Ngày 18/12, tại Hội nghị Xây dựng ngành công nghiệp nông nghiệp Việt Nam do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam - đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo lập môi trường pháp lý, chính sách đồng bộ thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) phát triển. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố để trong năm 2017, Việt Nam sẽ có một khu tổ hợp NNCNC đầu tiên.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào”, xu hướng chung gần đây GDP nông nghiệp Việt Nam đang giảm, tốc độ tăng năng suất đang chậm lại, trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng.
Để thay đổi xu hướng trên, nhiều chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam cần có cách làm khác, cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp bên cạnh phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
Thủ tướng mong muốn Việt Nam phải nỗ lực vươn lên đứng trong hàng ngũ các quốc gia phát triển nông nghiệp hàng đầu thế giới. Quy hoạch NNCNC cần phải đảm bảo mọi nông dân, mọi quy mô đều được khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, trong đó, nhất thiết phải có giải pháp để nâng cao chất lượng hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Sớm chuyển đổi mô hình hoạt động của 3,5 triệu hộ cá thể cùng với các DN nông nghiệp Việt Nam thì mới có thể xử lý được vấn đề trong nông nghiệp.
Đẩy mạnh phát triển NNCNC, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành trung ương nghiên cứu các thể chế, chính sách ưu đãi các khu tổ hợp NNCNC. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện chính sách đất đai cho phát triển NNCNC.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch công nghệ cao theo hướng mở hiệu quả bền vững, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất cho nông nghiệp để thực hiện chủ trương đưa DN vào nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp.
Riêng Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển cơ khí và khoa học trong nước nhằm giảm giá thành đầu tư cho thiết bị công nghiệp dành cho NNCNC; khuyến khích các siêu thị tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao song song với việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật về nhập khẩu nông sản để bảo vệ hàng trong nước.
Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện các chính sách chuyển giao công nghệ trong phát triển nông nghiệp, cơ chế quỹ phát triển quốc gia trong phát triển khoa học NNCNC và dành 2% ngân sách cho nghiên cứu phát triển. Ngân hàng Nhà nước cần ban hành chính sách tín dụng cho đầu tư NNCNC, hình thành quỹ phát triển NNCNC.
Song song đó, các ngân hàng nên thành lập các quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ phát triển nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) để xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất. Dù đã có gói tín dụng 50 - 60 nghìn tỷ đồng với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng cho DN, UBND các tỉnh, thành phố cần tạo mọi điều kiện, có chính sách khuyến khích phát triển NNCNC, thu hút các nhà khoa học, DN.
* Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:Cần tập trung tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng chọn hạt nhân là DN, doanh nhân, hợp tác xã. - Mục tiêu đề xuất năm 2016 - 2020 Việt Nam có 1 triệu DN và con số này chắc chắn sẽ đạt được, trong đó sẽ có những nhóm như DAA Việt Nam. 30 năm qua, Việt Nam từ một đất nước thiếu ăn đã sản xuất đủ lương thực, thực phẩm cho người dân và dành một phần xuất khẩu với doanh thu 30 tỷ USD. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ là chính, năng suất lao động thấp, sản xuất bấp bênh. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khiến không gian sản xuất bị thu hẹp, kiến trúc sản xuất cũng bị thay đổi, nông sản nhập khẩu đang là mối lo lớn. Do đó, muốn phát triển, phải tập trung tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng chọn hạt nhân là DN, doanh nhân, hợp tác xã... để hình thành ngành nông nghiệp tập trung. Hiện tại, những chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu đã được thực hiện, hình thành những DN đầu tàu để xây dựng một nền công nghiệp nông nghiệp. * Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch DAA Việt Nam: Mong muốn đưa công nghệ thông tin vào phát triển nông nghiệp. - Chúng tôi mong muốn đưa ra cách làm mới trong nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị. Cách làm mới này sẽ góp phần thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất truyền thống sang NNCNC, từ ngành có giá trị gia tăng và tốc độ tăng trưởng thấp sang ngành có giá trị vượt trội so với các ngành nông nghiệp truyền thống và hình thành một chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả, cạnh tranh cung cấp sản phẩm có chất lượng. * Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung: Kiến nghị Chính phủ cho phép mở rộng diện tích nuôi tôm. - Việt Nam với lợi thế bờ biển dài, khí hậu thuận lợi cho tôm phát triển và có diện tích ngập mặn lớn. Ngành tôm mang lại doanh thu 3 - 4 tỷ USD/năm và nếu phấn đấu có thể đạt được 10 tỷ USD/năm. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cho phép mở rộng diện tích nuôi tôm, phải đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ theo công nghệ cao song song với chính sách hỗ trợ để ngành nuôi tôm phát triển. * Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An Mỹ Bình: Chính Phủ nên có chính sách giao quyền sử dụng đất cho nông dân. - Các DN làm nông nghiệp đang bị vướng nhiều khâu, đặc biệt là đất đai. Muốn vay ngân hàng để đầu tư phát triển kinh doanh cũng rất khó, bởi theo quy định, chỉ khi có quyền sử dụng đất mới có thể thế chấp vay, còn tài sản trên đất thì không được ngân hàng chấp nhận. Vì vậy, tôi kiến nghị Chính phủ có chính sách giao quyền sử dụng đất cho nông dân, DN nhỏ và vừa để họ có cơ sở làm việc với đối tác. Điều quan trọng không kém là cần có những rào cản kỹ thuật để đối tác không làm khó DN trong nước. * Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải: Chúng tôi quyết định sẽ làm lúa. - Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể phát triển tiếp nếu không có mô hình công nghiệp trong nông nghiệp. Các DN thành công trong công nghiệp phải có trách nhiệm dấn thân vào nông nghiệp để tạo ra mô hình chuẩn trong sản xuất nông nghiệp. Đã dấn thân thì phải chọn cái khó để làm và tôi quyết định sẽ làm lúa. Chúng tôi nghiên cứu làm nông nghiệp không phải hoàn toàn từ nuôi trồng mà còn từ vận chuyển và thu hoạch, khâu này đang thất thoát và làm chất lượng xuống rất thấp. Công nghệ cao nằm ở tiêu chuẩn của sản phẩm, nếu nắm được tiêu chuẩn và có công nghệ phù hợp với thói quen canh tác, khí hậu Việt Nam thì sẽ thành công. |
>Nông nghiệp công nghệ cao sẽ có gói tín dụng 50-60 nghìn tỷ đồng
>5 tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao
>Hà Nội đầu tư gần 600 tỷ đồng vào nông nghiệp công nghệ cao