Thương mại toàn cầu tái sắp xếp và chuyển hướng

Lê Phan| 14/01/2021 06:00

Bất chấp những quan điểm cho rằng chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại, hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, song song với dòng vốn đầu tư tiếp tục chuyển dịch và chuỗi cung ứng toàn cầu được sắp xếp theo hướng đa dạng hóa. Đâu là động lực dẫn dắt xu hướng này?

Thương mại toàn cầu tái sắp xếp và chuyển hướng

Sắp xếp thương mại và chuỗi cung ứng

Ngày 30/12/2020, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định Thương mại và Hợp tác" - một thỏa thuận hậu Brexit mà hai bên đạt được vào một tuần trước đó. Như vậy, sau những lo ngại về một viễn cảnh “Hard Brexit”, tức Anh rời EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào, hiệp định trên đã tạm giúp giới đầu tư yên tâm.

Theo đó, Vương quốc Anh đã chính thức tách ra khỏi EU vào nửa đêm 31/12/2020 theo giờ Brussels (Bỉ), sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng kể từ khi “thỏa thuận rút lui” có hiệu lực pháp lý và hơn 4 năm sau khi cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý gây chia rẽ đất nước. Hiệp định thương mại kịp lúc đã ngăn chặn viễn cảnh về sự chia cắt, vốn có thể bị áp đặt hạn ngạch và thuế quan lên tất cả thương mại giữa hai bên, có thể làm trầm trọng thêm các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trước đó một ngày, Anh đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (UKVFTA). Được biết UKVFTA được kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) - đã có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020, nhưng có những điều chỉnh cần thiết để phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh. 

Việt Nam cũng là nước thứ hai mà Anh ký kết FTA trong tháng 12 trước khi đạt được thỏa thuận với EU, trước đó là thỏa thuận với Singapore đã ký vào ngày 10/12/2020. Theo Bộ trưởng Thương mại Anh Elizabeth Truss, việc ký kết các FTA với Đông Nam Á đều rất quan trọng cho tương lai của Anh với tư cách là quốc gia thương mại độc lập, và cũng có thể mở đường để Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong thời gian tới.

Trong khi đó, các công ty Nhật Bản cho biết đã dịch chuyển hoặc đang lên kế hoạch di dời một phần chuỗi cung ứng từ Trung Quốc tới Đông Nam Á và Ấn Độ. Theo khảo sát của Kyodo News, hơn 40% công ty Nhật Bản được xem là "sở hữu công nghệ nhạy cảm có liên quan đến an ninh" cho biết đang di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong số các công ty được khảo sát có những tập đoàn lớn như Canon, Toyota, KDDI, NEC, Kobe Steel, Mitsubishi Heavy Industries.

Nhu cầu đa dạng hóa đối tác

Xu hướng nhiều công ty Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc đã trở nên bình thường trong hơn hai năm qua. Đáng lưu ý là mấy nước trong khu vực châu Á, giữa tháng 11/2020 cũng đã đón nhận Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một thỏa thuận được cho là nỗ lực thành công của Trung Quốc để ứng phó với cuộc chiến thương mại với Mỹ từ tháng 5/2018 đến nay.

Có thể nói cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc suốt hai năm rưỡi qua đã làm đảo lộn dòng chảy thương mại và dòng vốn đầu tư toàn cầu. Nhiều quốc gia trong khi cố gắng tận dụng những cơ hội từ sự rạn nứt giữa hai cường quốc, đã nỗ lực đa dạng hóa đối tác thương mại để tránh trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc thương chiến.

Cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc suốt hai năm rưỡi qua đã làm đảo lộn dòng chảy thương mại và dòng vốn đầu tư toàn cầu. Nhiều quốc gia trong khi cố gắng tận dụng những cơ hội từ sự rạn nứt giữa hai cường quốc, đã nỗ lực đa dạng hóa đối tác thương mại để tránh trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc thương chiến.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã tích cực ký kết nhiều FTA trong hai năm qua, từ CPTPP, AHKFTA (FTA giữa các nước ASEAN và Hồng Kông), EVFTA, cho đến RCEP và mới đây là UKVFTA. Việc tìm kiếm thị trường mới với các ưu đãi về thuế quan là cần thiết trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có nguy cơ quay trở lại và các nước nhỏ có thể “vạ lây thương chiến” bất kỳ lúc nào.

Nỗi lo đó không phải là thiếu cơ sở, khi gần đây Việt Nam cùng với Thụy Sĩ đã bị Mỹ gắn nhãn thao túng tiền tệ, mà theo giới phân tích có thể mở đường cho chính sách áp thuế trừng phạt lên hàng hóa Việt Nam vào Mỹ. Do đó, việc tránh phụ thuộc quá mức vào bất kỳ đối tác thương mại nào nên là chính sách mục tiêu quan trọng.

Động lực thứ hai để các nước sắp xếp lại chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại là đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những khiếm khuyết trong chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu, cho thấy sự phụ thuộc quá lớn của nhiều nước vào đại công xưởng sản xuất Trung Quốc. Do đó, chính sách phân tán dòng vốn, cơ sở sản xuất và đa dạng hóa chuỗi cung ứng là lựa chọn đúng đắn và kịp thời.

Như các công ty Nhật Bản, việc rút dần khỏi Trung Quốc ngoài mục tiêu giảm thiểu rủi ro liên quan đến cuộc chiến thương mại - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, còn là để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đáng lưu ý là 60% công ty được khảo sát cho biết đã tiến hành đào tạo tại chỗ hoặc xác định lại “các công nghệ quan trọng” để ngăn chặn nguy cơ bị đánh cắp bí mật công nghệ.

Xu hướng trên được dự báo sẽ tiếp tục và các thỏa thuận FTA tiềm năng cũng là mục tiêu theo đuổi của nhiều nền kinh tế có độ mở lớn trong thời gian tới. Đơn cử như ngoài Anh, Trung Quốc sau khi thúc đẩy RCEP được ký kết cũng cho biết mối quan tâm đến việc tham gia CPTPP, hiệp định mà chính nước Mỹ đã bỏ công xây dựng và theo đuổi dưới thời Tổng thống Obama nhưng sau đó cũng chính nước Mỹ đã quay lưng khi Trump đắc cử tổng thống. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương mại toàn cầu tái sắp xếp và chuyển hướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO