“Lên tàu” sớm ngày nào, “xí" thị phần sớm ngày đó

Ý Nhi| 13/12/2020 04:22

Để tăng tốc phát triển mạnh và bền vững, con tàu chuyển đổi số  (CĐS) 4.0 đang đi tới và không chờ ai, trong hành trình đó,  doanh nghiệp (DN) nào sớm lên con tàu CĐS sẽ có lợi thế cạnh tranh và vị thế mới.

“Lên tàu” sớm ngày nào, “xí

Theo báo cáo từ tập đoàn BDO Quốc tế, Bất động sản (BĐS) là một trong 5 ngành chịu áp lực mạnh và phải thay đổi từ dịch Covid-19, “để DN BĐS biến áp lực thành lợi thế, đặc biệt  nhanh chóng “xí” được thị phần, một yếu tố quan trọng là làm sao phát huy được tiềm năng của công nghệ. Bởi, công nghệ là "nguyên liệu" không thể thay thế trong công cuộc CĐS.

Đây cũng chính là chủ đề mà các chuyên gia đã thảo luận tại diễn đàn “Houze Day 2020, chủ đề “Bất động sản chuyển đổi số nhanh – Kiến tạo tương lai” do Thời báo kinh tế Sài Gòn cùng Houze Group tổ chức.  

Nhấn mạnh lợi ích của việc CĐS đối với DN, nhất là DN  BĐS, TS. Cấn Văn Lực cho biết: ‘Các DN BĐS nếu tham gia CĐS sớm sẽ giảm được từ 30-80% chi phí giao dịch và quản lý (theo khảo sát của Mckinsey & Co); tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác…; tăng cơ hội kinh doanh mới (dựa trên công nghệ số như Proptech, kinh doanh số, kinh tế chia sẻ, phân tích dữ liệu, thành phố thông minh, Fintech trong bất động sản…); tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và trong nước; tham gia hệ sinh thái kinh tế điện tử kết hợp kinh doanh BĐS, tài chính, fintech, y tế, bảo hiểm, du lịch, giáo dục, thương mại điện tử…từ đó tăng năng lực cạnh tranh, mở ra cơ hội để đổi mới, đột phá, ra quyết định trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn.

Theo thống kê có 68 triệu người đang dùng internet, dự báo đến năm 2023 con số này là 75 triệu người. Trong đó 90% dùng internet đều xài điện thoại di động. Công nghệ đang hình thành rõ nét trong cuộc sống con người, kinh tế theo nhu cầu, hoạt động kinh doanh BĐS…”, ông Phạm Lâm- Nhà sáng lập hệ sinh thái Houze chia sẻ. 

Theo ông Lâm, ngành công nghiệp BĐS đã thay đổi rất nhiều trong thập kỷ qua, và các công nghệ mới đang có những tác động hữu hiệu đến cách thức các nhà kinh doanh BĐS thực hiện công việc hằng ngày của họ. Hiện nay, mức độ thành công của các doanh nghiệp BĐS đang phần nào thể hiện qua tốc độ chuyển đổi số và số hóa hệ sinh thái kinh doanh.

Cũng theo TS.Lực, công nghệ không còn là lý thuyết xa vời mà đã trở thành "cuộc đua sống còn" của DN nói chung và BĐS nói riêng. Nói về tác động của CĐS tới ngành BĐS, vị chuyên gia này cho rằng, xu hướng người mua sử dụng các websites, apps để tra cứu thông tin về BĐS, đại lý, chủ đầu tư BĐS , thu xếp các cuộc hẹn giao dịch ngày càng tăng. Hiện, các công nghệ cũng đã và đang đáp ứng nhu cầu này ngày một thông minh hơn như công nghệ thực tế tăng cường, thực tế ảo cho phép người mua có thể xem BĐS mà không cần đến trực tiếp; Thông tin, dữ liệu, qui trình được số hóa, lưu trữ, bảo mật; xác thực (e-KYC) tiện lợi hơn trong đối chiếu và giao dịch. Bên cạnh đó, việc quản lý, bảo dưỡng BĐS, tòa nhà sử dụng cảm biến thông minh; sắp xếp và niêm yết hình ảnh về BĐS và nội thất (dùng máy bay không người lái – drones để thu thập hình ảnh sống động) hay như việc dùng mô hình BIM (Building Information Modelling) trong thiết kế, thi công và giám sát xây dựng; dùng công nghệ in 3D trong xây dựng…cũng đang phát huy lợi thế.

Theo các chuyên gia, dù muốn hay không các DN BĐS sẽ không thoát khỏi tác động bởi việc CĐS mạnh mẽ trong vài năm tới. Cùng với đó mức độ cạnh tranh khốc liệt về sự đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Do đó, tạo lập hệ sinh thái được xem là nước cờ chiến lược để gia tăng lợi thế cạnh tranh, tối ưu nguồn lực và chi phí trong việc nắm giữ người dùng. Thực tế này bắt buộc các DN BĐS  phải thay đổi tư duy, mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức, mô hình quản trị, văn hóa kinh doanh. Bên cạnh đó, có thể cắt giảm nguồn nhân sự trong tổ chức, DN, chỉ cần những nhân lực chất lượng cao yêu cầu về kiến thức, kỹ năng. Ngoài ra, do hình thành nhiều công ty dịch vụ trung gian nên sự cạnh tranh giữa  DN sẽ tinh vi và khốc liệt hơn. Vì vậy, việc tạo lập mối liên kết với những hệ sinh thái sẵn có hoặc thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại là cách để tồn tại và phát triển. 

Đưa ra mô hình hệ sinh thái Houze -chuỗi dịch vụ liên kết trên nền tảng chung gồm House Map - Công nghệ dành cho môi giới bất động sản; Houze Agent - Dịch vụ môi giới bất động sản trên nền tảng công nghệ số; Houze Invest - Giải pháp kết nối hiệu quả đầu tư cho cộng đồng trên nền tảng công nghệ số và Houze Building - Nền tảng công nghệ quản lý và khai thác tòa nhà hiệu quả…, ông Lâm cho rằng , lợi thế của mô hình này là liên kết sức mạnh cộng hưởng từ hệ sinh thái với hàng triệu cư dân từ 6 cộng đồng gồm: cộng đồng mua bán bất động sản, cộng đồng môi giới, cộng đồng cư dân phòng trọ, cộng đồng cư dân căn hộ, cộng đồng nhân viên văn phòng, cộng đồng đầu tư. Hiện, mô hình này đã có hơn 3.000 môi giới  BĐS sử dụng như một công cụ chuyên dụng để làm việc. Ứng dụng đã kết nối hơn 1.000 cơ hội kinh doanh triển vọng, thiết lập mục tiêu đến năm 2021 sẽ cán mốc 10.000 người nhà môi giới.

Theo ông Hoàng Đức Trung- Phó Giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital: 'Ở các nước, nhiều DN BĐS cũng đã ứng dụng các mô hình CĐS trong kinh doanh BĐS và đã chứng minh hiệu quả kinh doanh cao". Tuy nhiên, dù có các mô hình ứng dụng CĐS thì việc thay đổi tư duy của DN cũng như đội ngũ vô cùng quan trọng".

Cũng tại một hội thảo về CĐS cho DN diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 11/2020, ông Đỗ Quang Hưng- Phó Tổng giám đốc thứ nhất Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Đình Vũ (DEEP C) cho biết, CĐS đã góp phần kết nối, thu ngắn khoảng cách của các công ty kinh doanh hạ tầng và các DN trong khu công nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Hưng, việc CĐS tại DN sẽ gặp một số khăn như một số lãnh đạo DN còn ngại thay đổi, có một bộ phận đội ngũ năng lực không theo kịp sự thay đổi. CĐS là lĩnh vực mới, khó xác định thời gian thực hiện, hạ tầng thông tin, đường truyền cũng là những yếu tố tác động đến quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng nhận định, hệ sinh thái số đang có những tác động không nhỏ đến cách các nhà kinh doanh BĐS. Đây cũng được xem là công cụ để xây dựng thương hiệu cá nhân một cách tốt nhất cho các nhà kinh doanh BĐS. Nhưng áp dụng công nghệ và hiểu rõ đặc tính của ngành nghề mới là điều quan trong để tối ưu được giá trị mà công nghệ mang lại.

Chia sẻ thêm hạn chế khiến các DN CĐS chưa mạnh dạn bước lên con tàu CĐS 4.0, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, đó là việc thay đổi về tư duy, mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức, mô thức quản trị, văn hóa kinh doanh, bên cạnh đó,  đòi hỏi DN phải thay đổi và đầu tư khá lớn cho hệ thống CNTT và cơ sở dữ liệu, trong khi đó nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia CNTT thiếu và yếu; yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, trình độ khác đi và cao hơn; rủi ro CNTT cũng tăng, đặc biệt an ninh mạng, pháp lý, dữ liệu, vấn đề bảo mật và hiểu biết của khách hàng, đối tác và cơ quan quản lý về kinh doanh số  của nhiều DN còn hạn chế.

Tuy nhiên, trước lợi thế và thách thức, ông Lực vẫn gửi gắm thông điệp: “Con tàu 4.0 không chờ ai, các DN bước lên con tàu này càng nhanh, càng có cơ hội và vị thế mới, đặc biệt, lợi thế của người đi sau là đi tắt, đón đầu, có thể chấp nhận rủi ro (trong tầm kiểm soát) và chuẩn bị công nghệ và nguồn nhân lực 4.0 là hết sức cần thiết để đừng bỏ lỡ chuyến tàu này. Bởi, tốc độ chính là yếu tố quyết định sự thành bại cho các DN”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Lên tàu” sớm ngày nào, “xí" thị phần sớm ngày đó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO