7 cách cải thiện mức độ hài lòng của nhân viên

Nguồn INC.COM - dịch PHÚC AN| 21/05/2011 06:59

Mức độ hài lòng của nhân viên là một trong những tiêu chí đánh giá sự thành công của doanh nghiệp. Một khi nhân viên cảm thấy hài lòng với công việc, họ sẽ làm việc hiệu quả và gắn bó hơn với công ty.

7 cách cải thiện mức độ hài lòng của nhân viên

Mức độ hài lòng của nhân viên là một trong những tiêu chí đánh giá sự thành công của doanh nghiệp. Một khi nhân viên cảm thấy hài lòng với công việc, họ sẽ làm việc hiệu quả và gắn bó hơn với công ty.

Mặc khác, nâng cao mức độ hài lòng của nhân viên sẽ duy trì sự ổn định của nguồn nhân lực, giảm chi phí hoạt động và tăng năng suất kinh doanh. Nâng cao mức độ hài lòng của nhân viên không đơn thuần chỉ là tăng lương. Có rất nhiều biện pháp đơn giản, ít tốn kém giúp các nhà quản lý cải thiện sự hài lòng và làm tăng mức độ cam kết của nhân viên.

1. Trao cho nhân viên quyền tự chủ nhiều hơn

Mức độ hài lòng của nhân viên là một trong những tiêu chí đánh giá sự thành công của doanh nghiệp.

Nhà quản lý nên tạo điều kiện cho nhân viên sắp xếp lịch làm việc linh động, tự chủ môi trường và thói quen làm việc. Mỗi nhân viên ngoài giờ làm việc còn có những trách nhiệm khác nhau với gia đình, xã hội vì vậy khung giờ làm việc linh hoạt sẽ giúp nhân viên tập trung làm việc tốt hơn.

Ngoài ra, bạn cũng nên khuyến khích nhân viên trang trí khu vực làm việc theo sở thích. Làm việc ở nơi khiến mình thấy thoải mái tốt hơn nhiều so với làm việc trong một văn phòng đơn điệu. Điều này không chỉ tạo sự gần gũi hơn giữa các cá nhân trong công ty mà còn hỗ trợ nhân viên chăm sóc sức khỏe bản thân. Một số người bị đau lưng, mỏi mắt hoặc kích thước bàn ghế không thích hợp sẽ thấy thoải mái hơn khi sử dụng bàn ghế phù hợp với nhu cầu của họ.

Bạn cũng có thể tổ chức những cuộc thi nho nhỏ (thi bán hàng chẳng hạn) trong nội bộ công ty để tạo không khí sôi nổi và thúc đẩy nhân viên làm chủ thành công của chính mình. Các cuộc thi thúc đẩy nhân viên tự đề ra mục tiêu và làm việc với lòng say mê hơn là vì trách nhiệm.

2. Xóa nỗi ám ảnh “giờ cao điểm”

Giờ đi làm và giờ tan tầm là nỗi ám ảnh với nhiều nhân viên, đặc biệt là những người đi làm xa nhà. Đường xa, kẹt xe, ô nhiễm dễ khiến nhân viên ngán ngẩm.

Nhà quản lý nên có biện pháp hỗ trợ nhân viên đi làm thuận tiện hơn bằng cách điều chỉnh giờ làm việc sớm hoặc muộn hơn so với khung giờ chung. Ngoài ra, chính sách phạt nhân viên đi làm trễ cũng nên có những điều chỉnh sao cho hiệu quả mà không quá khắt khe. Chính sách không hợp lý dễ gây áp lực và tâm lý phản kháng cho nhân viên.

Làm việc từ xa cũng là một giải pháp hạn chế việc đi lại, giúp tăng sự hài lòng của nhân viên và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay thì trong một số ngành nhất định, làm việc ở đâu không còn là một vấn đề. Nếu có điều kiện, bạn hãy để nhân viên làm việc ở nơi họ thấy thoải mái nhất.

3. Đừng phí thời gian vào những việc vô ích

“Hạn chót” là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng ở nhiều nhân viên. Về phía mình, nhà quản lý nên điều chỉnh thời gian hợp lý cho công việc, giảm bớt họp hành nhiêu khê và dành thời gian cho nhân viên tập trung làm việc. Một trong những ý tưởng thoạt nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng rất hiệu quả đó là họp đứng. Cuộc họp sẽ kết thúc nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Họp qua video trực tuyến cũng giúp tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, để tránh lan man, bạn nên tổ chức họp vào gần cuối giờ ăn trưa hoặc cuối giờ tan sở sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc.

Chẳng có nhân viên nào thích làm việc vào giờ nghỉ cả.

Nhà quản lý cũng cần sắp xếp công việc, trách nhiệm trong công ty thật rõ ràng để cả công ty không phải rối bù lên mỗi lúc cao điểm. Sắp xếp hoạt động của công ty một cách hợp lý sẽ tiết kiệm thời gian, giảm stress và tăng năng suất lao động.

4. Khuyến khích các hoạt động tập thể

Hòa nhập với tập thể là yếu tố quan trọng của hạnh phúc và niềm vui. Ngay cả những người sống hướng nội nhất cũng thích được chia sẻ và quan tâm. Nhà quản lý nên tạo điều kiện để nhân viên có cơ hội xích lại gần nhau hơn bằng cách sắp xếp lại không gian văn phòng hợp lý, khuyến khích mọi người cùng ăn trưa hay tổ chức sinh nhật tập thể cho nhân viên.

Các hoạt động tập thể này không chỉ giới hạn trong giờ làm việc. Bạn có thể sắp xếp để toàn công ty tham gia vào các hoạt động tình nguyện hoặc chơi thể thao cuối tuần. Các hoạt động tình nguyện không chỉ đem lại niềm vui cho cộng đồng mà còn đem tới niềm vui cho chính bạn và mọi người trong công ty, đồng thời xây dựng uy tín và danh tiếng cho thương hiệu.

5. Quan tâm tới sức khỏe nhân viên

Sức khỏe không tốt không chỉ ảnh hưởng đến bản thân nhân viên mà còn gây thiệt hại cho công ty. Các căn bệnh do stress gây ra làm ảnh hưởng đến năng suất lao động và làm tăng chi phí y tế.

Ở vai trò là nhà quản lý, bạn cần khuyến khích nhân viên quan tâm hơn đến sức khỏe của chính mình. Vài bài viết về sức khỏe được cập nhật trên bảng tin hàng tuần sẽ giúp nhân viên nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của sức khỏe. Khuyến khích nhân viên chơi thể thao bằng các cuộc thi nội bộ hay phát thẻ tập thể thao miễn phí. Nếu có điều kiện, bạn nên trang bị một nhà bếp đơn giản trong công ty hoặc lò vi sóng để nhân viên có thể hâm nóng bữa trưa đã chuẩn bị từ nhà. Nếu công ty chuẩn bị luôn bữa ăn cho nhân viên thì bạn cũng nên quan tâm hơn đến chất lượng và an toàn thực phẩm.

6. Tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi và phát triển

Công việc không chỉ mang đến nguồn thu nhập. Công việc còn là cơ hội để nhân viên học hỏi và phát triển. Điều mà người lao động quan tâm nhất không phải là lương thưởng mà là cơ hội phát triển và được cấp trên công nhận năng lực. Nhà quản lý nên tổ chức các khóa học nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho nhân viên, khuyến khích nhân viên học hỏi các kỹ năng mới. Không học hỏi được điều gì mới hoặc cứ mãi làm một nhiệm vụ khiến nhân viên dễ chán nản và đánh mất động lực làm việc.

7. Mang đến những niềm vui bất ngờ

Mỗi hành động quan tâm dù nhỏ nhặt nhất của bạn cũng khiến những người xung quanh cảm động. Nhà quản lý chỉ cần mang đến những bất ngờ nho nhỏ như vài cốc cà phê hay một chút quà bánh vào giờ nghỉ cũng đủ để nhân viên vui vẻ và cảm thấy được trân trọng. Vào ngày lễ hoặc các dịp đặc biệt, bạn nên cùng nhân viên tổ chức các buổi tiệc nhỏ ngay tại công ty, vừa ít tốn kém vừa là dịp để mọi người xích lại gần nhau hơn.

Nếu bạn tổ chức các cuộc thi trong nội bộ công ty thì nên “thưởng nóng” cho nhân viên, đừng đơn thuần quy đổi thành điểm thi đua hay thứ hạng trong bảng thành tích. Phần thưởng cụ thể như phiếu mua hàng hay một chuyến du lịch ngắn ngày sẽ khiến mọi người hào hứng hơn.

Nhiều nhà quản lý vẫn cho rằng việc cải thiện mức độ hài lòng của nhân viên là không cần thiết nhưng nếu những người này vô tình đọc được những gì nhân viên của họ viết trên các mạng xã hội thì chắc chắn họ phải suy nghĩ lại. Nếu bạn đang làm sếp, hãy cố gắng để trở thành một vị sếp được nhân viên yêu mến. Một môi trường làm việc vui vẻ, thân thiện sẽ khởi đầu cho thành công của việc kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
7 cách cải thiện mức độ hài lòng của nhân viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO