![]() |
Liên kết đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề với doanh nghiệp (DN) là giải pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho DN, mang lại lợi ích cho cả 3 phía: Nhà trường, người học và DN. Tuy nhiên, sự liên kết này vẫn chưa thật chặt chẽ, còn nặng tính hình thức và do vậy chưa đem lại hiệu quả thực sự.
Nhu cầu lớn
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tại Hội thảo quốc gia về Đào tạo nhân lực công nghệ cao theo nhu cầu xã hội do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào trung tuần tháng 4/2009, Việt Nam đang được đánh giá cao về nguồn nhân lực trẻ và nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao vì thế đang là nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực cho sự phát triển toàn diện của đất nước, trong đó có khoa học công nghệ. Điều này đã tạo nên rào cản rất lớn.
![]() |
Bà Florance Marioranjtham, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Panasonic Việt Nam cho biết: “Trong năm 2010, công ty sẽ đưa vào hoạt động nhà máy với tổng kinh phí đầu tư 1 tỷ USD, nhu cầu về công nhân lao động sẽ là trên 4.000 người, chủ yếu là kỹ sư, trong đó 3.000 người thuộc các ngành: điện, điện tử, cơ khí; nguồn cung chủ yếu là tuyển dụng trực tiếp từ các trường đại học trong nước. Thế nhưng dù đã có chương trình tuyển dụng từ rất sớm, công ty vẫn gặp nhiều khó khăn do không đủ lực lượng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, trong đó khả năng ngoại ngữ của sinh viên là điểm yếu nhất. Mà đây là một trong những kỹ năng quan trọng khi làm việc tại Panasonic”.
Ông Võ Quang Huệ - Tổng giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng nhân lực có tay nghề cao, có thể thích ứng ngay công việc tại các DN rất lớn. Tuy nhiên, thực tế rất ít sinh viên đáp ứng được nhu cầu này. Hầu hết DN khi tuyển dụng xong vẫn phải đào tạo lại, vì sinh viên chỉ được trang bị lý thuyết. Cụ thể, Robert Bosch Việt Nam cần tuyển khoảng 800 công nhân, nhưng chỉ mới tuyển được 50 người làm việc cho dự án cơ khí chính xác trị giá 55 triệu euro (khoảng 1.336 tỉ đồng) tại khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai), và sau đó phải đưa 15 người đi tu nghiệp tại Hà Lan với kinh phí đào tạo khoảng 30.000 - 40.000 đô la Mỹ/người. Mặt khác, chúng tôi cũng đưa các chuyên gia từ châu Âu sang nhà máy để đào tạo tại chỗ cho công nhân. Tóm lại, để đảm bảo các tiêu chí sản xuất công nghệ cao, chúng tôi phải có kế hoạch đào tạo lại sau tuyển dụng nên chi phí rất tốn kém”.
Từ đầu năm đến nay, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nhận gần 100 đơn đặt hàng của các DN ngành chế biến lâm - thủy sản, kinh doanh nông nghiệp, cơ khí nông lâm... Nhà trường đã tuyển sinh cả theo nguyện vọng 2, 3 nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu. Nhiều công ty chế biến xuất khẩu gỗ, thủy sản ở TP.HCM phải "đặt hàng" nhà trường đào tạo với giá cao, nhưng thực tế, nguồn nhân lực này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu làm việc tại DN.
Theo kế hoạch phát triển nhân sự, đến năm 2015, Công ty cổ phần phần mềm FPT sẽ đạt 35.000 nhân viên, Công ty Hệ thống thông tin FPT đạt 4.000 nhân viên và Trường Đại học FPT có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo đáp ứng được tối thiểu 50% nhu cầu nhân lực cho hai công ty nói trên.
Nhưng hợp tác chưa sâu
Để tự giải quyết những khó khăn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khá nhiều DN đã tự “cứu mình” bằng cách chủ động liên kết đào tạo với các trường ĐH, cao đẳng, dạy nghề. Có thể kể: Ngân hàng Western Bank và Công ty Serenco đã phối hợp với Trường ĐH Hùng Vương cho ra đời chương trình hợp tác đào tạo ngành tài chính ngân hàng, tạo điều kiện cho sinh viên khi bước vào môi trường làm việc thực tế không còn bỡ ngỡ, và sau khi tốt nghiệp có thể bắt tay vào việc ngay mà không cần qua thời gian học việc hoặc thử việc.
Tương tự, tháng 4/2009, Công ty FIDECO, Ngân hàng Đông Á, Công ty May thêu giày An Phước cũng đã ký kết hợp tác đào tạo theo nhu cầu với Trường Đại học Lao động - Xã hội (cơ sở II). Công ty cổ phần Tôn Hoa Sen cũng ký biên bản hợp tác chiến lược với Khoa Kinh tế Trường ĐH Quốc gia TP.HCM, sẵn sàng nhận giảng viên, nghiên cứu sinh làm đề tài thực tiễn liên quan đến công ty, nhưng phải đảm bảo một số yêu cầu về chất lượng tính thực tiễn của đề tài. Theo đó, các nghiên cứu sinh sẽ được cấp vài trăm ngàn USD/năm cho các hoạt động nghiên cứu.
Ông Nguyễn Minh Chánh - Giám đốc nội vụ Tôn Hoa Sen cho biết: “Đầu tư vào nhân lực là một trong những chiến lược phát triển của DN. Do đó nhiều năm qua, công ty đã liên kết đào tạo với Trường ĐH Quốc gia TP.HCM và sẵn sàng hợp tác với nhiều trường khác. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi lo ngại vẫn là chất lượng đào tạo của ĐH trong nước hiện nay còn nhiều bất cập, nặng lý thuyết và xa rời thực tế, khó có được những nghiên cứu thiết thực đóng góp cho DN.
Đơn cử, nhiều sinh viên CNTT nhưng khi DN triển khai hệ thống quản lý ERP thì không ứng dụng được; hoặc sinh viên tốt nghiệp tài chính kế toán nhưng những vấn đề về tài chính, phân tích thị trường, chứng khoán, xây dựng chính sách lương... hầu như chẳng ai làm được.
Một lo ngại khác là sinh viên khi thực tập, kiến tập, đa phần đều học ngành không thuộc lĩnh vực công ty cần tuyển dụng. Một số em chỉ thực tập cho có chứ chưa định hướng làm việc tại công ty nên thiếu tập trung, hời hợt. Phần nhà trường thì xây dựng chương trình thực tập quá ngắn nên kết quả chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”.
Cùng lo ngại với Tôn Hoa Sen, ông Võ Quang Huệ cũng chia sẻ: “Từ nay đến hết năm 2014, Bosch Việt Nam cũng dành 45.000 euro cho chương trình hợp tác đào tạo kỹ thuật ngành ô tô với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng bằng hình thức đóng góp thiết bị, công cụ chẩn đoán kỹ thuật ô tô; đào tạo miễn phí cho 6 giảng viên của trường nhằm giúp họ có khả năng đào tạo sinh viên theo chương trình, nội dung và phương pháp của Bosch.
Chương trình sẽ đào tạo ít nhất 200 sinh viên mỗi năm. Các học viên hoàn thành khóa học phải đậu kỳ thi về kỹ thuật ô tô để nhận chứng chỉ do Bosch và trường cấp, và được thực tập tại công ty. Tuy nhiên, với một số thiết bị mà Bosch hoặc bất cứ DN nào hỗ trợ cho các trường cũng chưa thể giải quyết hết những khó khăn, thiếu thốn về thiết bị kỹ thuật, công nghệ mà các trường nghề đang gặp phải. Nhất là việc chuyển giao công nghệ mới cho đào tạo càng khó thực hiện do kinh phí quá lớn. Vì vậy, chất lượng đào tạo cũng phần nào bị hạn chế”.
Thực tế cho thấy, dù đã liên kết nhưng việc đào tạo hiện nay của các trường vẫn chủ yếu dựa vào điều kiện có sẵn, chưa gắn với nhu cầu của DN. Ông Nguyễn Minh Chánh khẳng định: “Các liên kết đào tạo nhân lực cao tại VN vẫn chủ yếu là liên kết phần ngọn, mang tính ngắn hạn, nhỏ lẻ. Thực tế, các trường và DN vẫn chưa “thân thiện”, chưa thấy được lợi ích của sự hợp tác và rất lúng túng trong việc xây dựng giáo trình giảng dạy.
Cụ thể, một số trường hợp tác đào tạo với Tôn Hoa Sen nhưng vẫn không có chuyển biến mạnh về đào tạo để đáp ứng nhu cầu của chúng tôi. Chương trình đào tạo tuy có cải tiến nhưng chưa đổi mới nhiều và chưa sát thực tế. Mặc dù các trường đã giữ đúng cam kết cung cấp những sinh viên khá và giỏi, nhưng trong hai năm liên kết, chúng tôi chỉ tuyển được vài chục sinh viên, và đa phần khi tuyển về vẫn phải đào tạo và chọn lọc lại”.
Về phía nhà trường, ông Trần Quốc Việt - Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế Trường Đại học Lao động - Xã hội (cơ sở 2) cũng thừa nhận: “Dù thời gian qua, trường chúng tôi đã ký một số hợp đồng đào tạo với DN, nhưng hầu hết mối quan hệ giữa nhà trường và DN hiện vẫn chỉ là hình thức, nhiều điều khoản liên kết vẫn chủ yếu trên giấy, nhà trường chưa chủ động phối hợp đào tạo với DN, chưa có hỗ trợ gì cụ thể cho DN. Đơn cử, việc mời DN nói chuyện chuyên đề với sinh viên cũng chỉ thực hiện khi cần chứ không có kế hoạch, ngay cả việc gửi sinh viên đi thực tập tại các DN cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên để quản lý chất lượng thực tập”.
Để liên kết hiệu quả
Nhằm giải quyết tình trạng đào tạo không đáp ứng yêu cầu, giải pháp mà các DN đang thực hiện là liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các nhà giáo dục cho rằng, đào tạo chỉ để phục vụ cho một vài DN không phải là giải pháp căn cơ, chỉ là chắp vá. VN nên học hỏi, chọn lọc các mô hình hợp tác liên kết đào tạo từ các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ireland... Các trường ĐH ở những nước này đều hợp tác rất tích cực với DN trong việc chuyển giao công nghệ, cơ sở vật chất, triển khai các dự án hợp tác chuyên ngành, thành lập các trung tâm nghiên cứu để tạo điều kiện cho sinh viên vào học tập, nghiên cứu và phát huy sáng tạo, sáng kiến.
Ông Huệ cũng đưa ra kiến nghị: “Nhà trường phải tăng thời gian thực tập cho sinh viên nhiều hơn nữa, và các tiết thực hành phải xen kẽ với lý thuyết chứ không dạy dồn 3 tháng thực tập một lần. Tại các trường dạy nghề ở Đức có đến 3 - 4 ngày học và thực hành tại nhà máy, chỉ hai ngày còn lại trong tuần học ở trường. Mặt khác, ngoài việc truyền đạt kiến thức và công nghệ, cũng cần dạy sinh viên phương pháp làm việc “kỹ thuật và kỷ luật” để đạt được hiệu quả cao nhất”.
Ông Quốc Việt cũng kiến nghị: “Nhà nước cần tăng cường việc đánh giá kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo, đặc biệt chú trọng yếu tố chất lượng đào tạo ngoài (sau khi tốt nghiệp); nên để nhà trường chủ động nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi, kể cả từ nước ngoài. Nên có cơ chế mở cho các trường được tự chủ”.
Ý KIẾN CỦA BẠN