Dân số thế giới đang già đi nhanh chóng đã khiến nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng mạnh. Các chuyên gia trong lĩnh vực này đánh giá đây là một thị trường tiềm năng nhưng khó tính, đặt ra thách thức lẫn cơ hội cho những doanh nhân trong lĩnh vực này.
Dân số già nhanh - cơ hội làm giàu
Theo Pew Research Center – Trung tâm nghiên cứu kinh tế, xã hội toàn cầu - ước tính đến năm 2050, châu Á có 1,2 tỷ người trên 60 tuổi, tăng 166% so với năm 2012.
Tỷ lệ sinh thấp, dân số già khiến các nước như Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dân số trong độ tuổi lao động vào thập kỷ tới, theo báo cáo Moody’s – một trong ba công ty xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới. Theo đó, nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi trên thế giới nói chung và tại châu Á nói riêng sẽ tăng cao trong tương lai.
Singapore đã có nhiều chiến lược để kích thích tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển dịch vụ, sản phẩm chăm sóc người cao tuổi. Chính phủ ông Lý Hiển Long cũng xác định đây là lĩnh vực quan trọng trong kế hoạch xây dựng "Quốc gia thông minh” vào năm 2022.
Vào tháng 8 tới, Singapore sẽ ra mắt một chương trình có tên “Modern Aging” do US Enterprise và ACCESS Health International tổ chức, với mục đích thúc đẩy các doanh nhân tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới cho người già.
Các sản phẩm và dịch vụ này sẽ được sử dụng thử nghiệm tại Singapore trước khi giới thiệu rộng rãi ra thế giới. “Theo cách này, Modern Aging vừa giúp phát triển các doanh nghiệp mới, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo nên một tác động toàn cầu”, Lily Chan - Giám đốc điều hành của NUS Enterprise cho biết.
Thị trường màu mỡ nhưng khó tính
Access Health tin rằng, thị trường dành cho người già đang rất “khát” các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao. Lĩnh vực này cũng thu hút các nhà khởi nghiệp nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới.
Sản phẩm GlydeSafe hỗ trợ người già di chuyển |
Từ khi còn là sinh viên, doanh nhân người Singapore Serene Tan đã nhận thấy thị trường dành cho người cao tuổi còn rất tiềm năng. Sau đó, Serene Tan tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm GlydeSafe - bộ khung hỗ trợ người già tự đi lại. Thương hiệu này thuộc Công ty Sorgen với mục tiêu cung cấp các giải pháp thông minh, tiện lợi để chăm sóc sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống của người già.
Serene Tan chia sẻ với CNBC: "Việc chính phủ phải đối mặt với tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng chính là cơ hội để tôi phát triển thị trường, đẩy mạnh việc kinh doanh".
>>Thị trường cho người cao tuổi: Tiềm năng lớn
Tuy nhiên, việc phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Châu Á có những đòi hỏi đặc thù, tạo nên những bài toán khó cho các doanh nghiệp. Không giống như ở Mỹ hay châu Âu, người châu Á rất xem trọng gia đình. Vì thế, viện dưỡng lão không phải là nơi lý tưởng để phụng dưỡng và chăm sóc ông bà, cha mẹ.
Do đó, việc phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay tại nhà là một giải pháp cần thiết cho thị trường châu Á – bà Yorelle Kalika, CEO của Global Active Caregivers và là cố vấn của chương trình Modern Aging cho biết.
Công ty của Kalika đang cung cấp các sản phẩm giá rẻ cùng hàng ngàn nhân viên chăm sóc y tế tại 3 thị trường Trung Quốc, Singapore và Hong Kong. Bà Kalila cho biết, thị trường tại Châu Á tăng trưởng rất nhanh mang đến nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng rất khắt khe khi đòi hỏi chất lượng sản phẩm – dịch vụ cao, phù hợp với đặc thù văn hóa địa phương.
>Chuẩn bị nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi
>Thị trường bảo hiểm: Sự hấp dẫn của những người già
>Paris không dành cho người già