Sáng sớm mây vờn, ôm ấp lấy bản làng, núi rừng |
Từ Hà Nội có nhiều đường để lên Tà Xùa. Với những người đam mê du lịch bụi thường sẽ chọn đi theo Quốc lộ 32 qua Sơn Tây, cầu Trung Hà, Thu Cúc rồi rẽ vào Quốc lộ 37 đi Phù Yên, Bắc Yên với độ dài khoảng 220km.
Biển mây bao quanh bản làng, núi rừng Tà Xùa |
Ở đoạn cuối cùng từ thị trấn Bắc Yên lên Tà Xùa dài gần 20km cũng là ấn tượng nhất với các phượt thủ. Đây là đoạn đường nhiều khúc cua với độ dốc lớn, xuất hiện liên tục, đòi hỏi các tay lái phải có kỹ năng leo - đổ đèo tốt, làm chủ phương tiện của mình.
Đào rừng nở đỏ khoe sắc trong nắng xuân |
Sau một ngày mệt nhoài với những cung đường, khúc cua, du khách có thể chọn một số homestay để nghỉ qua đêm. Mọi người sẽ được phục vụ bữa cơm tối muộn nhưng rất ấm cúng với những người Mông chủ nhà vui tính. Mâm cơm với những món ăn dân dã như rau cải mèo, gà đồi, măng xào, canh chua, rượu nếp nương... Những homestay nằm ở trung tâm thị trấn Tà Xùa có view cực đẹp với giá bình dân.
Không gian hội chợ vùng cao được tổ chức trên đỉnh núi giữa mây mù |
Du khách muốn trải nghiệm khung cảnh mây trời vần vũ thì có thể dậy sớm để bắt đầu hành trình. Đứng từ trên đỉnh núi, một khung cảnh mờ mờ nhân ảnh hiện ra trong tầm mắt mọi người. Những biển mây bồng bềnh xa xăm đang vờn đùa, ôm ấp lấy rừng núi hoang vu.
Rồi cuối cùng, điều mọi người mong chờ nhất cũng đã xuất hiện: khoảnh khắc vầng mặt trời với ánh hào quang tỏa sáng dần dần nhô lên khỏi biển mây. Ai cũng muốn tranh thủ tìm cho mình một vị trí đẹp nhất để săn, bắt được khoảnh khắc tuyệt vời ấy.
Mâm cỗ được làm từ các sản vật địa phương được trình bày đẹp để dự thi |
Từ điểm ngắm mây ở trung tâm xã Tà Xùa, du khách có thể rẽ đi các ngả thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa như xã Háng Đồng, Làng Chếu, Sống Lưng Khủng Long để chiêm ngắm mây trời, cảnh vật. Cảnh sắc dần dần hiện ra với những bản làng của người Mông trong hơi sớm núi rừng.
Du khách cùng dân bản trải nghiệm giã bột làm bánh dày |
Chúng tôi lên Tà Xùa vào đúng vào dịp mùa xuân, nên mọi người còn rủ nhau đi ngắm hoa đào rừng. Ở đây, đào rừng thường bung nở từ Tết Nguyên đán cho đến tháng 3 âm lịch năm sau. Những cánh đào đỏ thắm khoe sắc cùng đất trời càng làm cho khung cảnh thêm hương vị mùa xuân.
Những cây đào rừng bung nở đỏ thắm giữa nắng xuân khiến cho khung cảnh cả một khu rừng thêm lộng lẫy, hùng vỹ và tràn đầy sức sống. Hoa đào đung đưa trong gió bên những bản Mông làm cho mọi người thêm vui tươi, yêu thương, trân quý nhau hơn.
Nắng lên cao, mấy thiếu nữ Mông ngồi trò chuyện, ngắm mây trời |
Cũng giống như nhiều vùng núi phía Bắc khác, làm chủ các đỉnh núi cao chót vót ở các thôn, bản, xã miền cao Tà Xùa là cộng đồng người Mông. Ở nhiều thôn bản, người Mông chiếm đến trên 95% dân số.
Người Mông ở Tà Xùa thường sống trong những căn nhà sàn cột bằng gỗ, lợp mái pro-xi măng. Cuộc sống của họ phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên, vào núi rừng. Nhiều người sáng sáng lại mang gùi vào rừng hái măng, kiếm củi. Một số khác rủ nhau lên nương chăm sóc mảnh ruộng trồng lúa, ngô, sắn của gia đình. Mấy năm trở lại đây, nhờ có nhiều du khách tới tham quan, nên một số người Mông đã biết mở thêm các dịch vụ để có thêm thu nhập bên cạnh nghề nông, nghề đi rừng truyền thống.
Phụ nữ Mông hái búp chè ở rừng chè cổ thụ để sao bán |
Người Mông ở đây vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Các thiếu nữ Mông thường được mẹ, bà truyền dạy cách thêu, may trang phục bằng thổ cẩm truyền thống. Bên hiên nhà, hình ảnh những người phụ nữ Mông ngồi bên máy khâu trang phục hay dùng đường kim mũi chỉ để thêu sản phẩm đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Đó trở thành nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt thường nhật để tôn lên vẻ nữ tính của người phụ nữ Mông.
Con gái Mông hay mặc trang phục truyền thống với chiếc váy xòe nhiều màu sắc để lên nương, đi chợ phiên, đi chơi... Những trang phục, vải vóc cùng một số nông sản của nhà “trồng” hay “sản xuất” được, ngoài việc tự cung tự cấp cho gia đình thì sẽ còn được mang ra các khu chợ phiên bán.
Những sản vật bản địa như khoai lang, táo mèo, gạo nếp… |
Đặc biệt ở bản Bẹ, xã Tà Xùa có một khu rừng chè cổ thụ (Shan tuyết) với hơn 200 gốc chè có tuổi đời 300 năm. Đây chính là nguồn nguyên liệu để bà con người Mông thu hái, sao chè thủ công đem bán tại chợ phiên, hội chợ và những sản phẩm tinh túy sẽ được đóng gói, bao bì xuất đi các tỉnh thành.
Vào dịp xuân vừa qua, ở Tà Xùa đã diễn ra hội chợ văn hóa - là nơi bà con, du khách đến trao đổi hàng hóa, giao lưu... Đây có thể xem là một trong những hội chợ được tổ chức ở nơi cao nhất Việt Nam.
Đàn ông Mông trình diễn kỹ thuật nấu rượu cổ truyền giữa sương mây |
Hội chợ bày bán những mặt hàng thủ công, vải vóc, nông sản vật bản địa của người dân vùng cao. Những gian hàng bán rau cải mèo, táo mèo, gạo nếp nương, vải tơ lụa thổ cẩm... luôn được nhiều du khách ghé thăm. Trong hội chợ, người Mông còn trình diễn kỹ thuật giã, làm bánh dày, cách nấu rượu cổ truyền...
Trong tiết trời lạnh lẽo, sương mây giăng mù mịt, được thử một ngụm rượu mới nấu, uống chén trà shan tuyết, hay ăn miếng bánh giày khiến ta ấm lòng.