Danh nhân Lương Văn Can - một chí sĩ cách mạng, nhà giáo dục đầu thế kỷ XX là người đầu tiên có tư tưởng xây dựng đội ngũ nhà buôn có đủ thương đức, thương tài để cạnh tranh với giới tư bản các nước.
Tư tưởng về kinh thương ấy của danh nhân Lương Văn Can từ hơn thế kỷ trước nay vẫn còn nguyên giá trị, phù hợp với đạo lý của dân tộc Việt Nam cũng như tư duy kinh doanh của thời đại.
Ngày nay, đánh giá vị thế của một quốc gia trên trường quốc tế thì tiêu chí quan trọng là sức mạnh kinh tế. Và ngay từ đầu thế kỷ XX, khi nước ta đang bị thực dân Pháp đô hộ, Lương Văn Can đã sớm nhận ra chân lý, muốn đấu tranh giành quyền tự chủ thì trước hết phải mở mang dân trí, chấn hưng quốc gia, tự cường dân tộc bằng con đường làm giàu.
Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX còn mang nặng tư tưởng phong kiến, theo đường lối "bế quan, tỏa cảng", chủ trương đóng cửa đất nước. Những nhà nho yêu nước có tư tưởng cấp tiến luôn trăn trở tìm cách đưa đất nước thoát khỏi cảnh lạc hậu về kinh tế, bị đô hộ về chính trị. Tuy nhiên, hầu hết sĩ phu yêu nước giai đoạn này đều không thoát khỏi tư tưởng "sĩ, nông, công, thương", chọn con đường học hành để thành kẻ sĩ chứ ít người nghĩ đến việc làm thương nghiệp, cái nghề "xếp xó”, nấc thang cuối cùng trong xã hội.
Vào lúc các sĩ phu còn lúng túng, loay hoay tìm cách chấn hưng đất nước thì Lương Văn Can, một nhà nho có uy tín, đã nhận ra vấn đề cốt lõi: "Một đất nước muốn mạnh về quân sự, hiệu quả về chính trị cần có nền tảng vững vàng về kinh tế, mỗi gia đình, mỗi người dân đều sung túc, no đủ”. Muốn như thế phải xây dựng được đội ngũ thương nhân giỏi kỹ nghệ, thạo buôn bán, đạo đức kinh doanh đúng đắn để cạnh tranh với những thương nhân Tàu, Nhật, Pháp, Anh đang đổ bộ vào nước ta. Dần dần, tư tưởng của Cụ đã được tầng lớp trí thức công nhận và noi gương. Họ nhận ra, để xây dựng đất nước mạnh về chính trị thì người dân cần phải làm giàu trước tiên, khi đã có nền kinh tế vững vàng. Tinh thần chấn hưng thực nghiệp trên cho thấy ngay từ đầu thế kỷ XX, danh nhân Lương Văn Can đã xem trọng sự đóng góp của thương nghiệp đối với sự tự chủ, độc lập của quốc gia.
Cho đến tận bây giờ, khi nhìn lại, hậu thế vẫn không khỏi cảm phục tầm nhìn của cụ cử Can, người theo trường phái nho gia, một tầng lớp tưởng chừng cổ hủ, lạc hậu lại có tầm nhìn nhanh nhạy, tiến bộ với thời cuộc đến như vậy. "Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ buôn bán càng thịnh đạt, buôn bán thịnh thời trong nước giàu mạnh không biết đến đâu là cùng, buôn bán suy thời trong nước nghèo yếu không biết đâu mà kể, cứ xem cái trình độ buôn bán một nước nào cao hay thấp, rộng hay hẹp thời xét được dân nước ấy giàu hay nghèo, văn hay dã. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thế, ta há nên coi thường, xem khinh được sao", Lương Văn Can viết.
Cụ cử Can dạy: "Cổ nhân thường khinh sự buôn bán là mạt nghệ, bởi vì người đời xưa trọng đạo đức mà khinh công lợi... Bấy giờ, các đại quốc do thông thương mà làm được phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà phú gia địch quốc".
Làm giàu như thế nào? Trong bối cảnh đầu thế kỷ XX, khi giao thương, thương nghiệp của người Việt gần như chưa có gì, tất cả nằm trong tay những người ngoại quốc thì Lương Văn Can đã khởi xướng truyền bá đạo đức kinh doanh thông qua hai cuốn sách Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm.
"Ta không có thương phẩm, không có thương hiệu, không có chữ tín, không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao tiếp, không biết tiết kiệm và khinh hàng nội hóa". Đó là 10 điểm yếu trong buôn bán của nước ta mà Lương Văn Can đã chỉ ra. Những vấn đề này vẫn còn giá trị thời sự bởi rơi vào tình trạng đó thì năng lực cạnh tranh, sức mạnh của một nền kinh tế không còn.
Với doanh nghiệp, doanh nhân, Lương Văn Can cho rằng, làm kinh doanh là tạo ra lợi nhuận nhưng lợi nhuận đó không đi ngược với lợi ích cộng đồng. Cụ nêu triết lý: "Nhà buôn cần có đủ thương đức, thương tài mới cạnh tranh được với tư bản thế giới". Cho dù ở thời nào, sự gian dối, lọc lừa trong kinh doanh, không sớm thì muộn sẽ bị tẩy chay và loại khỏi thương trường.
Soi vào những vụ việc của một số doanh nghiệp gần đây, càng thấm thía giá trị tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can. Còn nhớ bài học của những thương hiệu mạnh nhưng sụp đổ nhanh chóng khi bị phát hiện sự gian dối, không rõ ràng trong kinh doanh.
Ngược lại, có nhiều thương hiệu chưa thật phổ biến nhưng khi tạo ra những sản phẩm, dịch vụ phục vụ xã hội, dù là lợi ích tức thời, mang tính thời điểm thì ngay lập tức tạo ra tiếng vang, được xã hội đón nhận, thậm chí được truyền thông quốc tế ca ngợi. Giai đoạn cả nước bước vào cuộc chiến cam go phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, có nhiều doanh nghiệp Việt đã làm được như vậy.
Tọa đàm về tư tưởng kinh doanh của danh nhân Lương Văn Can do Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức tháng 10/2020 |
Cách nay gần 100 năm, Lương Văn Can khuyên các nhà buôn cần biết dùng đồng tiền kiếm được để phục vụ xã hội. Nhìn lại cuộc đời của Cụ, có thể thấy đó là một minh chứng sống động: đồng tiền gia đình Cụ tích cóp từ việc kinh doanh đã quay lại với xã hội, góp phần vào những việc ích nước lợi dân, từ việc mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đến việc phát triển các tiệm, hỗ trợ phong trào Duy Tân và đúc rút, viết "đạo làm giàu" trao truyền cho hậu thế.
Triết lý kinh doanh của Lương Văn Can từ hơn 100 năm trước, nay gọi là "trách nhiệm xã hội" của doanh nghiệp, doanh nhân.
Bên cạnh lợi nhuận kinh doanh, mức đóng góp cho ngân sách, quy mô của doanh nghiệp còn được tính trên việc làm của người lao động, đóng góp cho hoạt động thiện nguyện, dùng lợi nhuận kinh doanh tái đầu tư cho xã hội, phục vụ lợi ích cộng đồng. Nhiều doanh nhân ngày nay thực hiện thêm vai trò của một diễn giả, vai trò của người viết sách, thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua trao truyền kiến thức, chia sẻ tri thức với thế hệ trẻ, với cộng đồng khởi nghiệp những kinh nghiệm từ thực tiễn kinh doanh của chính mình.
Năm 2020 đã qua đi, nền kinh tế toàn cầu đang bị xáo trộn vì đại dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh chung như vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, với tinh thần chủ động, nhanh nhạy, thích ứng thời cơ, càng phải thể hiện rõ vai trò tiên phong trên mặt trận kinh tế, góp phần vào thành quả chung thực hiện nhiệm vụ kép của đất nước trong năm 2020.