Chân dung

Kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024): Hành trình đầy gian khó... nhưng hạnh phúc

Nguyễn Cảnh Bình (*) 27/09/2024 8:30

Tôi viết những dòng chữ này hướng đến dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh bão Yagi vừa tàn phá miền Bắc. Cơn bão lớn nhất, gây thiệt hại nặng nề nhất với người miền Bắc hơn 30 năm qua.

nguyen-canh-binh-1.jpg
Chủ tịch Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình

Ngày 13/10/2004, ngày Doanh nhân Việt Nam ra đời đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước, và đó cũng là những ngày tháng chúng tôi thành lập Alpha Books.

Hành trình 20 năm nỗ lực không ngừng…

Thật không thể hình dung khi doanh nhân được chính thức công nhận trên đất nước Việt Nam này mới 20 năm nay. So với hành trình hàng ngàn năm của dân tộc thì chặng đường đó thật ngắn ngủi nhưng với những người khởi nghiệp như tôi lại thấy quá dài khi nhớ lại những biến động, vất vả, gian khó diễn ra trong suốt chặng đường. Hành trình 20 năm qua là chuỗi ngày dài đầy vất vả, thất bại tràn đầy, nhiều lần nản lòng nhưng cũng có những ngày tháng hạnh phúc và niềm vui - một bức tranh nhiều màu sắc phản ánh sự hy sinh, nỗ lực không ngừng nghỉ của mỗi doanh nhân trên mảnh đất này.

Nhưng khi nghĩ về những vất vả, những thăng trầm và cả bi kịch của doanh nhân Việt trong nhiều thế kỷ qua, tôi nhận thấy những gì chúng tôi đang gặp phải hôm nay chưa là gì so với những khó khăn mà các thế hệ doanh nhân Việt Nam đi trước đã gánh chịu và vượt qua để tồn tại… Từ quá khứ thăng trầm đó, từ một "địa vị" dường như không được xem trọng, thậm chí có những năm tháng bị đày ải, bị xem là "tội lỗi"... giờ đây, ít ra đến hôm nay những người doanh nhân cũng đã được công nhận, rồi có cả vinh danh và trở thành một lực lượng lao động quan trọng cho sự phát triển của quốc gia và dân tộc, thì phần nào đó tôi thấy phần nào được an ủi, lạc quan hơn vào tương lai. Trong suốt hành trình này, chúng ta chứng kiến hàng ngàn, hàng vạn doanh nhân phá sản và tù tội, dù hầu hết do lỗi lầm của họ nhưng khiến tôi không khỏi trăn trở về tương lai của doanh nhân Việt.

Hàng trăm năm trước, người Việt vẫn có quan niệm "sĩ, nông, công, thương". Rõ ràng là tầng lớp thương nhân thời xưa chưa được xã hội xemtrọng, khi thương nhân được xếp cuối cùng trong 4 ngành nghề phổ biến. Trong nhiều năm trời, tư duy sĩ, nông, công, thương đó đã cản trở và ràng buộc chúng ta, cản trở và ràng buộc dân tộc, khiến đất nước lâm vào cảnh nghèo nàn và lạc hậu.

Khi người Pháp sang, những doanh nhân bản địa như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà xuất hiện đầu tiên, họ chắc hẳn là những người rất ái quốc, những người mong muốn mảnh đất chữ S có sự thịnh vượng và hiện đại. Từ bé, tôi đã đọc được nhiều câu chuyện về những con người như vậy, cả những thương gia, doanh nhân hy sinh cho cách mạng, hiến tặng tài sản cho đất nước.

Trải qua nhiều năm tháng, không ít thế hệ doanh nhân Việt gặp những biến động và thăng trầm, thậm chí phải gánh chịu cả bi kịch. Thời bao cấp và kế hoạch hóa, đất nước chúng ta không có doanh nhân, bởi làm sao có được trong cái bối cảnh và khuôn khổ ràng buộc chật chội đấy, khi không ai được phép thuê quá 5 lao động và việc thuê mướn, buôn bán bị coi là bóc lột con người?

Khi đọc lịch sử, tôi thấy những con người có tố chất kinh doanh, có năng lực, biết xoay sở kiếm tìm hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ cho xã hội mà lại bị kìm hãm, bị cản trở mới kinh khủng thế nào. Tôi thấu hiểu nỗi khổ của họ khi không được sống với tài năng và mong muốn cống hiến sức lực của mình làm giàu cho xã hội.

Trong nhiều năm trời, tư duy sĩ, nông, công, thương đã cản trở ràng buộc khiến đất nước lâm vào cảnh nghèo nàn và lạc hậu.

Kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, vai trò của doanh nhân đã được Chính phủ cũng như người dân nhìn nhận tích cực hơn, dù vẫn có một số cá nhân, tổ chức vẫn cho rằng doanh nhân là những ông bà chủ chỉ biết bóc lột sức lực của người lao động để làm giàu cho bản thân và gia đình. Nhưng dù bị xem thường như thế, tôi vẫn tin rằng sứ mệnh của doanh nhân không chỉ là kiếm tiền cho bản thân, cho gia đình mà còn hơn thế.

nguyen-canh-binh-2.jpg

Doanh nhân tài ba, quốc gia hưng thịnh

Nhiều năm trước, tôi xem đi xem lại một bộ phim truyền cảm hứng về những doanh nhân vĩ đại người Mỹ, đó là The Men Who Build America - những con người đã xây dựng nước Mỹ. Họ, những người xây dựng nước Mỹ không chỉ gồm những chính trị gia, không chỉ là những nhà soạn thảo hiến pháp và lập quốc như George Washington, Thomas Jeffferson, James Madison… mà còn là những doanh nhân với sứ mệnh, trách nhiệm lớn lao đối với dân tộc Mỹ.

Đó là các doanh nhân như JP Morgan, Andrew Carnegie, Rockefeller, Henry Ford và nhiều người khác đã có những đóng góp to lớn cho việc xây dựng, kiến tạo nước Mỹ. Nhờ họ, chúng ta có nhiều bài học về giá trị và địa vị của doanh nhân và chúng tôi cũng được truyền cảm hứng từ họ. Không phải là Andrew Carnegie đã tài trợ và sáng lập hàng ngàn thư viện trên toàn nước Mỹ đấy sao? Không phải là Rockeffeler đã tài trợ các trường đại học, các viện nghiên cứu y học hàng đầu của nước Mỹ đấy sao? Và rồi, gần đây, chúng ta nhìn thấy bao nhiêu doanh nhân Mỹ đang tiếp tục cống hiến tài sản cho các quỹ từ thiện và cho những mục tiêu lớn lao của nhân loại.

Không chỉ vậy, trong thế kỷ 21 hiện đại này, chúng ta chứng kiến, khâm phục và cả được hưởng lợi, được học tập, được truyền cảm hứng từ những tinh thần khai phá, tinh thần miền Biên cương của người Mỹ trong tư duy và hành động của thế hệ doanh nhân Mỹ hiện đại: Đó là Bill Gates, Steve Job, khi phát minh ra các phần mềm Window, diện thoại iPhone cho cả thế giới sử dụng, và gần hơn nữa, chính là những nhân vật như Mark Zukerberg tạo ra mạng xã hội lớn nhất của loài người, nhờ đó chúng ta kết nối với nhau, hay như Elon Musk vẫn với tinh thần tiên phong, đang nỗ lực phát triển xe điện Telsa, hệ thống vệ sinh StarLink và rồi có thể biết đâu, Elon sẽ giúp loài người bước đầu định cư trên sao hỏa như ông mơ ước.

Tại Việt Nam, chính những doanh nhân trong 30 năm đổi mới và 20 năm qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo của đất nước khi làm ra hàng hóa, vật chất, những ngôi nhà... và cả giúp người Việt kết nối mạng Internet, để gần như mọi người Việt đóng góp vào việc phát triển, thương mại, đưa hàng hóa, nông sản, giầy dép, đồ gỗ... của Việt Nam đi ra thế giới. Hàng ngàn phần mềm đang được cài đặt trong các thiết bị của thế giới, rồi cả trong chiếc máy bay Boeing do những chuyên viên lập trình FPT viết, những chiếc điện thoại trên thế giới có một phần công sức của người lao động Việt Nam… Tất cả những điều đó chính là nhờ nỗ lực, trí tuệ nhưng trên hết là sự bền bỉ của doanh nhân Việt.

nguyen-canh-binh-3.jpg
Ông Nguyễn Cảnh Bình trong một buổi ký kết hợp tác với các doanh nghiệp

Tôi không nói rằng tất cả những người giàu có đều tử tế, đều tuyệt vời, bởi xã hội có không ít những kẻ tham lam, lừa đảo, cũng như doanh nhân chúng ta ngày hôm nay cũng có người này người khác, nhưng chắc chắn những kẻ như thế chỉ là số ít. Thực tế chúng ta thấy vẫn còn rất nhiều những nhà buôn, những doanh nhân tử tế, sống có trách nhiệm và có đạo đức, họ nuôi dưỡng và bảo trợ người lao động, chăm sóc và cưu mang người nghèo.

Tôi hoàn toàn tin rằng, một quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng phải có đội ngũ doanh nhân giỏi giang, biết làm giàu. Bên cạnh đó, một quốc gia muốn có nền kinh tế độc lập và hùng mạnh phải cho phép công dân được kiếm tiền và làm giàu một cách chính đáng.

Dấu mốc quan trọng trên hành trình phụng sự

Tại Việt Nam, tháng 10/2004, Báo Doanh Nhân Sài Gòn (nay Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn) đã cùng chung tay với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với cộng đồng doanh nhân Việt, sử gia nỗ lực vận động Chính phủ chọn ngày 13/10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam, công nhận chính thức vai trò của doanh nhân trong xã hội.

Thật tình cờ, đúng vào thời điểm đó, tháng 10/2004, tôi đặt chiếc bàn làm việc đầu tiên trong một căn phòng nhỏ trên đường Tô Hiến Thành, Hà Nội, khởi đầu cho dự án xuất bản sách mà rồi chỉ vài tháng sau trở thành Alpha Books của hôm nay. Khi đó, tôi mong muốn sẽ mang lại tri thức, kinh nghiệm của doanh nhân, doanh nghiệp hàng đầu thế giới về cho doanh nhân Việt, giúp họ có công cụ, có tư duy, có phương pháp khởi nghiệp, điều hành, kinh doanh, và phát triển sản phẩm. Tôi cũng mơ ước ngày nào đó, doanh nhân Việt sẽ viết ra các cuốn sách của chính mình.

Tôi chia sẻ những suy nghĩ này với các doanh nhân cả nước và mong rằng sẽ có nhiều người đồng cảm với tôi. Chúng ta hãy cùng nhau sát cánh trong hành trình dấn thân và hành động, để suy nghĩ về những vấn đề lớn lao hơn, kiến tạo những tổ chức - doanh nghiệp mới, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho mục tiêu xây dựng một xã hội ngày càng phồn thịnh và nhân bản hơn.

Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha Books

Sau 20 năm, ước mơ đã trở thành hiện thực khi hàng trăm doanh nhân Việt đã, đang truyền lại kinh nghiệm của mình cho các thế hệ doanh nhân sau này.

Một lần nữa, thực tế chứng minh rằng những doanh nhân chúng ta không có mong muốn nào khác ngoài việc được tự chủ trong kinh doanh, được làm giàu tử tế, đàng hoàng. Nhưng đó là hành trình dài tranh đấu, không phải chỉ là hơn 70 năm qua, mà thậm chí là vài trăm năm qua, các thế hệ doanh nhân Việt Nam đã vượt qua những rào cản, những hạn chế của xã hội để trả lời câu hỏi địa vị của chúng ta đang ở đâu trong xã hội này? Liệu chúng ta chỉ làm giàu cho chúng ta, hay cho xã hội, hay xa hơn, hướng đến một xã hội hiện đại và thịnh vượng?

Kể từ năm 1986 bắt đầu chính sách đổi mới tức là gần 40 năm qua và 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, rõ ràng rằng những thành tích, sự phát triển của đất nước có công lao rất rất lớn của các thế hệ doanh nhân. Giờ, tôi tin rằng, một lần nữa, họ sẵn sàng đứng lên... Giờ đây, khi Việt Nam đang thực sự trở thành một “Rising Star”, một quốc gia đang vươn mình lớn dậy để “sánh vai với các cường quốc năm châu”, khi các cường quốc thế giới đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện với chúng ta. Đó là một cơ hội lớn cho doanh nhân Việt Nam có khả năng kết nối với công nghệ và trí tuệ nhân tạo hầu như không có giới hạn nào để tiếp cận một thị trường toàn cầu. Doanh nhân Việt thực sự có cơ hội vươn mình lớn dậy.

Những doanh nhân trẻ, có trí tuệ, bản lĩnh được kỳ vọng sẽ bổ sung thêm những giá trị văn hóa mới, có tính toàn cầu hơn vào những giá trị văn hóa truyền thống để định hình nên bộ nhận diện văn hóa kinh doanh bền vững, có bản sắc của Việt Nam và đưa sản phẩm, hàng hóa Việt Nam ra thế giới nhiều hơn.

nguyen-canhbinh4.jpg
Ông Nguyễn Cảnh Bình trong buổi khai trương Read Station - Trạm Đọc đầu tiên tại TP.HCM

Nhưng cùng với đó cũng là những nỗi lo âu khi chúng tôi mong muốn những không gian pháp lý và bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, minh bạch hóa và cho doanh nhân, tư nhân tham gia sâu rộng hơn vào những lĩnh vực của nền kinh tế, tạo cơ chế hợp tác công - tư (TPP), để doanh nhân Việt Nam có vị thế vững vàng hơn, chắc chắn hơn…

Kỳ vọng vào gen Z, thế hệ doanh nhân của tương lai về văn hoá kinh doanh, thúc đẩy vai trò của những doanh nghiệp, doanh nhân trẻ trong việc phát triển văn hóa kinh doanh, cần tạo không gian mở rộng hơn nữa cho thế hệ trẻ, đặt niềm tin nhiều hơn cho giới trẻ, kèm với đó là sự chuyên nghiệp hơn. Họ hướng nhiều hơn đến những giá trị bình đẳng và phát triển bền vững. Họ cũng dành thời gian, công sức, chi phí cho việc phát triển văn hoá doanh nghiệp nhiều hơn so với các thế hệ trước. Đặc biệt, họ tập trung mạnh vào những ngành nghề, lĩnh vực tương đối tiên phong để có thể mang lại những đổi mới, sáng tạo.

Rõ ràng rằng, thương nhân/doanh nhân là một trong lực lượng, là một trong những động lực lớn lao làm giàu cho đất nước. Vì thế, tôi mong Chính phủ và Nhà nước hãy mạnh dạn hơn nữa trao cho doanh nhân Việt sứ mệnh lớn lao hơn: Cùng Chính phủ, cùng Nhà nước kiến tạo tương lai tươi sáng cho Việt Nam.

(*) Chủ tịch Alpha Books

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024): Hành trình đầy gian khó... nhưng hạnh phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO