7 cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày với đồng nghiệp khó nhằn

17/05/2018 04:12

Nếu muốn sự nghiệp thăng tiến, và duy trì được sự hòa nhã, bạn phải học cách chung sống hòa bình với những đồng nghiệp khó khằn tại chốn công sở.

7 cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày với đồng nghiệp khó nhằn

Đó là chia sẻ của Robert Sutton – Giáo sư quản lý (professor of management) tại Đại học Stanford, tác giả cuốn The No Asshole Rule: Building a Civilized Workplace and Surviving One That Isn't (tạm dịch: Nguyên tắc loại trừ những kẻ khó nhằn) và cuốn The Asshole Survival Guide: How to Deal with People Who Treat You Like Dirt (tạm dịch: Cách sống sót và ứng xử với những kẻ khó nhằn).

GS. Robert Sutton cho rằng, trong nhiều trường hợp gặp những đồng nghiệp khó nhằn (chẳng hạn như một nhà quản lý thiếu năng lực, một nhân viên ồn ào…), cách tốt nhất là tránh làm việc với họ ngay lần đầu tiên, hoặc chuyển việc.

Nhưng việc chủ động né tránh đó không phải luôn là cách phù hợp với tất cả mọi người. Do đó, GS. Sutton chỉ ra 7 cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày để chung sống hòa bình với những đồng nghiệp khó nhằn trong công ty:

1. Nhìn vào khía cạnh tươi sáng

GS. Sutton mô tả kinh nghiệm của một luật sư trẻ - người làm việc cho một thẩm phán liên bang ở vai trò thư ký trong vòng 2 năm. Cả sếp và các đồng nghiệp của cô đều là những người khó nhằn, nhưng nếu bỏ việc, đồng nghĩa với việc cô đang “tự kết liễu” sự nghiệp, đồng thời cô sẽ không còn khả năng trả hết các khoản vay sinh viên của mình nữa.

Link bài viết

Đối với trường hợp này, GS. Sutton cho rằng luật sư trẻ này cần sử dụng một “thủ thuật”, đó là tưởng tượng như mình đang ở giai đoạn cuối và sắp hoàn thành chặng đường 2 năm. Vì khi ở trong một tình huống khó khăn, nếu có thể nói với chính mình rằng ‘Chỉ cần vượt qua hôm nay thôi, đến cuối tuần, hoặc nửa năm, một năm nữa, tôi sẽ nhìn lại những trải nghiệm của mình một cách nhẹ nhàng’, thì những tình huống áp lực đó sẽ có tác động rất ít đến sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.

Một cách nữa là cố gắng tìm ra điều hài hước trong những tình huống kinh khủng. Cách này luôn hiệu quả. Nó rất tuyệt vời. Hãy cười với mọi người. "Đó chính là điều tôi làm với một số đồng nghiệp có phần khó nhằn ở Stanford", GS. Sutton cho biết.

2. Chủ động tránh mặt

Xoay bàn làm việc để tránh xa những “hàng xóm” phiền phức. Ngồi cách xa vị trí của những đồng nghiệp khó nhằn trong các cuộc họp. Thay đổi lịch trình để không phải chạm mặt họ trong căng-tin.

Nói chung, càng ít tương tác với những người này càng tốt.

3. Tận dụng quyền lực

Nếu quyền hạn của bạn cao hơn một đồng nghiệp nào đó có những cách cư xử khiến nhiều người khó chiu, hãy tận dụng nó.

Chẳng hạn như trường hợp của Paul Purcell – cựu CEO và hiện là chủ tịch Công ty quản lý tài sản Robert W. Baird. Ông nói với ứng viên trong các cuộc phỏng vấn rằng “Nếu tôi phát hiện ra anh/chị là một người gây phiền phức cho người khác, tôi sẽ sa thải ngay”. Và ông đã làm đúng như vậy.

Nếu không đưa ra hành động thực tiễn, nhuệ khí làm việc của bạn sẽ dần bị ăn mòn.

4. Thu thập chứng cứ

Việc thu thập lại những dấu hiệu, những “chứng cứ” về hành vi của các đồng nghiệp khó nhằn rất quan trọng, đặc biệt là khi hành vi đó có liên quan đến vấn đề pháp lý hoặc nhân sự.

Robert Sutton doanhnhansaigon

GS. Robert Sutton

Cách làm này không đảm bảo bạn sẽ giành được phần thắng, nhưng nó giúp gia tăng xác suất chiến thắng. Chẳng hạn như trường hợp của cựu phát thanh viên kênh Fox News – Gretchen Carlson. Bà đã kiểm tra tính pháp lý của việc ghi âm ai đó mà không có sự cho phép của họ trước khi ghi âm những tương tác của mình với Roger Ailes – cựu Giám đốc Fox News.

Việc sử dụng những đoạn băng ghi âm đã giúp Carlson chứng minh được rằng mình bị ông chủ quấy rối. Roger Ailes rốt cuộc đã phải từ chức sau một loạt những cáo buộc quấy rối tình dục từ nhiều phụ nữ, mà Gretchen Carlson chính là người bắn phát súng đầu tiên.

5. Nói ra bức xúc của mình

Những người khó nhằn tại nơi làm việc thường có 2 dạng: vô tình và cố ý. Những người vô tình gây phiền phức không nhận thức được tác động hành vi của mình đến những người khác. 

Link bài viết

Nếu gặp những người như vậy, có một cách hiệu quả là nói chuyện riêng thẳng thắn với họ: “Khi làm việc đó, bạn khiến tôi cảm thấy rất tệ. Bạn có thể thay đổi hành vi của mình không?”.

GS. Sutton kể: "Tôi từng gặp một nữ phó chủ tịch điều hành nói rằng vị CEO công ty bà có một thói quen là thường ngắt lời phụ nữ trong các cuộc họp với ban điều hành công ty. Sau đó, bà và các đồng nghiệp đã đếm số lần bị ngắt lời trong một cuộc họp và trao thông tin đó cho vị CEO. Hóa ra ông ấy không hề nhận ra việc mình đang làm và đã thay đổi hành vi từ đó".

6. Sử dụng sức mạnh tập thể

Một nhóm nhân viên than phiền vì một đồng nghiệp của họ là người phân biệt chủng tộc. Khi người sếp từ chối đưa ra bất kỳ hành động nào, họ đã hợp lực lại với nhau thành một “liên minh” và đưa ra tài liệu chứng minh những vấn đề họ gặp phải từ đồng nghiệp đó.

Họ gọi tập tài liệu là “Nhật ký về những điều khó chịu” và đưa cho sếp mình. Và người đồng nghiệp đó đã phải nghỉ việc chỉ trong vòng vài ngày sau đó.

Vì vậy, nếu sếp từ chối giúp bạn, đó là lúc nên kết hợp sức mạnh tập thể và đưa ra những chứng cứ rõ ràng.

7. "Chiến đấu"

Trong một số trường hợp, bạn buộc phải “chiến đấu” với một đồng nghiệp khó nhằn, đặc biệt khi họ là kiểu người chỉ chịu khuất phục với những đòn tấn công mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bạn sẽ không muốn làm điều đó nếu phải đối diện với rủi ro mất việc. Bạn nên thư giãn một chút, nói chuyện với những người mình tin tưởng, và đánh giá tình hình trước khi khơi mào một cuộc chiến. Hãy cố gắng thử những lựa chọn khác, kết nối với những đồng minh và thu thập tài liệu cần thiết trước khi lên tiếng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
7 cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày với đồng nghiệp khó nhằn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO