Châu Á cần làm gì để cứu thị trường lao động khỏi "sóng thần" Covid-19?

Bảo Quân| 09/07/2020 00:30

Phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, kinh tế châu Á không thể tăng trưởng một khi thế giới vẫn còn chật vật với Covid-19.

Châu Á cần làm gì để cứu thị trường lao động khỏi

Cần biết rằng, viễn cảnh tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xảy ra đối với các thị trường lao động vốn đã mong manh tại châu Á, khi hoạt động xuất khẩu nhiều khả năng sẽ tiếp tục lao dốc trong tương lai. Ảnh: Nikkei Asian Review

Châu Á lần đầu tăng trưởng âm

Theo Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chuyên gia kinh tế Chang Yong Rhee, tăng trưởng GDP toàn châu Á sẽ sụt giảm 1,6% vào năm nay. Vị chuyên gia nhận định, 2020 nhiều khả năng sẽ là năm đầu tiên kinh tế châu Á tăng trưởng âm; đồng thời cho biết mức giảm vừa nêu so với dự báo tăng trưởng 0% công bố hồi tháng 4 vừa qua của IMF đến từ việc đại dịch Covid-19 tiếp tục gây tác động tiêu cực đến nhu cầu và hoạt động xuất nhập khẩu trên thế giới.

Dù tăng trưởng quý I/2020 của kinh tế châu Á đã tốt hơn so với dự đoán, song triển vọng phát triển của phần lớn các quốc gia thuộc khu vực trong cả năm nay vẫn được IMF dự báo giảm. Nguyên nhân là vì các biện pháp cách ly, phong toả để dập dịch tại nhiều quốc gia đang phát triển tiếp tục kéo dài, cũng như điều kiện hỗ trợ kinh doanh trên toàn cầu suy yếu.

Riêng với nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi tại châu Á, tăng trưởng được dự báo sụt giảm 0,8%, theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 6/2020. Trong đó, tăng trưởng của Trung Quốc, Ấn Độ và nhóm ASEAN-5 được dự báo lần lượt là 1%, -4,5% và -2%.

"Phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, kinh tế châu Á không thể tăng trưởng một khi cả thế giới vẫn còn chật vật với Covid-19", ông Rhee nói.

Bức tranh thị trường lao động ảm đạm

Cú sốc do đại dịch đã gây thiệt hại nặng nề cho thị trường lao động vốn đã "mong manh" của châu Á.

Tại Hồng Kông, số liệu công bố bởi Cục Điều tra và Thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5/2020 lên tới 5,9%, tăng hơn gấp đôi so với mức cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số lượng lao động thất nghiệp giai đoạn tháng 3-5/2020 là 230.400 người, tăng 85% so với giai đoạn tháng 10-12/2019.

Link bài viết

Còn tại Trung Quốc, Xinhua dẫn số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia nước này cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị trong tháng 5 là 5,9%, phần lớn do số lượng người nhập cư quá mức.

Dù 90% lao động nhập cư tại thành thị đã được đi làm trở lại trước ngày 30/4/2020, song dự báo cho thấy, Covid-19 đã "thổi bay" 30 triệu việc làm tại nước này. Trong đó, dịch vụ và xuất khẩu là hai ngành chịu thiệt hại nặng nhất, với gần 48 triệu người lao động đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.

Ở Nhật Bản, Japan Times cho biết, số lao động chịu ràng buộc về mặt pháp lý nhưng không có việc để làm đã tăng từ 2,5 triệu người trong tháng 3/2020 lên tới 6 triệu người vào tháng 4. Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục Thống kê nước này, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4/2020 chỉ đạt 2,6%. Song, con số này không bao gồm khoảng 4,2 triệu người trên thực tế vẫn bị ràng buộc với người sử dụng lao động dù không có việc để làm, hoặc không được trả lương đầy đủ. Theo Japan Times, nếu tính cả những đối tượng này, tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 11,5%.

Bức tranh thị trường lao động u ám tương tự cũng xảy ra tại Ấn Độ, với tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh 27,1% vào những ngày đầu tháng 5/2020. Song, tín hiệu tích cực là tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống bằng mức trước giai đoạn phong toả cả nước, ở 8,5% vào tuần thứ 3 của tháng 6 (con số này chưa bao gồm hàng triệu lao động nhập cư trở về quê nhà trong thời gian phong toả cả nước). Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị, ở mức 11,2% vào tuần thứ 3 của tháng 6, vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm trước phong toả, vốn thường dao động quanh 9%.

Một công nhân dệt may nằm ngủ bên ngoài một nhà máy sau khi nó bị đóng cửa do lệnh phong toả tại Bhiwandi, Ấn Độ, vào ngày 1/4/2020. Ảnh: Reuters.

Một công nhân dệt may nằm ngủ bên ngoài một nhà máy sau khi nó bị đóng cửa do lệnh phong toả tại Bhiwandi, Ấn Độ, vào ngày 1/4/2020. Ảnh: Reuters.

Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp hiện tại của châu Á chưa thể mô tả chính xác về thực trạng của từng quốc gia, bởi số liệu chưa tính tới các trường hợp người mất việc quyết định không tìm kiếm công việc thời vụ hay người lao động cao tuổi không lựa chọn nghỉ hưu. Thêm nữa, các lao động mất việc từ thành phố trở về quê sau khi nhà máy đóng cửa vẫn được tính là có việc làm; hay các công nhân dù vẫn giữ được công việc thì số giờ làm đã giảm và mức lương cũng thấp hơn so với trước thời kỳ dịch bệnh.

Đồng thời, cần biết rằng, viễn cảnh tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xảy ra đối với các thị trường lao động vốn đã mong manh tại châu Á, khi hoạt động xuất khẩu nhiều khả năng sẽ tiếp tục lao dốc trong tương lai. Cú sốc từ Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề đối với ngành dịch vụ, từ nhà hàng, khách sạn cho đến du lịch và giải trí - các lĩnh vực cần thiết tỷ lệ lao động lớn, song đà hồi phục lại kéo dài. Và, việc những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực vừa nêu phải lựa chọn giữa cắt giảm nhân sự hay đệ đơn xin phá sản chỉ còn là vấn đề thời gian.

Làm sao "giải cứu" thị trường lao động?

Dẫn lời Rob Subbaraman - Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu và Sonal Varma - kinh tế trưởng tại Tập đoàn Tài chính Nomura, tờ Nikkei Asian Review cho biết, có 3 biện pháp để "giải cứu" thị trường lao động châu Á.

Trước hết, từ góc độ quản lý rủi ro, các nhà hoạch định chính sách châu Á cần thực hiện những biện pháp hỗ trợ trực tiếp hơn cho doanh nghiệp, như giảm thuế, trợ cấp tài chính hoặc trợ cấp có điều kiện để giúp doanh nghiệp trả lương cho người lao động, giống cách mà một số chính phủ như Singapore hay Hồng Kông đã làm.

Trong khi đó, đối với các quốc gia có khu vực kinh tế phi chính thức lớn và các vấn đề thất nghiệp tiềm ẩn, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines, chính phủ nên thực hiện các biện pháp hỗ trợ trực tiếp hơn cho hộ gia đình.

các nhà hoạch định chính sách châu Á cần thực hiện những biện pháp hỗ trợ trực tiếp hơn cho doanh nghiệp, như giảm thuế, trợ cấp tài chính hoặc trợ cấp có điều kiện để giúp doanh nghiệp trả lương cho người lao động

Các nhà hoạch định chính sách châu Á cần thực hiện những biện pháp hỗ trợ trực tiếp hơn cho doanh nghiệp, như giảm thuế, trợ cấp tài chính hoặc trợ cấp có điều kiện để giúp doanh nghiệp trả lương cho người lao động.

Thứ hai, các ngân hàng trung ương tại châu Á có thể mua trái phiếu doanh nghiệp, khuyến khích ngân hàng thương mại duy trì cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ thông qua việc cấp vốn với lãi suất 0%. Đương nhiên, việc sử dụng quá đà các chính sách tiền tệ có thể sẽ làm suy yếu đồng nội tệ; song đây sẽ là "cái giá phải trả" để có thể làm dịu đi cơn "sóng thần thất nghiệp" đang ngày một dâng cao, cũng như giúp cải thiện năng suất lao động và đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Cuối cùng, chính phủ cần đánh giá đúng tình hình và đưa ra các biện pháp cứu trợ kinh tế kịp lúc. Vài tuần gần đây, chính phủ các nước như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đều đã công bố nhiều gói kích thích tài chính bổ sung lớn hơn so với dự kiến, để có thể duy trì công ăn việc làm cho người dân. Riêng ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố một công cụ đặc biệt để cấp vốn không lãi suất cho các ngân hàng nhỏ hơn, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận các khoản vay.

Còn theo bà Angana Banerji - một chuyên gia kinh tế cấp cao tại IMF, Covid-19 đang diễn biến ở các giai đoạn khác nhau tại các khu vực khác nhau ở châu Á, và chính phủ các nước cần tiếp tục triển khai hoặc tăng cường hỗ trợ chính sách trong một số trường hợp. Đà hồi phục của kinh tế châu Á đã bắt đầu, song sẽ kéo dài. Do đó, tất cả các nước châu Á được khuyến khích đẩy mạnh cải cách mang tính cơ cấu nhằm thích ứng với môi trường hậu dịch bệnh mới, và xử lý các lỗ hổng chính sách do đại dịch gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á cần làm gì để cứu thị trường lao động khỏi "sóng thần" Covid-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO