bất cứ tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nào cũng phải quan tâm. Với doanh nghiệp, nhân lực là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành, bại. Trong điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay, vấn đề nhân lực lại càng quan trọng hơn bao giờ hết bởi khi đó, nhân lực Việt không chỉ là cạnh tranh với nhau mà còn là sự cạnh tranh với nhân lực các nước khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Hữu Khang - Giám đốc Điều hành FWD Việt Nam, tìm nhân tài ở đâu và làm cách nào để tạo được môi trường tốt cho nhân tài phát huy được khả năng của mình lại là vấn đề mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Theo ông Andy Han Suk Jung - CEO SonKim Land, lãnh đạo doanh nghiệp phải có vai trò khơi gợi, tạo cảm hứng cho nhân viên. “Vấn đề tương tác với nhân viên ngày càng trở nên quan trọng không kém so với việc tương tác với khách hàng. Tôi có thể tìm ra hướng đi cho doanh nghiệp, nhưng có đi nhanh được hay không thì lại phụ thuộc vào nhân viên. Do đó, việc truyền cảm hứng là rất quan trọng”, ông Andy Han Suk Jung nói.
Trong khi đó, ông Ganesan Ampalavanar - Giám đốc Điều hành Nestlé Việt Nam lại đề cao vai trò của công tác đào tạo kiến thức và kỹ năng cho nhân viên. “Hãy đào tạo cho nhân viên bất kể sau đó họ có nghỉ việc hay không, phải đối xử với nhân viên như thể họ sẽ gắn bó lâu dài với công ty. Như vậy mới có thể tạo được niềm tin để “ghi điểm” trong cuộc cạnh tranh thu hút và giữ chân nhân tài”.
Bà Tiêu Yến Trinh đánh giá, ở mọi thời đại con người luôn là yếu tố mang tính chất quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại nếu nguồn nhân lực không đáp ứng được định hướng phát triển của mình. Lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia nhân sự cần thật sự thấu hiểu, hỗ trợ và song hành cùng nhau trong suốt quá trình hoạch định và quản trị nguồn nhân lực, nhằm mang lại hiệu quả phát triển tốt nhất cho nguồn lực của mình. “Việc thúc đẩy mối tương quan giữa lãnh đạo doanh nghiệp và cấp quản lý nhân sự sẽ giúp nâng cao tính cộng hưởng giữa chiến lược kinh doanh và chính sách phát triển con người, từ đó tạo ra giá trị thặng dư và phát triển bền vững cho doanh nghiệp”, bà Trinh nhấn mạnh.