Triển vọng giá dầu

Lê Phan| 13/06/2022 06:00

Triển vọng giá dầu đang là tâm điểm vì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và kế tiếp là chính sách tiền tệ của từng quốc gia. Và một viễn cảnh đáng lo ngại là giá "vàng đen" này sẽ vẫn neo cao, thậm chí còn tiếp tục đi lên trong thời gian tới.

Triển vọng giá dầu

Xe tải chở dầu thô tới nhà máy lọc dầu ở Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Giá dầu neo cao

Giá dầu WTI trong những ngày qua đã leo lên trở lại mốc 120 USD/thùng và đang hướng đến mục tiêu vượt qua đỉnh cao gần đây ở 130 USD/thùng đã đạt được vào tháng 3 đầu năm nay. Mốc 130 USD/thùng cũng là đỉnh cao nhất trong vòng 14 năm qua. Đáng lưu ý là giá dầu neo cao bất chấp xu hướng mạnh lên của đồng USD, cũng như động thái tăng sản lượng của các nước sản xuất dầu mới đây.

Cụ thể, đầu tháng này, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các đồng minh (OPEC+), trong đó có Nga, đã thống nhất tăng cung thêm 648.000 thùng mỗi ngày trong tháng 7 và 8. Mức này cao hơn 200.000 thùng một ngày so với kế hoạch cũ. Dù trước đó Ả Rập Saudi - quốc gia dẫn đầu khối OPEC từng phớt lờ đề nghị của Mỹ về việc tăng sản xuất và quyết định vẫn tuân thủ hạn ngạch trong thỏa thuận với Nga và các nước phi OPEC khác, nhưng với lo ngại giá cả tăng cao đẩy thế giới vào suy thoái, nước này đã thay đổi chính sách.

Dù vậy, với nguồn cung sụt giảm từ Nga, ước tính lên đến 1 triệu thùng một ngày trong vài tháng qua và có thể lên tới 3 triệu thùng/ngày trong nửa sau của năm 2022, do các lệnh trừng phạt của phương Tây sau xung đột tại Ukraine, mức tăng sản lượng của nhóm OPEC khó có thể bù đắp. Hôm 30/5/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất cấm nhập 90% dầu Nga cho đến cuối năm nay. Châu Âu hiện là khách mua lớn nhất với năng lượng Nga. Mỹ, Canada, Anh và Úc đều đã cấm nhập dầu của nước này. 

765654654-2733-1654844145.jpg

Nhìn lại lịch sử, khủng hoảng giá dầu luôn diễn ra khi các quốc gia đối đầu quân sự và kéo theo những lệnh trừng phạt lẫn nhau. Như vào những năm 1970, các quốc gia Ả Rập từng sử dụng "vũ khí dầu mỏ” để trừng phạt các chính phủ phương Tây vì đã hỗ trợ Israel trong cuộc chiến với Ai Cập và Syria, dẫn đến giá dầu tăng vọt. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy Moscow không chịu dễ dàng "bó tay", khi vẫn tăng cường tìm kiếm các bạn hàng mới và chấp nhận bán giá rẻ hơn, trong số đó phải kể đến các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Ấn Độ - những nền kinh tế hàng đầu hiện nay. Số liệu ước tính gần đây cho thấy 3,36 triệu tấn dầu thô Nga đã đến Ấn Độ trong tháng 5, gấp 9 lần trung bình tháng của năm 2021.  

Tổng cộng, Ấn Độ đã nhận 4,8 triệu tấn dầu Nga kể từ khi xung đột Ukraine xảy ra, Refinitiv cho biết. Còn Trung Quốc đã nhập khẩu 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga qua đường biển trong tháng 5, tăng khoảng 37% so với mức bình quân của năm ngoái. Dầu Urals của Nga hiện có giá khoảng 95 USD một thùng, trong khi dầu Brent là 120 USD. 

Nhiều yếu tố ảnh hưởng

Còn theo giới phân tích, các lệnh cấm của phương Tây sẽ có tác động hạn chế đến thị trường dầu mỏ và có thể không tạo ra quá nhiều biến động, vì lệnh cấm chỉ áp dụng với dầu vận chuyển bằng đường biển, còn việc vận chuyển bằng đường ống vẫn đang gặp sự chia rẽ từ các nước thành viên EU vì vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng từ Nga. Thống kê cho thấy, xuất khẩu dầu của Nga đã tăng lên mức hơn trước khi bị trừng phạt. Theo các nhà phân tích tại ngân hàng JPMorgan Chase, phần lớn xuất khẩu dầu thô của Nga được chuyển đến Ấn Độ - quốc gia không ban hành các biện pháp trừng phạt.

Biến động giá dầu gần đây không chỉ bị ảnh hưởng bởi nguồn cung dầu từ Nga hay các lệnh trừng phạt của phương Tây, mà còn đến từ nhiều yếu tố khác. Thứ nhất là nguồn cung thị trường cơ bản vẫn đang bị thắt chặt, do việc giá dầu lao dốc vào hai năm trước, ngay từ trước khi xảy ra chiến tranh, các nước sản xuất dầu đã cắt giảm đầu tư vào các dự án khoan tìm và khai thác dầu khí, trong nỗ lực dịch chuyển sang các nguồn năng lượng tái sinh. 

Với mục tiêu chuyển sang năng lượng sạch, giảm khí thải carbon để chống biến đổi khí hậu, nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà phát triển các dự án mới khai thác và sản xuất các nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.c

Bên cạnh đó, với mục tiêu chuyển sang năng lượng sạch, giảm khí thải carbon để chống biến đổi khí hậu, nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà phát triển các dự án mới khai thác và sản xuất các nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Vì vậy, các nhà phân tích cho biết việc tăng hạn ngạch sản lượng từ OPEC+ cũng không thể giải quyết được tình trạng thiếu hụt sản phẩm dầu. 

Trong khi đó, nhu cầu về nhiên liệu tăng mạnh khi đại dịch giảm xuống, với người tiêu dùng bắt đầu lái xe và bay trở lại. Việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế chống dịch trong những ngày gần đây cũng làm tăng thêm cơn khát dầu, do đó đà tăng của "vàng đen" có lẽ sẽ chưa sớm dừng lại. 

Thực tế, các chuyên gia tin rằng "giá dầu ở mức ba con số” nhiều khả năng sẽ tiếp tục hiện diện trong một thời gian dài. Nếu nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh trở lại sau đợt phong tỏa vừa rồi và sản lượng dầu của Nga tiếp tục giảm, thì không thể loại trừ khả năng giá dầu tái lập mức đỉnh cao thiết lập hồi đầu năm. Ngoài ra, Trung Quốc có thể tiếp tục đẩy mạnh việc nhập khẩu dầu Nga sau khi gỡ phong tỏa, khi giá dầu Urals của Nga đang rẻ hơn 34 USD/thùng so với giá dầu Brent.

Kết hợp giữa nguồn cung eo hẹp và nhu cầu tăng lên, dẫn đến kết quả người tiêu dùng chịu giá cả cao hơn. Tệ hơn nữa, tình trạng thiếu công suất nhà máy lọc dầu ở Mỹ đã khiến giá xăng và dầu diesel tăng mạnh, kéo theo lạm phát tăng vọt và buộc nhiều quốc gia phải sớm thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn và mạnh tay hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triển vọng giá dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO