Triệu phú tự thân tuổi 30: Lập ngân sách chi tiêu là cách tiết kiệm kém hiệu quả nhất

Khởi Vũ| 28/01/2022 04:00

Theo các chuyên gia tài chính cá nhân, việc lập ngân sách chi tiêu một cách tỉ mỉ thực ra không giúp bạn tiết kiệm hiệu quả cho lắm.

Triệu phú tự thân tuổi 30: Lập ngân sách chi tiêu là cách tiết kiệm kém hiệu quả nhất

Ở tuổi 30, Grant Sabatier đã trở thành triệu phú tự thân nhờ những bí quyết tiết kiệm đúng đắn và gia tăng thu nhập hiệu quả. Sabatier là nhà sáng lập của cổng thông tin Millennial Money và tác giả cuốn sách Financial Freedom: A Proven Path to All the Money You Will Ever Need, hiện sở hữu khối tài sản hơn 1 triệu USD.

Từng thất nghiệp, không xu dính túi và nhiều tuần liền gần như thức trắng để ngẫm nghĩ cách "thoát nghèo", Sabatier tin rằng, phần lớn mọi người đều có thể ít nhiều cải thiện thu nhập cũng như tiết kiệm hiệu quả hơn nhờ phương pháp của anh. 

Được biết, "cú tát" tỉnh thức đến với Sabatier vào năm 2010, khi anh phải dọn về sống với bố mẹ sau thời gian nhảy việc liên tiếp và bị sa thải vì nền kinh tế trong cơn suy thoái. "Tôi chỉ còn đúng 2,26 USD trong tài khoản ngân hàng, thậm chí không đủ để mua một phần guacamole ăn kèm bữa trưa nữa", Sabatier nhớ lại.

Quyết tâm thay đổi, Sabatier đặt mục tiêu tiết kiệm bằng được 1 triệu USD và nghỉ hưu sớm nhất có thể. Để cải thiện thu nhập, anh từng có thời gian làm thêm tới 13 nghề khác nhau, từ kinh doanh tên miền website cho đến mua bán xe, bên cạnh công việc marketing với mức lương khởi điểm 50.000 USD/năm.

Đồng thời, anh cũng nỗ lực tiết kiệm khoảng 80% số tiền kiếm được để đầu tư vào thị trường, và dần dần nâng mức thu nhập của bản thân lên đến hơn 300.000 USD/năm. Kết quả, Sabatier đã hoàn thành mục tiêu chỉ sau 5 năm, với số tiền tích lũy hơn 1,2 triệu USD. 

Link bài viết

Và, bí quyết của Sabatier nằm ở việc cắt giảm tối đa các khoản chi lớn, thay vì tỉ mỉ lập ngân sách tiết kiệm để rồi khiến bản thân không khỏi bận tâm trước những khoản mua sắm vụn vặt khó tránh như uống cà phê hay tiệc tùng với bạn bè. 

Trả lời CNBC, Sabatier chia sẻ: "Ngân sách chi tiêu là phương án kém hiệu quả nhất. Trên thực tế, tôi cho rằng, ngân sách chi tiêu là yếu tố lớn nhất đang kìm hãm quá trình tiết kiệm và kiếm tiền của hầu hết chúng ta".

Bởi vì, trọng tâm của việc lập ngân sách chi tiêu nhìn chung hướng người ta đến lối sống "thắt lưng buộc bụng", và khiến họ luôn phải suy nghĩ xem bản thân có thể cắt giảm hay từ bỏ những gì. Theo Sabatier, những khoản chi vụn vặt để xả stress sau giờ làm việc thực sự không đáng là bao, trong khi "chính những điều nhỏ nhặt ấy lại là thứ thường khiến cho chúng ta hạnh phúc nhất".

Thay vào đó, chàng triệu phú tự thân khuyên mọi người nên tập trung vào việc giảm tối đa số tiền dành cho 3 khoản chi lớn là nhà cửa, đi lại và thức ăn. Bởi vì "chúng mới thực sự là các khoản chi có tác động mạnh mẽ nhất đến số tiền tiết kiệm của bạn, chứ không phải là những chầu cà phê hay hội họp bạn bè mà người ta vẫn khuyên nên cắt giảm đâu", Sabatier chia sẻ.

Minh chứng cho lời khuyên của mình, Sabatier cho biết, để tích lũy được 1 triệu USD, anh đã chuyển từ căn hộ với giá thuê 1.500 USD/tháng sang nơi ở mới chỉ tốn 700 USD. Trong 3 năm, quyết định này đã giúp anh tiết kiệm được thêm 28.800 USD. Và, nếu đầu tư số tiền này, nó hoàn toàn có thể tăng lên gần 175.000 USD sau 30 năm, với lợi suất 6%, hoặc hơn 300.000 USD với lợi suất 8%.

"Đó là một số tiền khổng lồ đến từ một quyết định hết sức đơn giản là chuyển từ một căn hộ tốt sang nơi nhỏ hơn tại một khu dân cư khác", Sabatier nói. Thêm vào đó, khi duy trì chi phí nhà cửa, đi lại và thức ăn ở mức thấp nhất có thể, bạn sẽ có đủ tiền dành cho những khoản mua sắm nhỏ nhặt, vốn mang lại hạnh phúc cho bản thân.

Nhiều chuyên gia tài chính khác như Ramit Sethi cũng đồng tình với Sabatier. Cả hai đều cho rằng, việc lập ngân sách chi tiêu như cách mà hầu hết mọi người vẫn làm từ trước đến nay không phải là phương án tiết kiệm hiệu quả nhất.

Thay vì cắt giảm hết tất cả các khoản mua sắm, Sethi khuyên hãy tư duy theo hướng khác, tập trung vào việc cải thiện thu nhập hơn là chỉ luôn o ép bản thân. "Bạn chỉ có thể giảm chi tiêu tới một mức độ nhất định mà thôi, song bạn muốn kiếm bao nhiêu cũng được", Sethi nói.

Dù lựa chọn cách nào đi nữa, mấu chốt vẫn nằm ở việc phát hiện và duy trì phương án phù hợp nhất với bản thân bạn. Ý tưởng cốt lõi đằng sau việc lập ngân sách là "tìm ra một sự cân bằng giữa tiết kiệm và chi tiêu, sao cho bản thân bạn cảm thấy hạnh phúc nhất với mỗi đồng tiền kiếm được", Sabatier nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triệu phú tự thân tuổi 30: Lập ngân sách chi tiêu là cách tiết kiệm kém hiệu quả nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO