Chất xám doanh nghiệp: Hợp hợp, tan tan

LỮ Ý NHI| 25/02/2010 09:44

Không chỉ mạnh tay thuê nhân sự nước ngoài về làm việc, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã có những chính sách và chế độ ưu đãi để thu hút nhân sự cao cấp đang làm việc ở các công ty nước ngoài.

Chất xám doanh nghiệp: Hợp hợp, tan tan

Không chỉ mạnh tay thuê nhân sự nước ngoài về làm việc, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã có những chính sách và chế độ ưu đãi để thu hút nhân sự cao cấp đang làm việc ở các công ty nước ngoài. Cũng đã có sự chảy ngược chất xám từ ngoại về nội, nhưng để giữ được nguồn chất xám này là điều không dễ....

Chất xám chảy xuôi

Lê Trung Thành rời khỏi công ty nước ngoài về đầu quân về làm CEO cho Nuti Food và sau đó là FPT

Đang làm Giám đốc marketing khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Tập đoàn Nước giải khát Quốc tế Pepsi, năm 2006, Trần Bảo Minh xin từ chức về làm Phó tổng giám đốc kinh doanh và marketing tại Vinamilk với mức lương chưa bằng một phần tư mức lương tại Pepsi. Chọn lựa này của anh không ngoài tâm nguyện muốn đem những kinh nghiệm của mình từ các công ty đa quốc gia về tạo ra một luồng gió mới cho các doanh nghiệp trong nước.

Một chuyên gia kiểm toán của PriceWaterhouseCooper cũng vừa từ chối mức lương hơn 1.000USD cộng chiếc ghế giám đốc điều hành để trở thành giám đốc tài chính của một doanh nghiệp nội địa có vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Khi anh ra đi, Tổng giám đốc PriceWaterhouseCooper Việt Nam đề nghị tăng lương để níu anh ở lại, nhưng không thành...

Những chuyện như vậy bây giờ không phải hiếm. Nếu cách đây 5 năm, người ta còn lo ngại hiện tượng chất xám đổ về các công ty nước ngoài, thì hiện nay đang có chiều hướng ngược lại và ưu thế của các công ty trong nước không phải là nhỏ. Nói về quyết định bất ngờ khi rời chức Phó tổng giám đốc PepsiCo để đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc cho Nutifood và bây giờ đầu quân về làm Phó tổng giám đốc FPT phụ trách thương hiệu và marketing, Lê Trung Thành cũng có thêm mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, nắm bắt cơ hội để làm chủ môi trường kinh doanh, làm chủ bản thân và hoàn thiện mình.

Từng có thâm niên 16 năm làm việc tại các ngân hàng nước ngoài như Citibank, Calyon, Credit Lyonnais (Pháp), Hàn Ngọc Vũ cũng đã đầu quân về Ngân hàng Quốc tế VIB với chức Tổng giám đốc với lý lẽ: “Các doanh nghiệp trong nước đang tăng lên rất nhanh với nhiều cơ hội để trải nghiệm những thách thức mới mẻ”...

Phải nói rằng, việc đầu quân của các nhân sự cao cấp về các doanh nghiệp trong nước đã tạo ra một luồng gió mới, thay đổi chiến lược hoạt động và mang lại hiệu quả đáng kể cho các doanh nghiệp này. Ở Vinamilk, nhiệm vụ mà Trần Bảo Minh được giao là xây dựng hình ảnh thương hiệu. Với việc liên tục đưa ra những ý tưởng mới, Vinamilk đã thay đổi “luật chơi” của thị trường sữa Việt Nam, khiến các doanh nghiệp trong ngành khó lòng ứng phó nhanh.

Trong bài phân tích về Vinamilk, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận xét: “Sau công cuộc cải tổ thương hiệu một cách toàn diện và các chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ, đặc biệt là cho các nhãn hàng sữa tươi, năm 2007, cuộc cách mạng marketing của Vinamilk đã đạt được thành công khi tạo ra hình ảnh tươi mới cho các nhãn hàng chính. Người tiêu dùng ấn tượng mạnh với nhãn hiệu mới “sữa tươi tiệt trùng 100%” có sự khác biệt rõ ràng so với các nhãn hiệu sữa tươi khác”.

Đường “về nhà” chông gai

Còn nhớ, một phó tổng giám đốc nhân sự một công ty nước ngoài vừa đầu quân về một doanh nghiệp trong nước đã hồ hởi: “Vài tuần nữa tôi sẽ đảm nhận vai trò giám đốc nhân sự. Ở đó, tôi sẽ áp dụng những kiến thức về lĩnh vực nhân sự phục vụ cho doanh nghiệp với những ý tưởng hoàn toàn mới”. Tuy nhiên, chỉ hơn nửa năm, cuộc chia tay đã diễn ra do “ý tưởng mới" của vị giám đốc nhân sự này không được HĐQT chấp thuận.

Tương tự, Lê Trung Thành, thời gian giữ chức Tổng giám đốc Nutifood và sau đó là CEO cho Công ty cổ phần Hàng gia dụng Quốc tế ICP, đã đưa ra nhiều chiến lược cải tổ và định hướng nhiều chiến lược hoạt động mới, đặc biệt thực hiện thành công thương vụ M&A cho ICP, đưa ICP bước chân vào lĩnh vực thực phẩm với tiềm năng thị trường 30.000 tỷ đồng/năm, nhưng rồi anh cũng cảm thấy “đường về nhà” có nhiều chông gai bởi các công ty trong nước chưa phát triển đồng bộ, chưa có chiến lược bài bản như các công ty nước ngoài, dù anh đã dành nhiều thời gian để thích nghi, điều chỉnh, kết hợp hài hòa giữa cái cũ và mới.

Trong khi đó, trải thảm đỏ đón Thành về, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Thành Nam có mục đích: "Trong chiến lược Go mass của FPT, việc xây dựng thương hiệu và mạng lưới phân phối được xác định là then chốt. Đây là hai sở trường của Lê Trung Thành. FPT kỳ vọng Thành sẽ cùng với anh em biến FPT thành một biểu tượng thành công về sản phẩm công nghệ, chính sách thương hiệu mới sẽ mang đến một bộ mặt khác cho FPT: bình dân, thân thiện hơn, nhưng vẫn giữ nguyên chất hài hước và sáng tạo. Hơn nữa, FPT tin rằng, nếu Thành thành công, FPT sẽ có thể tập hợp được nhiều nhân tài hơn nữa, tạo điều kiện cho họ thỏa sức vẫy vùng".

Theo ông Trần Bảo Minh: “Các công ty Việt Nam dù chưa có điều kiện làm việc chuẩn vẫn có thể thu hút và giữ nhân tài. Bởi vì, trong một sân chơi chung, các doanh nghiệp cũng phải tiến tới việc chuẩn hóa. Vì vậy, xây dựng đội ngũ mạnh mới thực sự là cuộc cách mạng ở các doanh nghiệp trong nước”. Chính vì quan điểm đó mà khi về Vinamilk, Trần Bảo Minh đã đưa ra nhiều chính sách lương, thưởng, công tác phí... đãi ngộ xứng đáng cho người tài, các giám đốc phải có xe hơi riêng, có mức lương bằng hoặc hơn so với các công ty đa quốc gia. Cũng chính điều này, không ít người cho rằng, việc ông Minh rời Vinamilk là tất yếu, vì với mức lương và các ưu đãi cho các cán bộ cấp cao trong một mặt bằng chung như hiện nay ở một doanh nghiệp trong nước là khó chấp nhận. Và một khi hố sâu càng lớn, thì khó có tiếng nói chung.

Bà Trần Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood, thừa nhận, 80% nhân tài của thế hệ 7X đã từng được đào tạo, đảm trách những vị trí trọng yếu trong các công ty đa quốc gia và cả nhân sự là người nước ngoài đã đổ về Nutifood. Và chính đội ngũ này đã giúp Công ty có một chiến lược marketing xây dựng thương hiệu liên thông giữa các mặt hàng sữa mang lại lợi nhuận cao cho các ngành hàng. Song, bà Lệ khẳng định: “Sẽ không có bất cứ một giải pháp tối ưu nào nếu không có kế hoạch phát triển đồng bộ của cả hệ thống. Thu hút nhân tài không có nghĩa là nuôi dưỡng được tài năng. Làm thế nào để người tài làm việc hiệu quả, phát huy năng lực của họ trong môi trường công việc mới là quan trọng. Bằng không, tài năng, chất xám và sự cống hiến của họ sẽ mai một”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lý Trường Chiến, chuyên gia tư vấn tái cấu trúc, quản trị chiến lược và phát triển kinh doanh kiêm thành viên Hội đồng Các nhà tư vấn quản trị quốc tế của EU, nói: “Việc sử dụng nhân sự cao cấp tại các doanh nghiệp trong nước nếu không có chiến lược và giải pháp phù hợp sẽ dẫn đến đổ vỡ nhanh chóng. Thực tế, cũng có một số người chỉ giỏi ở chỗ này, nhưng qua chỗ khác lại không phù hợp. Có những người chỉ như một chi tiết trong một cỗ máy hoàn hảo và họ chỉ chạy tốt trong cỗ máy đó, nếu đưa qua cỗ máy khác thì không vận hành được. Nói nôm na, khi chưa có sự hiệu chỉnh phù hợp đã bắt piston của xe BMW chạy trong cỗ máy Toyota thì sẽ dẫn đến sự cưỡng ép".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chất xám doanh nghiệp: Hợp hợp, tan tan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO