Chật vật tìm và giữ người tài

TUYẾT NHUNG - PHÚC AN - Ảnh: QUÝ HÒA| 28/06/2013 05:14

Xã hội luôn thay đổi, nền kinh tế biến động không ngừng kéo theo sự chuyển biến của thị trường lao động và đặt ra những bài toán khó cho doanh nghiệp.

Chật vật tìm và giữ người tài

Nhân sự luôn là vấn đề nóng hổi của bất kỳ một doanh nghiệp (DN) nào, ở bất cứ một giai đoạn nào. Vấn đề con người luôn là vấn đề cốt lõi cần được DN ưu tiên giải quyết trước tất cả các vấn đề khác. Xã hội luôn thay đổi, nền kinh tế biến động không ngừng kéo theo sự chuyển biến của thị trường lao động và đặt ra những bài toán khó cho DN.

Tại hội thảo tương tác “Nhân sự: Bài toán dụng người và giữ người” do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức sáng 27/6 tại Trung tâm hội nghị Diamond Place, những vấn đề từ lý thuyết đến thực tế quản trị nhân sự tại các doanh nghiệp đã được các diễn giả và người tham dự thảo luận sôi nổi.

Đi tìm định nghĩa “người tài”

Câu hỏi “Người tài là người như thế nào?” khiến khán phòng hào hứng ngay từ những phút đầu của hội thảo. Rất nhiều quan điểm được đưa ra như “Người tài là người hiểu biết nhu cầu thị trường lao động và có khả năng đáp ứng được nhu cầu đó”, “người tài là người có khả năng vượt trội so với số đông, mang lại lợi ích cho DN”, “người tài là người hoàn thành tốt công việc của mình”…

Có người lại cho rằng chỉ cần một nhân viên luôn hoàn thành thật tốt công việc của mình thì có thể được công nhận là người tài.

Mỗi nhà quản trị có một góc nhìn và đánh giá riêng về “người tài” - nguồn lực vô cùng quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của DN, nhưng hầu hết đều có chung một tiêu chí đánh giá về người tài, đó là dựa trên lợi ích và hiệu quả mà người đó đóng góp cho công ty.

“Tìm người tài là đi tìm sự phù hợp, không phải tìm đáp án đúng hay sai” - ông Cao Tiến Vị - Chủ tịch công ty cổ phần Giấy Sài Gòn nói, “Người tài rất khó tìm và rất khó để đáp ứng sự mong đợi của tất cả các lãnh đạo. Cái tài nếu xuất hiện quá sớm ở thời điểm bắt đầu sự nghiệp cũng rất “nguy hiểm”. Tuy nhiên, có một số đặc điểm dễ nhận biết, như người tài phải là người có đầu óc linh hoạt vượt trội, có khả năng chuyên môn, có tâm, làm việc hiệu quả, đem lại kết quả và giá trị cụ thể. Khó khăn nhất đối với lãnh đạo là phát hiện các nhân tố này. Họ là những viên ngọc thô cần mài dũa, dù họ có tố chất bẩm sinh hay không, nếu không rèn dũa sẽ dần mai một đi”.

Bà Nguyễn Thị Nam Phương - sáng lập viên - Tư vấn trưởng Công ty cổ phần Phát triển năng lực tổ chức (OCD) - đơn vị đồng hành tổ chức hội thảo này cho biết, qua quá trình hoạt động trong lĩnh vực này bà ghi nhận một thực tế: những người trẻ năng động muốn được ghi nhận năng lực, muốn được cống hiến thì rất khó gắn bó lâu dài với DN Nhà nước vốn rất ngại thay đổi, họ ra đi không chỉ vì lương thấp, mà trước hết là vì muốn được mặc một "chiếc áo" vừa với mình hơn - tìm một môi trường để có thể phát huy năng lực cá nhân.

Clip chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nam Phương:

Bà Tiêu Yến Trinh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kết nối nhân tài (Talentnet) - cũng là đơn vị đồng hành tổ chức hội thảo - nhận định, tình hình thị trường nhân sự hiện nay là cơ hội cho nhân lực nội bộ phát huy khả năng. Bà cũng chia sẻ nguyên tắc 4C để tìm kiếm nhân tài, bao gồm Competency – Commitment – Contribution - Context.

Clip chia sẻ của bà Tiêu Yến Trinh:

Theo bà Trinh, đội ngũ làm nhân sự chuyên nghiệp đang thiếu rất nhiều vì Việt Nam chưa có một cơ sở đào tạo chính thức cho lĩnh vực này, chỉ đơn giản là lãnh đạo thấy có khả năng thì dùng. Ngoài ra, các nhà tuyển dụng cũng có thói quen nhìn bằng cấp, học gì cho làm nấy, chủ yếu là làm công việc giấy tờ, nên chuyên viên nhân sự đi đến đâu cũng không có đất dụng võ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Tiến Vị chia sẻ, qua một số thất bại mà chính ông gặp phải ở vai trò CEO, bài học lớn nhất ông rút ra là dù ban lãnh đạo có mạnh đến đâu nhưng nền tảng nhân viên chưa được đào tạo huấn luyện kỹ thì rất khó thành công. Vấn đề đào tạo từ nội bộ là cực kỳ cần thiết, không phải tìm đâu xa vì chính những nhân viên gắn bó lâu dài mới là những người hiểu rõ công ty nhất.

Giữ nhân tài: Tình nặng hơn tiền

Bà Phan Thị Tuyết Mai – Tổng giám đốc Công ty thủy sản Tài Nguyên khẳng định, cực chẳng đã mới phải mượn tư vấn. Chính chủ doanh nghiệp phải bỏ công sức xây dựng bộ máy nhân sự cho công ty. Bí quyết của bà là yêu thương nhân viên như người nhà, xem đối tác như những người bạn và cố gắng không biểu hiện những cảm xúc thái quá. Bà tự hào chia sẻ, sau 23 năm làm kinh doanh, giờ đây bà có thời gian nhiều hơn cho các sinh hoạt hội đoàn, đó là nhờ có hệ thống nhân sự được xây dựng bằng cả trái tim.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Tăng Văn Khánh - Giám đốc Công ty tư vấn OCDchia sẻ khó khăn của chính mình khi quản lý một đội ngũ những người làm tư vấn, tuy đã mất rất nhiều tâm huyết chiêu mộ những người có bằng cấp và kinh nghiệm nhưng không thành công. Hiện nay đội ngũ tư vấn trẻ, ít kinh nghiệm lại tỏ ra thích hợp. Theo ông Khánh, sự khác biệt này chính là ở tâm huyết và đam mê của những nhân viên trẻ. Ông kết luận, giữ người không thể bằng tiền hay danh tiếng, mà phải bằng tâm huyết của chính mình để khơi dậy đam mê trong nhân viên.

Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen chia sẻ kinh nghiệm dưới góc độ là người quản lý hơn 600 nhân viên. Bà khẳng định dù là nắm giữ vị trí nào ở trường thì bà luôn xem tất cả mọi người - từ vị giáo sư trưởng khoa đến người lao công - đều là đồng nghiệp. Bà nói: “Nếu chỉ thấy chức vụ làm sao có thể nhận ra con người. Nếu không nhận ra được con người thì làm sao có thể dùng người và giữ người!".

Clip chia sẻ của bà Bùi Trân Phượng:


Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc truyền thông kiêm Giám đốc nhân sự siêu thị BigC chia sẻ vấn đề dưới góc độ từng là một nhân viên với 8 năm làm việc tại công ty này, và khẳng định chính sự quan tâm, tin tưởng của lãnh đạo, sự bình đẳng trong giao tiếp và tiếp thu ý kiến phản biện của lãnh đạo đã giúp bà gắn bó và cống hiến hết mình cho công ty. Theo bà, người lao động không chỉ cần lương mà là còn cần sự yên tâm trong công việc, để tập trung hoàn toàn cho công việc mà không lo lắng những chuyện bên lề khác.

Clip chia sẻ của bà Dương Thị Quỳnh Trang:


Truyền lửa đam mê cũng là một cách giữ chân nhân tài, theo bà Nam Phương. Bà Phương khẳng định, ai thành công cũng nhờ đam mê. Nếu không có đam mê thì bản thân sẽ thiếu sự thuyết phục. Cái yếu của đội ngũ lãnh đạo cấp cao hiện nay là không nhân rộng được đam mê. Lãnh đạo phải có những “trạm biến thế” - là những nhân viên giỏi để chuyển sức mạnh từ “máy phát điện” - là chủ doanh nghiệp đến toàn bộ công ty. Lãnh đạo cần học cách lôi kéo, thuyết phục, tự mình nuôi dưỡng đam mê của chính mình và truyền lửa đam mê ấy cho người khác.

Một số hình ảnh ghi tại hội thảo:

Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen
Bà Tiêu Yến Trinh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kết nối nhân tài (Talentnet)
Ông Cao Tiến Vị - Chủ tịch Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn
Bà Nguyễn Thị Nam Phương - sáng lập viên - Tư vấn trưởng Công ty cổ phần Phát triển năng lực tổ chức (OCD)
Hơn 60 người là lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên viên quản lý nhân sự, chuyên gia... tham dự hội thảo tương tác
Các nhà quản trị chia sẻ kinh nghiệm và đặt câu hỏi với diễn giả
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chật vật tìm và giữ người tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO