“Kho báu” từ sếp

QUÁCH THIỆN TOÀN| 05/02/2010 07:00

Khi bước chân vào môi trường công sở, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp, và quan trọng không kém chính là học từ những người quản lý.

“Kho báu” từ sếp

Học tập và trau dồi tri thức là một hành trình không có điểm dừng. Nếu như ở nhà trường, có thể học từ sách vở và thầy cô, bạn bè thì khi bước chân vào môi trường công sở, chúng ta cũng có thể học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp, và quan trọng không kém chính là học từ những người quản lý.

Lý thuyết khác xa thực tiễn

Ngày nay, nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học, thậm chí loại ưu, sau một thời gian làm việc, đều nhận ra là giữa kiến thức học từ nhà trường và công việc thực tế hoàn toàn khác nhau. Chính khi đó, chúng ta chợt nhận ra việc hướng dẫn và dìu dắt từ cấp lãnh đạo trực tiếp là vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ để chúng ta có thể tích lũy kinh nghiệm từng ngày.

Theo chị Cáp Thị Minh Trang, bộ phận tư vấn nhân sự NhanViet Management Group, để có được vị trí ở cấp độ quản lý, các sếp đã phải trải qua quá trình làm việc, học tập lâu dài. Vì thế, sẽ có rất nhiều điều không có trong sách vở hoặc bất kỳ tài liệu nghiên cứu nào ở sếp mà bạn có thể học được.

Các sinh viên mới ra trường thường hay lúng túng trước những tình huống phức tạp trong công việc và không biết phải giải quyết thế nào cho hợp lý. Nếu là người giỏi quan sát, bạn sẽ có thể nhanh chóng học được điều này từ lãnh đạo của mình. Chị Trang đưa ra lời khuyên: “Hãy lắng nghe cách mà sếp trao đổi, nói chuyện với khách hàng và nhân viên. Hãy tâp trung theo dõi cách sếp điều hành một cuộc họp và đàm phán với đối tác, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy những kỹ năng tinh tế được tích lũy qua nhiều năm làm việc của sếp. Đây là công cụ vô cùng quan trọng trong giao tiếp và giải quyết vấn đề.”

Quan sát và cóp nhặt

Bên cạnh những kiến thức thực tế được sếp truyền đạt trực tiếp, hằng ngày các bạn trẻ có rất nhiều cơ hội để được trò chuyện và quan sát lãnh đạo công ty xử lý công việc: Từ cách cư xử với nhân viên, đến cách tư duy và ra quyết định nhanh và chính xác.

Theo chị Trần Thị Kim Loan, phụ trách chính chương trình Hội tụ tài năng Việt được tổ chức hằng năm nhằm tuyển dụng tài năng trẻ cho các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, một trong những điều có thể học tập được từ sếp thông qua việc quan sát tác phong làm việc.

Đây là một trong những yếu tố phản ánh được khá chính xác và rõ nét cấp độ cũng như năng lực của mỗi cá nhân. Mỗi sếp sẽ có tác phong làm việc khác nhau. Sự khác biệt này xuất phát từ tính cách, lĩnh vực chuyên môn và môi trường đào tạo. Vì vậy, chị Loan cho biết: “Các bạn trẻ đừng quá ngạc nhiên khi thấy trưởng phòng kinh doanh vô cùng năng động, trong khi kế toán trưởng lại rất trầm và kín tiếng. Với mỗi công việc sẽ hình thành tương ứng dạng người phù hợp. Vấn đề được đặt ra là phải biết lựa chọn những cái hay và thích hợp để học hỏi”.

Học sếp để thành sếp

Người thông thạo sẽ biết cách tìm kiếm và tập hợp những cái hay của mỗi nơi để làm thành cái riêng. Điều này sẽ giúp tiến bộ nhanh chóng và phát triển không ngừng trong sự nghiệp. Phụ trách điều hành một trung tâm đào tạo trợ lý tổng giám đốc tại TP.HCM, anh Loan Văn Sơn cho biết: “Đã có nhiều trường hợp, các trợ lý tổng giám đốc sau thời gian dài cùng đồng hành hỗ trợ cho các sếp đã có đủ kinh nghiệm và tầm nhìn để đảm đương công việc điều hành trực tiếp thông qua các vị trí quản lý.”

Học từ sếp là một trong những phương pháp học nhanh và hiệu quả mà ai cũng có thể áp dụng trong công việc hằng ngày. Có đôi khi, sếp có thể không giỏi về chuyên môn nhưng vẫn có rất nhiều điều hay đáng học tập. Với một tầm nhìn chiến lược và nhiều kinh nghiệm được tích lũy qua bao thăng trầm trong công việc và cuộc sống, chắc chắn đây chính là một trong những kho tàng kiến thức quý giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Kho báu” từ sếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO