Từ học đến ứng dụng

Ý NHI| 28/08/2009 08:30

Học Khoa Kiến trúc ở ĐH Tổng hợp Tokyo, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa là sinh viên VN đầu tiên được nhận giải thưởng “Dean of The University of Tokyo 2005”...

Từ học đến ứng dụng

Học Khoa Kiến trúc ở Đại học (ĐH) Tổng hợp Tokyo, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa là sinh viên VN đầu tiên được nhận giải thưởng “Dean of The University of Tokyo 2005” - giải thưởng cao quý ở Nhật năm học 2004-2005.

Trước đó, anh từng nhận giải Vàng cuộc thi thiết kế nhà do Tập đoàn Suzuki tổ chức, giải Đồ án xuất sắc nhất Khoa Kiến trúc Trường Ishikawa College of Technology và ĐH Công nghiệp Nagoya... Về nước, anh tiếp tục nhận nhiều giải thưởng trong và ngoài nước về thiết kế, kiến trúc. Thành quả này được Nghĩa chia sẻ thật đơn giản: “Chịu khó luyện sâu một lĩnh vực mình đam mê sẽ giỏi”.

Quê ở Quảng Bình, nhà nghèo, Nghĩa chỉ có một con đường duy nhất để thoát nghèo, đó là học. Vừa kéo xe bò thuê, lên núi chặt củi đổi gạo, làm ruộng, Nghĩa vừa học. Tự luyện thi, vậy mà Nghĩa đậu cùng lúc ba trường: ĐH Xây dựng, ĐH Bách khoa, ĐH Kiến trúc (ngành xây dựng) Hà Nội. Năm đầu tiên, 1996, học ĐH Kiến trúc, Nghĩa đạt kết quả hạng ưu và được nhận học bổng du học toàn phần của Nhật.

Những ngày đầu qua Nhật, trong khi bạn bè đóng cửa học tiếng bản xứ thì Nghĩa lang thang khắp nơi. Anh nói: “Cách học ngoại ngữ nhanh nhất là hòa vào cuộc sống của người dân bản địa”. Rong ruổi hết thành phố này đến thành phố khác, không chỉ học rất nhanh tiếng Nhật, mà Nghĩa còn hiểu rộng và sâu về văn hóa, xã hội cũng như con người Nhật Bản.

Lần đầu tiên được học tập trong một môi trường giáo dục mở và hiện đại, đặc biệt có một thư viện rộng lớn với hàng trăm ngàn cuốn sách, Nghĩa như bị mê hoặc bởi khối kiến thức khổng lồ. Anh đọc rất nhiều sách, không chỉ sách chuyên ngành mà cả sách thuộc nhiều lĩnh vực khác. Nghĩa nói: “Cách giảng dạy của giảng viên người Nhật khác hẳn cách giảng dạy ở VN, họ không dạy những gì có trong sách vở mà dạy cho sinh viên cách tư duy, rèn luyện tính độc lập trong suy nghĩ và khuyến khích sáng tạo.

Vì vậy, phải đọc và nghiên cứu thật nhiều sách vở. Các buổi học giống như buổi nói chuyện và có cảm giác là thầy không dạy gì cả, nhưng thực ra lại dạy rất nhiều. Nhiều sinh viên thấy đề tài không ăn nhập với bài giảng, cho là mất thời gian nên ít quan tâm. Trong khi đó, Nghĩa thực hiện lời khuyên của thầy một cách tuyệt đối. Mỗi cuốn sách Nghĩa phải đọc trong sáu tháng và nhận ra: “Từ học đến ứng dụng thành công những điều đã học, phải am hiểu nhiều lĩnh vực”.

Ít có mặt trên giảng đường, nhưng kỳ thi nào Nghĩa cũng đạt điểm cao và nhận nhiều giải thưởng. Phương pháp học của anh là tuân thủ tuyệt đối những gì thầy yêu cầu, đọc sách thật nhiều và dành thời gian học việc ở các xưởng thiết kế, quan sát các công trình kiến trúc để nghiền ngẫm. Cứ biết được ông thầy nào giỏi là Nghĩa lại tìm cách tới học việc, xin việc làm thêm. Nghĩa nói: “Ban đầu ít ai để ý đến mình, nhưng cứ vẽ, cứ nhờ người ta xem, rồi sửa cho hoàn chỉnh. Cứ lì như vậy, tôi thực hiện hết bản thiết kế này đến bản thiết kế khác, đến khi nào được khen mới thôi”. Khối lượng kiến thức tăng dần khi Nghĩa tiếp tục học lấy bằng tiến sĩ và nhiều dự án của anh được giới trong ngành đánh giá cao.

Nói thêm về cách học, Nghĩa cho biết: “Phương pháp đào tạo ở Nhật thường chuyên sâu một vấn đề. Chẳng hạn, chỉ cần nghiên cứu làm sao cho một chiếc cần gạt xe điện bớt kêu là cũng có thể tốt nghiệp. Tuy nhiên, cách đào tạo này chỉ giúp người học thành thạo một chuyên môn, còn nếu muốn biết thêm nhiều lĩnh vực khác thì phải tự học, tự nghiên cứu rất nhiều”.

Nghĩa thường nhắc đến Giáo sư Naito Hiroshi, người thầy tại ĐH Bách khoa Tokyo đã dạy cho anh không chỉ chuyên môn, mà còn luôn khuyến khích anh học thêm thật nhiều lĩnh vực, tự do sáng tạo và đòi hỏi anh phải tìm tòi những ý tưởng kiến trúc mới lạ và nhân văn hơn. Các dự án thiết kế của anh được giải thưởng gồm: “Ảnh hưởng của mái nhà đến sự thông gió trong kiến trúc Hội An”, “Đô thị của gió và ánh sáng”, “Cà phê gió và nước” ở Bình Dương...

Đặc biệt, dự án mới nhất “Nhà hàng tiệc cưới ở số 87 Lý Chiêu Hoàng, Q.6” dự kiến trình làng vào tháng 9 này gồm 6 tầng, không gian phía trên được thiết kế bằng tầm vông dài 17m mà không sử dụng cột ở giữa. Toàn bộ khối nhà được thiết kế như một hộp đèn khổng lồ nhờ hiệu ứng ánh sáng hắt từ những song tre đặt trên mặt nước, tạo cho khách cảm giác như đang đi giữa những vòm tầm vông tỏa rộng, trong một không gian thiên nhiên mát lạnh...

Khi bắt anh nghiên cứu về kết cấu, vật liệu tầm vông, khí động học để tạo sự thông gió, thầy nói: “Đây là những kiến thức rất cần thiết, nhất là trong điều kiện khí hậu VN nắng nóng và có ưu thế về vật liệu mây, tre, tầm vông...”. Nghĩa chia sẻ: “Tâm nguyện của tôi khi thực hiện dự án này là làm sao ứng dụng kiến thức học được vào cuộc sống và mang dự án lại gần hơn với những người có thu nhập trung bình. Do vậy, một nhà hàng đám cưới được thiết kế độc đáo, hoành tráng không thua những khách sạn sang trọng, nhưng giá cả lại vừa phải”. Và trên hết, tâm nguyện ấy xuất phát từ động cơ “Học để ứng dụng và để làm ra những sản phẩm có ích cho cộng đồng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ học đến ứng dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO