Trong diễn văn khai mạc Hội chợ (diễn ra từ ngày 2/11-9/11/2022), bà Đoàn Thu Hà - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn trong năm 2021 đạt 4, 2 tỷ USD, tăng 52% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD, tăng 10,7%. Trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch XNK qua Lạng Sơn cũng đã đạt khoảng 2,5 tỷ USD.
Lạng Sơn có vị trí cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng. Để phát huy lợi thế này, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cửa khẩu, đấu nối đường bộ qua biên giới, kết nối vùng, khu vực để thúc đẩy giao thương, chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động.
Lạng Sơn 2022 là một hoạt động xúc tiến tiến thương mại định hướng xuất khẩu, do tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, với sự tham gia của 260 gian hàng thuộc 100 doanh nghiệp từ 40 tỉnh, thành của Việt Nam và Trung Quốc.
Các sản phẩm nông sản sạch được trưng bày tại hội chợ. |
Tham dự hội chợ, ông Trần Thanh Tâm - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang thông tin các sản phẩm chủ lực của An Giang như cá (thủy sản), gạo đã và đang xuất khẩu sang Trung Quốc qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tuy nhiên các doanh nghiệp của An Giang mong muốn tăng cường kết nối với các doanh nghiệp ở Lạng Sơn và Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của An Giang hơn nữa.
Ông Tâm cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng hóa sang Trung Quốc cũng cần phải chú trọng đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của thị trường Trung Quốc về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, bao bì, truy xuất nguồn gốc….
Ông Vi Thái Hảo - quản lý sản xuất Công ty XNK Đức Quý (Lạng Sơn) cho biết sản phẩm thạch đen xuất khẩu sang Trung Quốc có nhiều tiềm năng. Năm 2021 dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công ty vẫn xuất khẩu khoảng 1.000 tấn. Khó khăn hiện nay là Trung Quốc thực hiện chính sách zezo-covid, kiểm soát chặt chẽ cả người và hàng hóa để chống dịch, sau khi hàng xuất sang Trung Quốc vẫn phải nằm kho khoảng 30 ngày để thực hiện xong các thủ tục kiểm soát dịch bệnh mới được luân chuyển. Ông Hảo mong mỏi cơ quan chức năng Lạng Sơn và Trung ương đàm phán với phía bạn để tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc được thông suốt, thời gian lưu thông hàng hóa nhanh hơn.
Những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh Lạng Sơn tại hội chợ |
Chị Bùi Thúy Vần - chủ cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Nhưng Vần (tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: Cơ sở đang sản xuất sản phẩm tinh bột nghệ đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa. Tham gia hội chợ, ngoài mong muốn mở rộng thị trường tại Lạng Sơn và các tỉnh khác, chúng tôi mong muốn có thể xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc và các thị trường khác.
Tuy nhiên, chị Vần thừa nhận, những cơ sở kinh doanh mới thành lập chưa có nhiều kinh nghiệm thương trường như Nhưng Vần rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn lẫn các bộ, ngành liên quan mới có thể xuất khẩu hàng sang Trung Quốc và các quốc gia khác.