Xuất khẩu sang Nga cần chuyên nghiệp

Nguồn SGTT| 18/12/2009 01:24

VN và Nga sẽ nghiên cứu để chuẩn bị đàm phán một hiệp định thương mại song phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Xuất khẩu sang Nga cần chuyên nghiệp

Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp phía Nga tối 15/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam và Nga sẽ nghiên cứu để chuẩn bị đàm phán một hiệp định thương mại song phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Thuỷ sản là một trong những mặt hàng giàu tiềm năng xuất khẩu sang Nga. Ảnh: Lê Quang Nhật

Trước mắt, để nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỉ USD trong vài năm tới, và tránh nguy cơ kéo theo sự tăng mạnh nhập siêu từ Nga, chủ yếu do các hợp đồng khổng lồ mua vũ khí và thiết bị quân sự vừa được chính thức ký kết, Thủ tướng Putin cũng hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nga, và cả khu vực Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Tuy nhiên, trước khi chờ đợi các giải pháp ở tầm nhà nước kể trên có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn phải tìm những con đường khả thi để tiếp cận thị trường rất to lớn và tiềm năng này.

Nhiều trở ngại

Bởi xuất khẩu thuỷ sản sang Nga năm 2008 đạt 200 triệu USD, bằng gần 20% xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường EU gồm 27 nước.

Tuy nhiên, việc tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Nga năm 2008 chỉ dừng ở mức 670 triệu USD là một câu hỏi lớn đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, nhất là đối với một thị trường được coi là truyền thống và sức mua tăng rất mạnh như Nga.

Một nguyên nhân khiến các nhà xuất khẩu ngại bán hàng vào thị trường Nga, theo đại diện ngân hàng liên doanh Việt – Nga (VRB), là trong số họ, có những người khi tự tìm đường sang Nga đã gặp những rủi ro nhất định. Theo một khảo sát do VRB tiến hành, một số nhà xuất khẩu sang Nga nói rằng họ bị đối tác dây dưa trong việc thanh toán, hay thậm chí còn không thu hết được tiền hàng.

“Nguyên nhân chính là thay vì áp dụng thông lệ thanh toán an toàn quốc tế là mở L/C, các nhà nhập khẩu Nga thường chọn cách thanh toán trực tiếp. Họ đặt cọc 20 – 30% tổng giá trị hợp đồng, và hứa thanh toán nốt sau khi nhận được toàn bộ lô hàng”, ông Phạm Văn Minh, phó giám đốc sở Giao dịch VRB, giải thích.

Bán hàng không lấy được tiền

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở Đồng Tháp cho biết, đang rất lo lắng về khoản tiền 2 triệu đôla mà khách hàng Nga còn nợ sau những hợp đồng mua hàng cá tra philê của công ty. “Họ vu khống cho lô hàng bị thiếu ký, cứ một thùng 20kg philê cá tra họ nói rằng thiếu mất 1 hoặc 2kg. Họ thông báo thì mình biết vậy thôi chứ công ty không thể cử người sang theo dõi, giám sát tháo niêm phong chì được nên đành chịu”, vị giám đốc kể trên nói.

Ông Makcimov, phó chủ tịch RBS, công ty tư vấn lớn nhất nước Nga với hơn 15 năm kinh nghiệm tư vấn đầu tư – thương mại nhìn nhận theo hướng khác. Theo ông, quan hệ giữa hai nhà nước, về cơ bản, đã thay đổi, nên các nhà xuất khẩu Việt Nam không thể bán hàng vào Nga theo phương thức cũ được nữa. Ông còn cho rằng bản thân thị trường Nga cũng trở nên kỹ tính hơn, nên Việt Nam không thể bán hàng sang Nga mà không quan tâm đến chất lượng, mẫu mã và bao bì.

Ông cũng cho biết rằng tuy thị trường Nga rất rộng lớn, các nhà xuất khẩu Việt Nam đã không tìm được nơi cần bán những hàng hoá của mình. “Chẳng hạn, với đồ thuỷ sản đông lạnh, bạn chỉ có thể bán ở các thành phố lớn, chứ mang về vùng quê rất khó, bởi đó là thứ hàng đắt tiền, lại dễ hỏng”, ông nêu ví dụ.

Vào thị trường qua những kênh chuyên nghiệp

VRB, theo ông Minh, đã được thành lập năm 2006 theo thoả thuận của hai chính phủ nhằm thúc đẩy quan hệ đầu tư – thương mại giữa hai nước, sẽ cung cấp các dịch vụ ngân hàng và sản phẩm thanh toán phù hợp với thị trường Nga, nhằm giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. “Ngân hàng VRB Moscow, do VRB đầu tư 100% vốn, sẽ phối hợp với ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) – đối tác Nga trong liên doanh VRB – giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam xử lý các tình huống phát sinh trong thực tế”, ông Minh nói.

Ông Minh cũng khuyên các nhà xuất khẩu Việt Nam nên ưu tiên chọn các đối tác nhập khẩu bên Nga là khách hàng, hay đối tác của VTB, hay VRB Moscow. “Đơn giản bởi vì, trước đó, chúng tôi đã tìm hiểu năng lực tài chính của họ”, ông Minh giải thích. Ông Makcimov cũng đồng ý với ý kiến này, khi cho rằng việc tìm được đối tác tốt sẽ giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam đỡ tốn thời gian tìm hiểu thị trường. “Những người mua buôn với số lượng lớn là một kênh bán hàng tốt”, ông Makcimov nói.

Ông Maksimov cho biết RBS sẵn sàng cung cấp các dịch vụ tư vấn, từ cung cấp thông tin về thị trường, tìm đối tác, đến giải quyết thủ tục về pháp lý, thậm chí tố tụng khi có tranh chấp, cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu sang Nga cần chuyên nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO