Trong khi không ít doanh nghiệp phải dừng hoặc giãn tiến độ xây dựng dự án thì vẫn có một số triển khai dự án mới để đón đầu thị trường.
Dự án Indochina Plaza Hanoi. |
Tâm lý bi quan tiếp tục bao trùm thị trường bất động sản khi ngân hàng vẫn thắt chặt cho vay, giao dịch nhà đất đóng băng, giá thuê văn phòng và trung tâm thương mại tụt giảm. Tuy nhiên, trong khi nhiều dự án phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng thì tại tổ hợp Indochina Plaza Hanoi, do Indochina Land làm chủ đầu tư, công việc xây dựng vẫn tiếp tục. Ông Michael Piro, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của Dự án, cho biết khu văn phòng và căn hộ sẽ bàn giao cho khách hàng vào cuối năm nay theo như kế hoạch, còn khu thương mại sẽ mở cửa vào đầu năm tới.
Công ty Cổ phần Vincom cũng đang duy trì tiến độ xây dựng các dự án bất động sản lớn ở Hà Nội như Royal City (quận Thanh Xuân), Times City (quận Hai Bài Trưng) và Vincom Village (quận Long Biên). Trong số này, tốc độ xây dựng tại Vincom Village là khẩn trương hơn cả. Chủ đầu tư dự kiến sẽ bàn giao khoảng 1.000 căn biệt thự và trung tâm thương mại 40.000 m2 cho khách hàng vào cuối năm nay.
Diễn biến tại các dự án trên cho thấy những doanh nghiệp đã gây dựng được tên tuổi, có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm vẫn đang xoay xở khá tốt trong bối cảnh thị trường ảm đạm.
Không chỉ duy trì tiến độ những dự án hiện có, một số doanh nghiệp như Bitexco còn khởi động những dự án mới. Tuy lâu nay chỉ tập trung vào những dự án bất động sản cao cấp ở trung tâm Hà Nội và TP.HCM nhưng mới đây, Bitexco đã khởi công Khu Đô thị The Manor Eco+ với hơn 400 căn biệt thự và 500 căn hộ tại một tỉnh miền núi xa xôi là Lào Cai. Doanh nghiệp này cũng đang chuẩn bị cho lễ khởi công tổ hợp căn hộ, khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê cao 55 tầng ở TP.HCM.
Hiện nay, việc khởi động những dự án mới hoặc tiếp tục xây dựng dự án cũ sẽ rất rủi ro, do doanh nghiệp dễ rơi vào cảnh ứ đọng hàng. Bên cạnh đó, còn chuyện làm sao để ngân hàng tiếp tục rót vốn cho các dự án bất động sản trước chủ trương siết chặt tín dụng bất động sản của Chính phủ. Theo tính toán của Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE Việt Nam, có ít nhất 20% dự án dự kiến hoàn thành trong năm nay sẽ chậm tiến độ vì chủ đầu tư thiếu vốn hoặc giãn tiến độ xây dựng.
Lý giải cho việc triển khai các dự án mới của Bitexco, ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn, cho rằng là một nhà đầu tư dẫn dắt thị trường, Bitexco không đợi cho thị trường hồi phục mới đầu tư. Ông cho biết, khi Bitexco bắt đầu kinh doanh Khu Căn hộ The Manor tại TP.HCM hơn 10 năm trước, ai cũng chê đắt vì giá căn hộ bằng với giá đất ở vị trí đẹp, người mua thì chưa quen với việc sinh sống trong một căn hộ cao cấp. Thế nhưng, dự án đã khá thành công. Sau khi chứng kiến sự thành công của Bitexco, nhiều doanh nghiệp mới bắt đầu bước chân vào lĩnh vực đầu tư bất động sản cao cấp. Ngoài ra, nhìn ở một góc độ khác, sự ảm đạm của thị trường hiện nay lại làm nổi bật những doanh nghiệp phát triển và kinh doanh dự án chuyên nghiệp.
Còn ông Piro, Indochina Land, thì nhận xét thị trường hiện nay đã thuộc về người mua. Họ không vội vã quyết định mua căn hộ trong một vài ngày như cách đây 2-3 năm, mà xem xét kỹ lưỡng việc mua bán hàng tuần liền. Thậm chí, khách hàng bây giờ còn yêu cầu chủ đầu tư chỉnh sửa thiết kế hoặc hợp đồng trước khi đặt bút ký, hoặc quan tâm đến những điều khoản trước đây họ thường bỏ qua như tiến độ giao nhà cũng như các vấn đề về quản lý chung cư sau này. Ông Piro gọi đây là “làn gió mới mẻ” khi giao dịch với lớp người mua mới này, vì chỉ những sản phẩm được thiết kế và xây dựng đáp ứng những yêu cầu khắt khe mới hấp dẫn được khách hàng. Đồng thời, việc tiếp thị và bán hàng của chủ đầu tư cũng phải khôn khéo hơn; họ không thể ngồi và đợi khách hàng đến ký hợp đồng như trước nữa.
Vì thế, dù thị trường khó khăn nhưng vẫn có những doanh nghiệp tiếp tục tiếp thị và kinh doanh, không lui về chờ thời. Ông Piro dẫn chứng, trong khi giao dịch trên thị trường bất động sản nói chung, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp hầu như bị tê liệt từ đầu năm đến nay thì Indochina Plaza Hanoi vẫn bán được hàng. Nếu như tính đến cuối năm ngoái, chủ đầu tư công bố đã đạt 65 triệu USD (hơn 1.350 tỉ đồng) doanh thu bán căn hộ từ dự án này thì đến cuối tháng 9 vừa qua, con số đó đã tăng lên 84 triệu USD (hơn 1.750 tỉ đồng). Ông Piro cũng cho biết, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quyết liệt trần lãi suất tiền gửi 14% thì dòng tiền đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường bất động sản.
Rõ ràng, những dự án căn hộ cao cấp có giá từ 2.600-3.000 USD/m2 (55-63 triệu đồng/m2) như Indochina Plaza Hanoi phải có sức hấp dẫn riêng mới có thể thu hút được khách hàng trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay. Còn Bitexco đã có những tính toán riêng dựa trên kinh nghiệm của mình khi quyết định khởi động những dự án mới. Ông Hội, Bitexco, cho biết, việc khởi động dự án The Manor Eco+ một phần là nhằm đón đầu xu hướng lãi suất đang có dấu hiệu hạ nhiệt, một phần là để khai thác thị trường Lào Cai vốn chưa có dự án đô thị hiện đại nào. Tuy nhiên, để hấp dẫn khách hàng ở vùng cửa khẩu giáp với Trung Quốc này, ngoài những tiện ích mà người dân sở tại chưa được hưởng, Bitexco còn đánh vào tâm lý ưa chuộng kinh doanh của họ cũng như tạo sự khác biệt khi thiết kế hơn 300 biệt thự có tầng trệt dành cho buôn bán.