Nếu như Bắc bộ có bánh chưng là món bánh truyền thống lâu đời thì ở Nam bộ, bánh tét là món bánh không thể thiếu trong đời sống người dân dịp Tết đến xuân về. Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có rất nhiều làng bánh tét nổi tiếng ở các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang… Nhưng nhiều thực khách đều thừa nhận, không ở đâu lại có bánh tét ngon như ở Trà Cuôn (ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh).
Bà Kim Ruông, 70 tuổi - chủ một cơ sở làm bánh tét Trà Cuôn cho biết: "Làng bánh này có hơn 70 năm rồi và được duy trì theo phương thức 'cha truyền con nối', không có một tài liệu, sách vở nào hướng dẫn. Ban đầu, ấp Trà Cuôn chỉ có hơn 20 hộ làm bánh thì nay đã có gần 100 hộ tham gia. Hộ ít nhất cũng làm ra khoảng 50 đòn; hộ nhiều nhất từ 200 - 300 đòn bánh các loại. Từ đó, đời sống bà con tương đối ổn định, phát triển".
Bánh tét có nếp màu xanh lục, nhân thịt nạc, mỡ heo, trứng muối, đậu xanh của làng nghề Trà Cuôn. |
Theo bà Ruông, có 2 loại bánh chủ yếu là bánh có nếp 3 màu và bánh có nếp màu xanh lục. Tất cả đều có nhân là thịt nạc, mỡ heo, trứng muối, đậu xanh với bán từ 50.000 - 150.000đ/đòn, tùy bánh lớn hay nhỏ. Điều đặc biệt của bánh tét Trà Cuôn là bánh được bọc bên ngoài bằng lá chuối không nhiều, lại được quấn chặt bằng dây lát nên có trọng lượng khá nặng và độ chắc chắn hơn các loại bánh khác.
Do vậy, nếp làm bánh phải làm từ nếp Long An mới có được độ dẻo, độ xốp cần thiết. Đậu xanh phải được đãi vỏ nhiều lần trước khi trộn với thịt, mỡ heo để làm nhân. Riêng tôm khô phải sử dụng tôm đất có từ biển Trà Vinh mới có mùi vị thơm ngon và màu hồng đẹp mắt.
Phần làm trứng vịt muối cũng lắm kỳ công và phải muối đúng cách, đúng thời gian mới đạt chuẩn. Công đoạn khó nhất là việc "tạo màu" vào nếp nấu chín để có được những đòn bánh tét đẹp, bắt mắt, thơm ngon. Theo những người sành ăn, sau khi lột lớp lá ra, người dùng lấy sợi chỉ để cắt bánh thành từng khoanh để bánh không bị bung ra như dùng dao.
Riêng những ngày Tết, làng bánh tét Trà Cuôn cung ứng ra thị trường đến 4.000 đòn/ngày |
Hiện, mỗi ngày làng bánh tét Trà Cuôn cung ứng ra thị trường từ 1.200 - 1.500 đòn bánh các loại, riêng những ngày Tết con số này đã lên đến 4.000 đòn mỗi ngày. Thị trường tiêu thụ mạnh tại Hà Nội, Khánh Hòa, TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Người mua có thể đặt hàng qua điện thoại và được giao bánh miễn phí tận nơi (chỉ dành riêng cho khu vực ĐBSCL) với số tiền mua bánh trên 500.000đ.
Nét độc đáo của bánh tét Trà Cuôn là có thể bảo quản từ 25 - 30 ngày mà vẫn đảm bảo chất lượng, nên khá thuận lợi cho người mua bánh làm quà biếu tết cho người thân, nhất là những người ở xa.
Hiện, làng nghề Trà Cuôn đã và đang giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, nhất là người dân tộc Khmer tại ấp Trà Cuôn.
Tuy nhiên, có một vấn đề bức xúc đang diễn ra là việc xuất hiện nhiều "Đặc sản Trà Cuôn giả mạo" với giá bán thấp, chất lượng kém đã ảnh hưởng đến thương hiệu "Bánh tét Trà Cuôn" chân chính.
Bà Lý Ten - một nhân công làm bánh tét, cho biết: "Mỗi ngày tôi được trả 160.000đ, chồng tôi được 200.000đ đủ để lo cho 2 đứa con đang học ở Đại học Trà Vinh. Mình không biết chữ lại có đất đai gì đâu. Hơn 30 năm cũng nhờ làng nghề này mới sống được".
Cận Tết, về làng nghề bánh tét Trà Cuôn, mọi người dễ dàng nhận ra những khuôn mặt vui tươi phấn khởi của hàng trăm lao động, bởi vừa được giá, vừa tăng sản lượng và tất nhiên tiền công của họ cũng tăng lên khá cao.
Nhìn những đoàn xe tấp nập từ các địa phương quanh vùng dừng lại trước hàng chục gian hàng chuyên bán bánh tét Trà Cuôn để lựa chọn sản phẩm, chúng tôi hiểu, làng nghề này đã vững vàng vượt qua những khó khăn của biến động thị trường để vừa giữ vững được thương hiệu hàng chục năm qua, vừa tạo được cuộc sống ấm no trên vùng quê sâu còn nhiều gian khó.