Châu Âu sẽ vay 750 tỷ EUR phục hồi kinh tế hậu đại dịch

Tuỳ Phong| 28/05/2020 09:00

Gói kích thích tài chính này sẽ là luồng sinh khí cần thiết cho nền kinh tế kiệt quệ của lục địa già hậu Covid-19.

Châu Âu sẽ vay 750 tỷ EUR phục hồi kinh tế hậu đại dịch

Kế hoạch về gói kích thích tài chính nhằm mục đích phục hồi và vực dậy nền kinh tế nêu trên vừa được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố hôm 27/5/2020, trong khuôn khổ kế hoạch ngân sách cho giai đoạn 2021-2027.

"Kế hoạch phục hồi sẽ biến thách thức to lớn trước mắt chúng ta thành cơ hội, khi không chỉ giúp hỗ trợ phục hồi mà còn là đầu tư cho tương lai. Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal) và tiến trình số hóa sẽ thúc đẩy việc làm lẫn tăng trưởng, cũng như khả năng chống chịu của xã hội và sức khỏe của môi trường. Đây là thời khắc của châu Âu. Mức độ sẵn sàng hành động của chúng ta cần phải tương xứng với những thách thức mà tất cả chúng ta đang đối mặt", bà Ursula von der Leyen nói.

Theo đó, gói kích thích mới được đề xuất này có tổng trị giá lên tới 750 tỷ EUR (khoảng 823 tỷ USD), gồm 500 tỷ EUR tiền trợ cấp và 250 tỷ EUR tiền cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vay. Với tên gọi Next Generation EU, gói kích thích kinh tế này được xem là một nỗ lực chưa có tiền lệ của EU nhằm giúp các nước thành viên vượt qua cuộc khủng hoảng gây ra bởi Covid-19.

Link bài viết

Giới chức EU cho biết, nguồn tài chính từ gói kích thích này sẽ được sử dụng cho 3 hoạt động, gồm cấp vốn đầu tư và cải cách cho các thành viên; thúc đẩy đầu tư tư nhân; chuẩn bị cho tương lai dựa trên những bài học từ cuộc khủng hoảng. Đồng thời, gói kích thích này cũng sẽ giúp giảm bớt áp lực trên vai Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khi tới thời điểm này đã cam kết mua hơn 1.000 tỷ EUR nợ nhằm bình ổn các thị trường.  

Theo ông Paolo Gentiloni - Ủy viên EU phụ trách vấn đề kinh tế, gói kích thích nêu trên đã nhận được sự tán thành của đa số các nước thành viên. Trong một dòng tweet, Thủ tướng Ý Guiseppe Conte cho rằng, đây là "một tín hiệu tuyệt vời" từ Brussels, và 750 tỷ EUR là một con số "tương xứng".

Riêng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết EU cần phải "nhanh chóng tiến hành" các kế hoạch phục hồi; trong khi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã gọi đề xuất trên là "một bước tiến quan trọng" và cho rằng "mọi thứ cần được thực hiện", để đạt thỏa thuận cuối cùng trước mùa hè.

Đây là thời khắc của châu Âu. Mức độ sẵn sàng hành động của chúng ta cần phải tương xứng với những thách thức mà tất cả chúng ta đang đối mặt

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, đây là thời khắc của châu Âu, và mức độ sẵn sàng hành động của lục địa già cần phải tương xứng với những thách thức mà nó đang đối mặt

Tuy nhiên, vẫn có 4 quốc gia thành viên EU phản đối kế hoạch là Áo, Hà Lan, Đan Mạch và Phần Lan. Theo đó, các vấn đề lớn làm dấy lên tranh luận là số tiền hỗ trợ sẽ được cấp dưới hình thức nào? Là khoản trợ cấp trực tiếp hay các khoản tín dụng cấp cho các thành viên? Cụ thể, 4 quốc gia nói trên muốn EU cung cấp các khoản vay thay vì trợ cấp, đồng thời đề xuất các nước vay phải có cam kết cải cách kinh tế mạnh mẽ nếu muốn nhận hỗ trợ tài chính.

Ngoài ra, ECB cũng cảnh báo, các biện pháp hỗ trợ với quy mô lớn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể làm dấy lên lo ngại về khả năng trả nợ của khối, cũng như rủi ro một số nước rút khỏi Eurozone. Thông qua báo cáo ổn định tài chính mới nhất, ECB cho biết, trong giai đoạn bình thường, các nước Eurozone đều đặt mục tiêu duy trì nợ công dưới 60%; song ranh giới này đã được nới lỏng khi Covid-19 bùng phát.

Theo ECB, các gói hỗ trợ từ chính phủ các nước đã giúp xoa dịu những tác động tiêu cực của Covid-19 và sẽ giúp nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, đi cùng với việc các chính phủ vay hàng trăm tỷ USD để trợ lực cho nền kinh tế, tỷ lệ nợ công của Eurozone trên GDP cũng sẽ theo đó mà tăng từ 7-22% vào năm nay, nâng tổng nợ trên GDP của khu vực từ 86% lên khoảng 103%.

Dự kiến, hai 'tâm dịch' của châu Âu là Ý và Tây Ban Nha sẽ nhận được lượng hỗ trợ tài chính nhiều nhất trong số 750 tỷ EUR. Cụ thể, Ý sẽ được nhận 173 tỷ EUR, với 82 tỷ EUR tiền trợ cấp và 91 tỷ EUR dưới hình thức cho vay. Còn Tây Ban Nha có thể nhận 140 tỷ EUR, với 77 tỷ EUR tiền trợ cấp và 63 tỷ EUR dưới hình thức cho vay.

Theo EC, để có tiền cho gói kích thích với quy mô lớn này, châu Âu sẽ đi vay từ các thị trường tài chính, và dự kiến hoàn trả từ năm 2028 - 2058. Được biết, với Next Generation EU và các khoản tăng cường khác, ngân sách dài hạn cho 7 năm tới của EU dự kiến vào khoảng 1.850 tỷ EUR.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Âu sẽ vay 750 tỷ EUR phục hồi kinh tế hậu đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO