Có đến 99% giao dịch thương mại với đối tác tại Tây Phi, Trung Phi thông qua internet mà không gặp gỡ trực tiếp đều có khả năng bị lừa đảo. Đó là khẳng định của ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi - Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương)
Ông Lý Quốc Hùng - Ảnh: L.S. |
- Hầu hết các vụ lừa đảo thương mại tại châu Phi đều bắt nguồn từ giao dịch thương mại điện tử qua Internet. Qua kênh này, các đối tác “ma” thường đưa ra đề nghị hợp tác đầu tư, ký hợp đồng xuất nhập khẩu, gửi thông báo trúng thầu... có giá trị lên đến hàng triệu USD với các doanh nghiệp (DN) trong nước... Nếu DN nào không cẩn trọng sẽ bị dính bẫy lừa.
* Dựa vào đâu để khẳng định hầu hết các giao dịch thương mại qua Internet với thị trường này là lừa đảo, thưa ông?
- Phong cách kinh doanh của các đối tác châu Phi là gặp mặt và trao đổi trực tiếp, tận mắt nhìn thấy hàng hóa trước khi quyết định mua hàng. Hình thức giao dịch thông qua thương mại điện tử chưa phổ biến và cơ sở hạ tầng của các nước châu Phi cũng chưa đáp ứng được cho hoạt động thương mại điện tử. Nếu đối tác nào chỉ chấp nhận giao dịch thông qua Internet mà không gặp gỡ trực tiếp, nhiều khả năng là lừa đảo. Tôi khẳng định có đến 99% những trường hợp này là lừa đảo.
Chiêu lừa phổ biến thường được các đối tác “ma” áp dụng là yêu cầu phía DN VN trả trước những chi phí như: phí nhập khẩu, phí giao dịch, phí trúng thầu, phí bảo lãnh hợp đồng của Bộ Tư pháp, Tòa án tối cao... Khi nhận được các khoản phí này, đối tác “ma” mới bắt đầu lộ diện bằng cách cắt đứt liên lạc. Cũng có một số DN trong nước khi nhận hàng mới phát hiện trong các container chỉ chứa toàn đá và rác!
Đa số trường hợp lừa đảo mà DN trong nước đề nghị Bộ Công thương thẩm tra thường xuất phát từ các nước Tây Phi như Nigeria, Ghana, Benin, Bờ Biển Ngà, Togo, Senegal, Burkina Faso... và đều được thực hiện thông qua email, giao dịch qua các trang web thương mại điện tử, các trang mạng thông thường...
Ngoài việc vẽ ra những khoản lợi nhuận kếch xù, các công ty “ma” thường giả danh DN xuất nhập khẩu uy tín, lập website, cung cấp các giấy tờ chứng nhận DN, số điện thoại cố định, địa chỉ công ty... Tuy nhiên, tất cả thông tin trên đều giả mạo. Thậm chí, đối tượng lừa đảo còn núp dưới danh nghĩa các tổ chức thuộc chính phủ như: Niger Delta Development Commission (NDDC) hoặc phi chính phủ như Tổ chức Cứu trợ và phát triển kinh tế Tây Phi (EDSROWA), Tổ chức Niềm tin Hồi giáo Cameroon (IRC) để lừa đảo.
* Nếu muốn giao dịch thương mại, đầu tư qua thị trường này, DN phải làm gì để tránh nguy cơ bị lừa?
Một DN tại Hà Nội vừa nhận được đề nghị của một đối tác tại Togo có tên Federal Trade Commission về việc mua số lượng bột mì trị giá khoảng 12 triệu USD. Federal Trade Commission đã gửi thư điện tử mời DN sang Togo ký hợp đồng mua bán và nộp khoản phí 12.300 USD. Qua xác minh, Thương vụ Việt Nam tại Morocco cho biết không có tổ chức hoặc DN nào có tên và địa chỉ như đối tác Togo cung cấp. Tương tự, một DN kinh doanh nông sản tại TP.HCM nhận được đề nghị mua hàng của đối tác tại Cameroon, có giấy phép nhập khẩu do Bộ Phát triển công nghiệp và thương mại Cameroon cấp, kèm theo yêu cầu nộp lệ phí xin giấy phép nhập khẩu trị giá 1.000 euro. Tuy nhiên, qua tìm hiểu giấy phép nhập khẩu của đối tác tại Cameroon là giả mạo và cũng không có luật nào của Cameroon quy định việc xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này phải trả phí đăng ký 1.000 euro như đối tác thông báo. |
- Trước khi ký kết hợp đồng, DN cần yêu cầu đối tác cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu và địa chỉ ngân hàng nơi DN đó mở tài khoản. DN cũng nên thông qua Bộ Công thương và các cơ quan đại diện thương mại của VN tại nước sở tại để tiến hành thẩm tra.
Về phương thức thanh toán, DN xuất khẩu nên sử dụng hình thức xác nhận tín dụng hoặc bảo đảm của ngân hàng để phòng ngừa nguy cơ không thanh toán của người mua.
* Với những DN đang hoạt động thương mại và đầu tư tại thị trường này, theo ông, làm gì để tạo được sự bền vững, hiệu quả?
- Trước hết, các DN đang làm ăn tại thị trường cần liên kết chặt chẽ với nhau tạo nên một cộng đồng. Điều này sẽ giúp DN tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, cũng như thuận lợi cho việc thâm nhập thị trường trước sức ép ngày một lớn từ các đối thủ cạnh tranh đến từ các nước khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Bên cạnh đó, DN cần dần mở rộng quy mô tại thị trường, xem xét mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại thị trường và cử cán bộ có chuyên môn sang nắm địa bàn. Ngoài ra, DN cũng nên tích cực tham gia hội chợ thương mại tổ chức tại các nước, các đoàn xúc tiến thương mại do các bộ, ngành, hiệp hội tổ chức hoặc trực tiếp đi khảo sát tìm hiểu thị trường.