Ký ức xóm Cồn

AN PHƯƠNG| 07/11/2017 09:48

Tôi có hai kỷ niệm buồn, rất buồn, một ở Huế, một ở Nha Trang trong mấy năm đầu hòa bình lang thang viết lách trong Nam ngoài Bắc.

Ký ức xóm Cồn

Tôi có hai kỷ niệm buồn, rất buồn, một ở Huế, một ở Nha Trang trong mấy năm đầu hòa bình lang thang viết lách trong Nam ngoài Bắc.  

Đọc E-paper

Đó là một chiều sông Hương mờ sương năm 1977, tiếng búa đập bỏ Giao đàn trên Đàn Nam Giao - là nơi diễn ra các lễ nghi chính trong lễ tế trời đất của các vua triều Nguyễn bỗng dội vào lòng dân Huế, dội vào tim tôi, dù trước đó tôi có nghe phong thanh chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên sẽ cho phá khu đàn tế trời 10ha này để triệt tàn dư mê tín dị đoan, bất chấp sự can ngăn của giới học giả, trí thức.

Đó là một buổi sáng cũng trong năm ấy, tiếng búa đập bỏ căn nhà của bác sĩ Alexandre John Emile Yersin dội vào lòng biển Nha Trang, dội vào nỗi đau mất mát của dân xóm Cồn, làm tôi bàng hoàng như thể nhà mình bị ai đó phá tan tành.

Sự kiện đập Đàn Nam Giao tôi đã đưa vào bút ký Nếu sông Hương vắng bóng con đò ngay trong năm đó với "tiếng thở dài" nhiều hơn phê phán, bởi thời ấy, những người từng là phóng viên chiến tranh không sợ bom đạn nhưng khi hết bom đạn lại ngại phê phán chính quyền vì có thể bị cho là sai quan điểm. Vậy mà mãi đến hôm nay, sau 40 năm ngôi nhà lưu dấu ân nhân của nhân loại - nhà bác học Yersin bị đập bỏ, tôi mới viết đôi dòng về ông, như một lời cáo lỗi...

Lần đầu Yersin đến Nha Trang là ngày 29/7/1891, khi đang làm bác sĩ trên một chiếc tàu vận tải tuyến Viễn Đông của Cộng hòa Pháp để có điều kiện thám hiểm những vùng đất lạ. Nhưng ông không dừng ở Nha Trang lâu mà tranh thủ đi dọc miền duyên hải đến Phan Rí, vượt qua một ngọn đèo cao 1.200 mét gần Di Linh. Từ Di Linh ông định băng rừng đến Sài Gòn tìm con đường bộ nối Nha Trang, nhưng không kịp chuyến tàu đi Hải Phòng nên đành quay về. Đó là chuyến thám hiểm Việt Nam đầu tên của Yersin.

Cuối năm 1895, Yersin trở lại Nha Trang để thành lập Chi nhánh Viện Pasteur Sài Gòn (trên đường Trần Phú ngày nay, năm 1904 đổi tên thành Viện Pasteur Nha Trang). Phong cảnh hữu tình với ba mặt núi, rừng lan vào tận những con phố với nhà cửa không hơn vùng thôn quê là mấy, bờ biển, cửa sông, các đảo trong lộng, tất cả xanh mướt một màu xanh nhiệt đới, lại thuận đường biển lẫn đường sông đã chinh phục Yersin, nên ông quyết định chọn Nha Trang làm quê hương thứ ba.

Vì thế mà năm sau ông mua lại cái bót canh hai tầng, sát mép biển, chỉ cách xóm Cồn một con đò ngang vài mươi sải nước, sửa sang thành ba tầng lầu vuông vắn, mỗi bề 7,5m, mỗi tầng có hành lang rộng bao bọc. Về sau, trên sân thượng, ông xây thêm một bệ tròn để đặt kính thiên văn. Yersin đã sống và làm việc trong ngôi nhà này 47 năm, từ năm 1896 đến 1943.

Xóm Cồn là cái cồn nổi giữa cửa sông Cái, từ cầu Hà Ra đến cầu Xóm Bóng, sau này thuộc phường Vĩnh Phước. Thời Yersin, dân cư xóm Cồn chưa nhiều nhưng đều là người nghèo tứ chiếng tụ họp đi biển, nuôi dê, đông nhất là từ Phú Yên, Quảng Ngãi vào. Dân xóm Cồn, rồi dân Nha Trang, dân Khánh Hòa gọi ngôi nhà của Yersin một cách thân mật là lầu Ông Năm.

>>“Con đường gốm” ở Huế

Theo nhà văn đương đại Pháp Patrick Deville - người viết tiểu thuyết đoạt giải Femine Yersin: Dịch hạch và thổ tả (Peste et Choléra) tái hiện hình ảnh Yersin trong khung cảnh Đông Dương đầu thế kỷ XX, dân xóm Cồn gọi ngôi nhà của Yersin như thế là do ông có cái lon năm vạch mạ vàng trên bộ đồng phục trắng khi còn làm bác sĩ trên tàu viễn dương, thỉnh thoảng lại mặc khi tiếp khách đến Nha Trang.
Mộ Yersin ở Suối Dầu

Trong quãng đời khác thường gần 50 năm ở cạnh xóm Cồn, nhà bác học Yersin đã để lại hơn 50 công trình nghiên cứu khoa học và thực nghiệm vì sức khỏe và sự sống của nhân loại, cả của động thực vật; đã tận tâm chữa trị, cứu giúp người nghèo khi ốm đau, lúc bị bão lụt, đặc biệt rất yêu và quan tâm đến trẻ em quanh vùng. Theo những người già xóm Cồn, lầu Ông Năm luôn rộng cửa cho bất cứ người dân nào cần đến sự giúp đỡ, luôn rộng cửa cho trẻ em vào đọc sách, xem tranh ảnh hay ngắm trăng sao qua kính thiên văn.

Ngôi nhà của nhà bác học thông thái các lĩnh vực y khoa, địa lý, thiên văn, kỹ thuật, nghệ thuật, nhà thám hiểm vĩ đại - người đầu tiên tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch và điều chế thành công huyết thanh điều trị căn bệnh này, người đầu tiên tìm ra độc tố bệnh bạch hầu, bệnh thổ tả, người di thực cây quinquina về Việt Nam trồng và chiết xuất chất quinine chữa bệnh sốt rét, người di thực cây cao su về Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, người thành lập Viện Pasteur Nha Trang, người sáng lập và là Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Hà Nội, "cụ tổ” của ngành y tế dự phòng Việt Nam, người khám phá cao nguyên Lâm Viên (còn gọi cao nguyên Lang Biang)... mà bị hậu thế đập bỏ thì quả là... lạ!

Nhưng mỗi lần nhớ về kỷ niệm buồn khi chứng kiến lầu Ông Năm bị phá hủy, khi chứng kiến hai cây ngô đồng cổ thụ trong sân lầu Ông Năm bị đào tận gốc trốc tận rễ, tôi lại nhũ lòng, thôi thì trách chi cái thời ấu trĩ ấy, cái thời mà ở Sài Gòn, những con đường như đường Alexandre De Rhodes, đường Calmette cũng bị đổi tên.

Sau này vào thăm Bảo tàng Yersin trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang, chiêm ngưỡng những đồ vật còn lại như những bài báo, những bức thư, máy phát tín hiệu morse, quả địa cầu, dụng cụ thí nghiệm, dụng cụ đo điện, chiếc kính thiên văn... của một con người thông kim bác cổ, người mở đầu trợ giúp cho các xứ nhược tiểu phát triển trồng trọt, chăn nuôi và y tế, đã phần nào làm vơi trong tôi nỗi trăn trở tại sao một bậc vĩ nhân như Yersin lại có thời bị cố tình "bỏ quên".

Sau 40 năm, vừa rồi tôi mới có dịp lần nữa viếng mộ Yersin trên một ngọn đồi nhỏ, dưới vòm cây xanh mát giữa Trại Chăn nuôi Suối Dầu thuộc Viện Pasteur Nha Trang ngày nay (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), cách Nha Trang 20km, không xa quốc lộ 1A. Vẫn là ngôi mộ hình chữ nhật cao hơn mặt đất khoảng 30cm ấy nhưng đã được tu bổ, phía đầu mộ có bia đá khắc vắn tắt công lao của ông đối với nhân loại, đối với Việt Nam, bên trái mộ có một am thờ như thờ người Việt, nghi ngút khói hương.

>>Sẽ là sai lầm lớn nếu lấy văn hóa làm 'chân ga'

Theo nhiều tài liệu viết về Yersin, 1 giờ ngày 1/3/1943, những giây phút cuối đời, Yersin âu yếm nhìn những người đứng chung quanh giường bệnh, nói hai tiếng "vĩnh biệt" rồi nhắm mắt. Khi hay tin ông mất, tất cả dân xóm Cồn đang đi biển liền trở về chịu tang ông. Ba ngày sau, lễ tang Yersin được cử hành.

Đông đảo người dân Khánh Hòa, từ ông già bà lão đến trẻ nhỏ xếp hàng dài 3km tiễn đưa ông đến Suối Dầu như nguyện vọng - nơi chính ông chọn để lập trại nuôi trâu, bò, lừa, ngựa, thỏ, chuột, trồng cây di thực phục vụ thực nghiệm khoa học. Người dân càng kính trọng ông khi biết trong di chúc, Yersin để lại toàn bộ tài sản cho Viện Pasteur Nha Trang, yêu cầu đám tang tổ chức thật đơn giản, không điếu văn, khi chôn cất, xin được nằm úp mặt, hai tay dang ra để được ôm trọn mảnh đất nặng tình nghĩa này.

Khu mộ Yersin đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Đó là niềm vui đối với những ai khâm phục và yêu mến ông.

Có một địa danh nữa ở Khánh Hòa gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Yersin, đó là Hòn Bà (còn gọi là Núi Chúa) cách Nha Trang 60km về hướng đông nam. Ngọn núi cao 1.578m so với mực nước biển này đã mê hoặc Yersin bởi cảnh quan và khí hậu sau 4 ngày đêm vừa đi thuyền lẫn leo núi để khám phá nó. Ông dùng số tiền có được từ các giải thưởng khoa học để mở con đường từ Suối Dầu lên đỉnh Hòn Bà 30km, đồng thời đưa một số loại thực vật và động vật thí nghiệm lên đây.

Ông cho xây một ngôi nhà bằng gỗ giống kiểu nhà bên Thụy Sĩ - nơi ông sinh ra và sống quãng đời niên thiếu, dù sau này đã nhập quốc tịch Pháp - để làm nơi ở mỗi khi lên đó. Dấu vết của những nghiên cứu khoa học từ 100 năm trước của Yersin trên đỉnh Hòn Bà vẫn còn nguyên vẹn như chưa hề có quãng thời gian một thế kỷ lướt qua đây.

Phù sa bồi đắp dần khiến xóm Cồn ngày nay có diện tích khoảng 21ha với gần 1.200 hộ, khoảng 6.000 nhân khẩu, cuối năm 2016 đã bị giải tỏa. Các gia đình ở xóm Cồn đã đưa bàn thờ Yersin về nơi định cư mới để thờ cúng, ngày 1/3 vừa qua vẫn giỗ ông như mọi năm.

Năm 1992, Khánh Hòa thành lập Hội Ái mộ A.Yersin, quy tụ hơn 700 hội viên là nhân sĩ, trí thức, một số dân xóm Cồn và kiều bào với mục tiêu tiếp bước sự nghiệp chăm sóc người nghèo và trẻ em của Yersin. Như vậy, dù ngôi nhà của Yersin cạnh xóm Cồn không còn nhưng ông không bao giờ lu mờ trong lịch sử nhân loại.

>>Nguy cơ va chạm văn hóa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ký ức xóm Cồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO