Nguồn cung đứng trước nguy cơ thiếu hụt, giá cà phê thế giới sẽ tăng

Khởi Vũ| 25/03/2021 06:00

Đối với thị trường nông sản thế giới nói chung, 2021 được dự báo là một năm với giá cả ổn định trong nửa đầu và giảm nhẹ trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, cà phê có thể là một ngoại lệ, do nguồn cung thiết hụt.

Nguồn cung đứng trước nguy cơ thiếu hụt, giá cà phê thế giới sẽ tăng

Người dân thu hoạch cà phê tại một nông trại thuộc thành phố Machado, bang Minas Gerais, Brazil. Ảnh: Victor Moriyama/Bloomberg

Thị trường cà phê toàn cầu đang thắt chặt. Trong đó, Brazil - quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, dự kiến thu hoạch sản lượng thấp hơn nhiều trong niên vụ 2021-2022, chủ yếu do thời tiết khô hạn. Không chỉ Brazil, tại Việt Nam, lượng mưa cao cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất cà phê, tác động trực tiếp tới nguồn cung toàn cầu.

Cụ thể, Brazil sẽ thu hoạch ít hơn 50 triệu bao cà phê vào tháng 4/2021, thấp hơn so với mức 63 triệu bao vào cùng kỳ năm ngoái, theo dự báo từ Conab - doanh nghiệp nhà nước liên kết với Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Brazil. Một số dự báo khác cho rằng, sản lượng thu hoạch vụ mùa sắp tới có thể đạt mức thấp nhất là 44-45 triệu bao. 

Riêng cà phê Arabica, vốn thường phải đối mặt với chu kỳ sản xuất 2 năm/lần với năng suất khác nhau, sẽ có một năm năng suất thấp. Sản lượng dự kiến sẽ đạt 30-33 triệu bao, giảm 35-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng cà phê Robusta có thể sẽ đạt khoảng 14-16 triệu bao, gần với mức kỷ lục cách đây 2 năm.

Theo Bloomberg, dự trữ cà phê của Mỹ hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm, ngay cả khi Brazil có ghi nhận vụ thu hoạch kỷ lục đi nữa. Sản lượng cà phê sụt giảm mạnh sẽ khiến cán cân cà phê thế giới thâm hụt trong những tháng tới, khi nhu cầu phục hồi.

Thị trường cà phê thế giới có thể sẽ thâm hụt trong niên vụ 2021-2022. Ảnh: Shutterstock

Thị trường cà phê thế giới có thể sẽ thâm hụt trong niên vụ 2021-2022. Ảnh: Shutterstock

Nhu cầu tiêu thụ cà phê dần phục hồi

Khi các hạn chế trong lĩnh vực du lịch và khách sạn được nới lỏng, nhu cầu tiêu thụ cà phê sẽ tăng trở lại. Đồng thời, việc tìm ra, phân phối và triển khai tiêm chủng trên diện rộng vắc-xin ngừa Covid-19 đã trở thành yếu tố tạo ra kỳ vọng lớn hơn về sự hồi sinh của các hoạt động kinh tế lẫn nhu cầu tiêu thụ, trong đó có cà phê.

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới sẽ tăng nhẹ khoảng 1,3%, lên 166,63 triệu bao, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dần phục hồi, các biện pháp giãn cách xã hội tiếp tục được duy trì, và việc tiêu thụ cà phê tại các nhà hàng, quán cà phê ở mức thấp.

Link bài viết

Trong khi đó, thời tiết giá lạnh sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà của Mỹ tăng cao. Nhu cầu đối với phân khúc cà phê hòa tan chất lượng cao trên thế giới cũng tăng, do nhu cầu làm việc tại nhà tăng đáng kể từ lúc Covid-19 bùng phát. Các yếu tố vừa nêu, kết hợp với tình trạng thiếu hụt container vận chuyển toàn cầu, sẽ đẩy giá cà phê lên cao.

Trên thực tế, ICO cho biết, chỉ số giá cà phê toàn cầu ICO trong tháng 2/2021 đã lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2017, và đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp, khi giá các loại cà phê chính trên toàn cầu đồng loạt tăng. Cụ thể, trung bình trong tháng 2/2021, chỉ số giá cà phê toàn cầu ICO đã tăng 3,1%, lên 119,35 US cents/pound (0,454 kg).

Giá cà phê sẽ tăng

Dữ liệu cho thấy, trong hai tuần đầu tháng 2/2021, chỉ số giá cà phê ICO duy trì ổn định và có lúc giảm còn 115,07 US cents/pound. Tuy nhiên, trong nửa sau của tháng, giá cà phê tăng mạnh, có lúc đạt đến 128,34 US cents/pound, trong bối cảnh nguồn cung cà phê dự báo giảm khi nhiệt độ tăng cao và lượng mưa thấp hơn tại Brazil.

Tháng 2/2021, chỉ số giá cà phê Robusta tăng mạnh nhất, ở mức 3,8%, lên trung bình 73,37 US cents/pound - mức tăng trung bình tháng cao nhất kể từ tháng 7/2019. Trong khi đó, chỉ số giá cho cà phê Colombian Milds tăng 2%, lên 176,96 US cents/pound; chỉ số giá cho các loại cà phê Arabica khác (Other Milds) tăng 3,6%, lên 166,43 US cents/pound. Chỉ số giá cà phê Brazil cũng tăng 2,9%, lên 120,06 US cents/pound trong tháng 2/2021.

Diễn biến chỉ số giá cà phê toàn cầu ICO từ tháng 2/2019 - tháng 2/2021. Ảnh: ICO

Diễn biến chỉ số giá cà phê toàn cầu ICO từ tháng 2/2019 - tháng 2/2021. Ảnh: ICO

Có thể nói, tâm lý lạc quan của thị trường về triển vọng tiêu thụ cà phê trên toàn cầu, nhất là tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu khi có vắc-xin Covid-19, cũng kéo giá cà phê tăng lên. Ngoài ra, việc thiếu hụt container vận chuyển trầm trọng trên toàn cầu cũng góp phần đẩy giá cà phê. Christian Wolthers - Chủ tịch Wolthers Douque, một nhà nhập khẩu cà phê ở Fort Lauderdale, Florida (Mỹ), ước tính chi phí vận chuyển hàng hóa từ Mỹ Latinh đã tăng hơn gấp đôi do tình trạng thiếu container.

Dù sự gián đoạn của thị trường hàng hóa đã ảnh hưởng đến hoạt động thương mại lương thực nói chung trên thế giới, song các vấn đề trên thị trường cà phê cho thấy tình trạng lạm phát lương thực đang gia tăng có thể trở nên trầm trọng hơn khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Hiện, các nơi rang xay cà phê có thể sử dụng hàng tồn kho thay vì tăng giá, nhưng với việc kho dự trữ giảm và khả năng vụ thu hoạch sắp tới của Brazil kém bội thu, tình hình căng thẳng này sẽ vẫn tồn tại.

Giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tại thị trường New York đã tăng khoảng 24% từ cuối tháng 10/2020, sau những thiệt hại tại các khu trồng cà phê ở Brazil. Vào tháng 2/2021, lượng tồn kho cà phê hạt xanh, chưa rang của Mỹ đã giảm 8,3% so với một năm trước đó, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Theo các nhà phân tích, lượng hàng tồn kho thấp hơn đồng nghĩa với việc "vùng đệm" để chống đỡ trước nguy cơ suy giảm vụ thu hoạch cà phê của Brazil cũng bị đe dọa, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường và sẽ đẩy giá cà phê lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguồn cung đứng trước nguy cơ thiếu hụt, giá cà phê thế giới sẽ tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO